Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Chúng tôi gặp nhà báo, nhà thơ Trần Mai Hưởng trong một buổi sáng nắng rực rỡ. Ngôi nhà nhỏ nơi ông ở cùng gia đình người con trai nằm lọt thỏm giữa hai toà chung cư cũ trong khu tập thể Đại học Bách Khoa (Hà Nội). Ở góc sân nhỏ, cạnh bể cá koi nơi róc rách tiếng nước reo vui, ông trồng vài chậu lan. Trong phòng khách, lọ hoa loa kèn với sắc trắng giản dị, vài bức tranh được treo ngẫu hứng, không theo một sự sắp đặt nào. Cuộc sống khi nghỉ hưu của nhà báo Trần Mai Hưởng bình lặng, giản đơn như chính con người ông vậy.
Khi chúng tôi thắc mắc về chuyện ông về sống cùng gia đình con trai, ông phân bua: Kể từ sau khi bà nhà tôi mất, tôi chuyển hẳn từ Triệu Việt Vương (nhà cũ của hai vợ chồng ông – PV) về ở với con với cháu cho đỡ buồn.
Vợ ông mắc căn bệnh hiếm gặp trên thế giới liên quan tới não, mà như các bác sĩ giải thích là tỷ lệ 3 phần triệu. Nhiều năm liền, bà cứ quanh quẩn trong ngôi nhà, ông cũng không dám đi đâu rời xa bà. Rồi bà dần dần yếu và ra đi vào năm 2020, bỏ lại ông mất một thời gian phải đối diện cảm giác trống rỗng, hụt hẫng mỗi ngày…
Khi nghe chúng tôi nhắc lại chuyện của những ngày tháng lịch sử 47 năm trước, nhà báo Trần Mai Hưởng như một chàng thanh niên tuổi đôi mươi nói về những hoài bão, ước mơ của mình, hào hứng lật giở lại những trang ký ức đã trở thành một phần không thể thiếu của lịch sử nước nhà.
Những năm tháng chiến đấu gian khổ, khốc liệt từ thành cổ Quảng Trị cho tới buổi trưa lịch sử ngày 30/4, tất cả ùa về sống động qua giọng kể của người đàn ông nay đã ngoại thất thập, khiến những người thế hệ sau như chúng tôi cảm tưởng như câu chuyện mới xảy ra ngày hôm qua.
Trong câu chuyện với Dân Việt trò chuyện, ông đưa chúng tôi đến với những ngày tháng khốc liệt của chiến tranh, khi đoàn công tác của ông đang ở cánh rừng cao su ngoại ô Biên Hoà để chuẩn bị cho cuộc tổng tấn công, khi mặt đất vang rền tiếng của đủ loại vũ khí, lệnh hành quân có thể đến bất cứ lúc nào...
Ông là một trong những phóng viên của Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) có mặt kịp thời ở thời khắc lịch sử trưa 30/4/1975, ghi lại được khoảnh khắc chiếc xe tăng Quân giải phóng tiến vào Dinh Độc Lập, đánh dấu thắng lợi trọn vẹn của chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, đỉnh cao là cuộc Tổng tiến công mùa xuân năm 1975, kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước kéo dài hơn hai thập niên (1954-1975), giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Ông và anh trai mình - nhà báo Trần Mai Hạnh - là những người may mắn có mặt tại Dinh Độc Lập trong một thời khắc lịch sử trọng đại của đất nước vào trưa 30/4/1975. Ông có cho rằng đó là sự sắp xếp ngẫu nhiên của số phận, hay một điều gì khác? Cảm xúc của ông lúc hai anh em gặp nhau khi đó vẫn còn nguyên vẹn trong ông?
- Tôi sẽ không bao giờ quên được thời khắc đó. Rạng sáng 30/4/1975, những phóng viên trong tổ mũi nhọn của TTXVN chúng tôi đi trên chiếc xe con, cùng theo đoàn xe tăng qua cầu xa lộ lớn trên sông Đồng Nai từ sớm, tiến thẳng vào trung tâm Sài Gòn. Những ổ kháng cự nhỏ của địch hai bên đường vẫn bắn ra. Nhiều đoạn trên xa lộ, chiếc xe của chúng tôi phải áp vào sườn xe tăng, lúc lách bên phải, lúc bên trái để tránh đạn bắn thẳng. Mục tiêu là thẳng tiến Dinh Độc Lập.
