Ông Nguyễn Văn Linh – Chủ tịch Hội Nông dân xã Trường Trung, huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa cho biết, hiện Hội Nông dân xã Trường Trung có 916 hội viên, sinh hoạt ở 5/5 chi hội. Những năm quá, Hội luôn xác định công tác tuyên truyền, vận động là nòng cốt quan trọng để xây dựng tổ chức Hội vững mạnh toàn diện.
Chính vì vậy, Hội Nông dân xã Trường Trung luôn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng và nâng cao nhận thức cho cán bộ, hội viên bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng, phù hợp với nhu cầu và khả năng tiếp nhận của hội viên nông dân, góp phần thúc đẩy mạnh mẽ các phong trào thi đua trong tổ chức hội.
Hội Nông dân xã Trường Trung luôn xác định phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi làm nòng cốt để các hội viên luôn đoàn kết giúp nhau làm giàu trong phát triển kinh tế cùng vươn lên làm giàu và giúp hội viên giảm nghèo bền vững.
Để triển khai những phong trào đến các hội viên, Hội Nông dân xã Trường Trung đã vận động hội viên phát huy thế mạnh của địa phương và các chính sách hỗ trợ của nhà nước để tập trung tích tụ đất đai, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, đưa các cây, con giống có giá trị cao vào nuôi, trồng, ứng dụng công nghệ cao và phát triển các chuỗi liên kết.
Bên cạnh đó, Hội Nông dân xã Trường Trung tạo điều kiện hỗ trợ hội viên sớm tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngân hàng chính sách xã hội huyện để đầu tư phát triển sản xuất, với tổng dư nợ đến nay đạt gần 34 tỷ đồng, cho 464 lượt hội viên vay.
Để nguồn vốn vay được sử dụng đúng mục đích, đạt hiệu quả cao, hàng năm, Hội đã phối hợp với các ngành tổ chức 6 lớp tập huấn chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi, phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm cho trên 500 lượt hội viên tham gia; hướng dẫn nông dân đưa các giống cây, con nuôi năng suất, chất lượng cao vào sản xuất, đã thu hút hàng nghìn hội viên nông dân tham gia.
Đến nay, xã Trường Trung có 320 hộ nông dân được công nhận danh hiệu hộ sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp, đã góp phần đưa thu nhập bình quân đầu của mỗi hội viên nông dân đạt 60,8 triệu đồng/ người/ năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 0,17 %.
Nhờ đó, nhiều mô hình kinh tế mới được hội viên, các trang trại, gia trại đưa vào triển khai theo hướng sản xuất hàng hóa được và bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao và nhân rộng.
Điển hình, như mô hình nuôi tôm sú, tôm thẻ chân trắng, cua của gia đình ông Nguyễn Ngọc Văn, ở thôn Yên Lãng, xã Trường Trung, huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hoá.
Các đây 10 năm, lúc mới bắt đầu với mô hình trang trại, vợ chồng ông Nguyễn Văn Ngọc gặp rất nhiều khó khăn trong việc phát triển mô hình, vì chưa nắm rõ kỹ thuật, chính vì vậy hiệu quả kinh tế mang lại kém.
Không ngại trước những khó khăn, thách thức đó, ông ông Nguyễn Ngọc Văn luôn tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm qua các trang trại khác, bạn bè, sách báo, mạng internet và được sự quan tâm hỗ trợ từ chính quyền, Hội Nông dân cấp cơ sở để tìm kiếm loại vật nuôi và cây trồng phù hợp. Qua nghiên cứu ông Nguyễn Ngọc Văn nhận thấy hiệu quả của việc nuôi tôm, cua sinh trưởng, phát triển tốt với thổ nhưỡng của địa phương nên gia đình ông đã mở rộng diện tích nuôi tôm và cua lên 2,5 ha.
Theo ông Văn, nuôi tôm đòi hỏi kỹ thuật rất cao, vì vậy để có được hiệu quả kinh tế từ việc nuôi tôm, ngoài áp dụng kỹ thuật nuôi, ông tuân thủ theo đúng lịch thời vụ của nhà nước khuyến cáo, một năm chỉ nuôi 2 vụ, thời gian còn lại ông để hồ nghỉ ngơi... Cũng theo ông Văn, ngoài yếu tố con giống, môi trường ao nuôi thì biện pháp chăm sóc là rất quan trọng, quyết định đến đời sống của con vật nuôi. Sau khi trừ chi phí, mỗi năm ông Văn thu về 300 triệu đồng.
Không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cho gia đình, ông còn tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 2 lao động có thu nhập 6 triệu đồng/người/tháng.
Bên cạnh đó, ông còn thường xuyên trao đổi học hỏi kinh nghiệm, quy trình kỹ thuật mới về nuôi tôm với các hộ gia đình khác trên địa bàn xã, huyện để có nhiều cách làm hay, hiệu quả từ đó mở rộng mô hình, phát triển kinh tế và làm giàu chính đáng trên mảnh đất quê hương. Mặt khác, gia đình ông Văn cũng tham gia tích cực vào các hoạt động xã hội hóa của địa phương.
Sau nhiều lần tìm hiểu các mô hình phát triển kinh tế, năm 2021 vợ chồng chị Nguyễn Thị Hòng ở thôn Trung Liệt, xã Trường Trung, huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa đã quyết định đầu tư mô hình trồng mộc nhĩ.
Ban đầu với số vốn ban đầu còn hạn hẹp, vợ chồng chị Hòng chỉ đầu tư ít phôi về trồng thử nghiệm. Để có được cơ ngơi như hiện nay, chị đã phải vay vốn của ngân hàng, từng có thời gian "ăn, ngủ" với mộc nhĩ, thử nghiệm, tìm tòi, từ khâu chuẩn bị nguyên liệu, cho tới cấy giống, treo giàn.
Hiện chị Hòng đã đầu tư thêm hệ thống khép kín, từ các khâu như: Trộn mùn cưa, làm phôi giống, cho đến thu hoạch, phơi khô và xuất bán; xây dựng nhà trồng đảm bảo tiêu chuẩn sạch sẽ, thông thoáng, chủ động được các điều kiện sinh thái như độ ẩm, ánh sáng…
Sau hai năm bén duyên với nghề làm mộc nhĩ, nhận thấy khả quan, đem lại hiệu quả kinh tế, mỗi năm chị Hòng tiếp tục tăng dần số lượng, tận dụng mọi khoảng đất trống để làm giàn nuôi cấy. "Lấy ngắn nuôi dài" đến nay, với tổng diện tích trên 600 m2, sau khi thu hoạch, giá bán trung bình là 140 nghìn đồng/kg khô trừ các khoản chi phí gia đình chị Hòng thu về khoảng 100 triệu đồng/năm.
Để phát huy những kết quả đạt được, trong thời gian tới Hội Nông dân xã Trường Trung, huyện Nông Công, tỉnh Thanh Hóa tiếp tục đẩy mạnh hiệu quả phong trào "Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững"; phối hợp, tạo điều kiện để hội viên nông dân được vay vốn đầu tư đưa các giống cây trồng, vật nuôi mới có giá trị kinh tế cao vào sản xuất theo hướng hàng hóa; phát triển các ngành nghề phụ và tham gia kinh doanh dịch vụ; hỗ trợ giống, vốn và kỹ thuật cho nông dân phát triển, mở rộng sản xuất để ngày càng xuất hiện nhiều hơn nữa các mô hình kinh tế cho thu nhập cao, góp phần cùng cấp ủy, chính quyền thực hiện tốt phong trào xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu tại địa phương.