Được biết, nhà báo lão thành Trần Mai Hạnh đột ngột qua đời khi đang trong chuyến đi dài ngày, cùng em trai mình là Trần Mai Hưởng – nguyên Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam – đi từ Hà Nội vào TP.HCM thăm lại các đồng nghiệp, đồng đội làm báo ở Thông tấn xã Việt Nam trong thời kháng chiến chống Mỹ.
Nhà báo Trần Mai Hạnh sinh ngày 1/1/1943 tại TP Hải Dương, tỉnh Hải Dương. Ông tốt nghiệp Đại học Tổng hợp văn (nay là khoa văn Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn Hà Nội) rồi làm báo tại Thông tấn xã Việt Nam.
Nhà báo, nhà văn Trần Mai Hạnh nguyên là Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng (khoá VIII, IX); Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký Hội Nhà báo Việt Nam (khoá VI, VII); nguyên Tổng Giám đốc Đài tiếng nói Việt Nam, nguyên Uỷ viên Ban Lãnh đạo Liên đoàn báo chí các nước ASEAN, đại biểu Quốc hội khoá X…
Ông từng là phóng viên chiến tranh của Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN). Trong quãng thời gian từ 1965-1975, ông có mặt trên các mặt trận, chiến trường trong Nam, ngoài Bắc.
Ông là Đặc phái viên TTXVN tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh, chứng kiến và viết bài tường thuật đầu tiên về giờ phút lịch sử trưa 30/4/1975 tại Dinh Độc Lập.
Ông từng nhận Huy chương Vì sự nghiệp báo chí Việt Nam; Huy chương của Tổ chức quốc tế các nhà báo (OIJ); Huy chương Phêlích Enmuxa của Hội Nhà báo Cuba.
Trong cuộc trò chuyện với PV Dân Việt cách đây 3 năm trên chuyên mục Dân Việt Trò Chuyện, tâm sự về cuộc đời đầy những biến cố, thăng trầm của mình, nhà báo Trần Mai Hạnh từng chia sẻ thẳng thắn rằng:
- Trong cuộc đời này, có biết bao hiểm hoạ, bất trắc. Thắng đấy bại đấy, được đấy mất đấy. Đó cũng là chuyện thường tình của cuộc sống. Tôi có 10 năm làm Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký Hội Nhà báo Việt Nam với gần một vạn hội viên, đồng thời là Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam với gần 3.000 cán bộ công nhân viên...
Đang từ đỉnh cao bỗng chốc tai hoạ ập đến khiến phải trắng tay, thậm chí bị đẩy tới bên bờ vực thẳm, tôi đã phải chứng kiến những đổi thay chóng mặt, thậm chí kinh hoàng của nhân tình thế thái. Nhưng những thăng trầm và đổi thay đó rồi cũng qua đi, vì nó chỉ là phù du.
Tôi nhận thấy, chỉ có ngôi đền văn chương là nơi trú ngụ và gửi găm tâm hồn của thân phận con người là còn lại mãi. Nói "thân phận" là đã hàm ý về tài năng và sự oan trái. Với tôi, sự yên tĩnh dễ tìm thấy trong sáng tạo văn chương hơn là trong hoạt động báo chí.
Do vậy, nỗi niềm thân phận con người muốn gửi gắm cũng phải cậy nhờ tới ngôi đền văn chương thôi. Dẫu vậy, tôi vẫn rất yêu nghề báo, rất biết ơn sự ủng hộ của các đồng nghiệp đối với mình...
Trong 5 năm (2014 - 2019) Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật đã xuất bản bộ 4 tác phẩm của nhà báo, nhà văn Trần Mai Hạnh gồm: "Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75", "Lời tựa một tình yêu", "Thời tôi sống", "Viết và Đối thoại" với hơn 2.500 trang sách, đặc biệt cuốn tiểu thuyết tư liệu lịch sử "Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75" đã giành được Giải thưởng Văn học năm 2014 của Hội Nhà văn Việt Nam, Giải thưởng Văn học ASEAN 2015, được tái bản tới lần thứ 5, được dịch sang tiếng Anh giới thiệu với bạn đọc thế giới, được dịch sang tiếng Lào trở thành sách của Nhà nước Việt Nam trao tặng nước bạn Lào, và hiện đang được tiếp tục dịch sang ngôn ngữ khác