Từng đoàn xe nối đuôi nhau. Xe tăng dẫn đầu, rồi đến xe thiết giáp, xe chở bộ binh. Pháo 130 ly bắn yểm trợ dọc hai bên đường. Những đám khói đen đặc cuộn lên. Có đoạn xe tăng phải hạ nòng bắn thẳng vào xe của quân đội Sài Gòn đang rút chạy.
Khi chúng tôi đến Dinh Độc Lập, những xe tăng đi đầu đã đến đó trước. Cánh cửa sắt của Dinh Độc Lập đã bị xe tăng hất đổ tung. Vừa vào trong, tôi và phóng viên nhiếp ảnh Vũ Tạo nhảy ra khỏi xe thì thấy một chiếc xe tăng trong đội hình thọc sâu tiến qua cổng chính của Dinh.
Một hình ảnh rất đẹp: Nắng rực rỡ, xe tăng vừa vào ngang cổng, cánh cửa sắt đổ sập vẫn nằm trên mặt đất, lá cờ giải phóng trên tháp pháo tung bay theo gió. Cùng với những người lính tăng là các chiến sĩ bộ binh của Sư đoàn 304 cùng hành tiến hiên ngang bên tháp pháo.
Theo phản xạ của người làm báo, tôi đưa máy ảnh lên ghi lại khoảnh khắc đáng nhớ đó. Và đó chính là sự ra đời của bức ảnh "Xe tăng Quân giải phóng tiến vào Dinh Độc Lập trưa 30/4/1975" mà sau này, tôi chuyển phim ra Hà Nội, TTXVN phát đi và được các cơ quan truyền thông trong và ngoài nước sử dụng rộng rãi. Bức ảnh cũng trở thành một biểu tượng quen thuộc của Đại thắng Mùa Xuân cho đến ngày nay. Tôi hoàn toàn cho đó là sự may mắn của số phận.
Quay lại câu hỏi của các bạn, việc tôi và anh Hạnh (nhà báo Trần Mai Hạnh, sau này là Tổng Giám đốc Đài tiếng nói Việt Nam - PV) gặp nhau vào thời khắc lịch sử đó có phải là sự sắp xếp của số phận hay không, để tôi kể lại và các bạn sẽ tự có câu trả lời!
Tôi nhớ là thời điểm năm 1975, anh Trần Mai Hạnh được sắp xếp đi cùng với Tổng Biên tập Thông tấn xã khi đó là bác Đào Tùng. Tôi không được cử đi vì lúc đó đang đi học. Một hôm về cơ quan thấy bảo báo đang tổ chức một đoàn công tác đi Huế. Tôi liền đến gặp Phó Tổng Biên tập Đỗ Phượng xin được đi. Đầu tiên, ông Phượng không đồng ý, bảo nhà tôi có hai anh em, vào đó cả thì không nên. Nhưng rồi, trước sự quyết tâm của tôi, ông cũng đồng ý. Sáng hôm sau, tôi lên cơ quan nhận ba lô và quân tư trang đi theo đoàn vào Huế.
Việc tôi đi nằm ngoài dự tính của cơ quan, cũng không phải là việc anh em bàn định từ trước. Hai anh em vào đến Huế cũng không nghĩ là sẽ được gặp nhau, lại càng không nghĩ sẽ cùng có mặt ở Sài Gòn. Đối với người làm báo, việc vào được Sài Gòn đúng ngày giải phóng 30/4, lại đúng thời khắc lịch sử của đất nước là rất quan trọng, bởi nếu chậm thì tất cả trở thành quá khứ, sẽ không còn ý nghĩa gì nữa.
Ngay trong tối 30/4, bức ảnh xe tăng chiếm Dinh Độc Lập của anh Văn Bảo và bài tường thuật đầu tiên của anh Trần Mai Hạnh về thời khắc Sài Gòn giải phóng được truyền qua hậu cứ ở Tây Ninh rồi phát ra Hà Nội kịp thời!
Trong khi đó, ảnh của anh em trong tổ chúng tôi, qua các anh Hoàng Thiểm và sau đó là anh Hứa Kiểm đưa theo máy bay ra thẳng Hà Nội rất kịp thời. Nhiều bài viết, ảnh chụp của các anh phóng viên ở Thông tấn xã giải phóng cũng được phát đúng lúc. Đây là những thông tin, hình ảnh vô cùng quý giá, tạo nên một bức tranh toàn cảnh về Sài Gòn, về miền Nam được hoàn toàn giải phóng trong ngày 30/4/1975.
Còn hai anh em gặp được nhau ở giữa Sài Gòn, trong ngày giải phóng miền Nam, thống nhất hoàn toàn đất nước, tôi nghĩ đúng là có sự may mắn và do sắp đặt của số phận. Bởi giữa chiến trường ác liệt tên rơi đạn lạc, nhưng cả hai anh em đều không làm sao, lành lặn trở về nhà.
Có thể nói ngày 30/4/1975 là một cái "chớp mắt" của lịch sử. Và ông đã may mắn trở thành một chứng nhân trong thời điểm trọng đại bậc nhất của đất nước. Ngay khoảnh khắc đấy, điều gì vụt đến trong suy nghĩ của ông?
- Điều tôi nghĩ đến ngay lúc đó là cuối cùng chiến tranh đã kết thúc. Tôi đã sống ở thời chiến tranh, nhiều người tôi biết đã phải hy sinh cho chiến thắng cuối nên tôi hiểu rất rõ cái giá mà chúng ta phải trả cho cuộc sống bình yên bây giờ đắt như thế nào.
Tôi nhớ nhà thơ Đinh Thu Vân có viết những dòng như thế này "Nếu không có ngày 30/4, trái tim em chỉ dám yêu một nửa/Còn nửa kia giữ lại để nghi ngờ". Giá trị nhân văn của ngày 30/4 được đề cao. Chúng ta từ đây có một cuộc sống yên bình, con người được sống với những khát vọng mới.
Sau này, trong một bài thơ về Quảng Trị, tôi đã viết: "Mong những chia cắt một thời mãi liền da thịt/Trong lòng sông và cả lòng người". Tôi nghĩ đó cũng chính là điều tôi muốn chia sẻ với mọi người trong thời khắc của ngày 30/4 đó.
Chiến thắng ấy cũng đánh dấu sự thống nhất trọn vẹn của đất nước, khẳng định tầm vóc vĩ đại và ý nghĩa lịch sử của cuộc kháng chiến chống Mỹ kéo dài hơn 20 năm. Đó cũng là cơ hội để các gia đình hai miền Nam Bắc được đoàn tụ. Cần phải nhớ là trong cuộc chiến, đã có hàng ngàn, hàng vạn gia đình phải ly tán, bị chia cắt.
Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt khi còn sống có nói đại ý rằng, đất nước ta do hoàn cảnh, có những người ở phía bên này hay bên kia. Ngày 30/4/1975 trong khi có một triệu người vui thì cũng có một triệu người buồn. Vì vậy, làm thế nào để khi nói về chiến thắng đừng làm đau một bộ phận cộng đồng, đừng gieo rắc thêm những hận thù, phải hàn gắn lại đất nước. Chúng ta phải noi theo giá trị nhân văn đó, để dạy cho thế hệ con cháu sau này biết yêu thương và biết ơn vì đang được sống trong một đất nước hoà bình.
Trong những ngày tháng làm phóng viên chiến trường đầy gian khó đó, có bài báo nào để lại trong ông ấn tượng mạnh nhất?
- Tôi nghĩ, những bài báo như Bích La Đông giải phóng, Trên vành đai điện tử, Huế đỏ cờ bay, Đà Nẵng ngày đầu giải phóng, Ngày vui ở khu phố Bàn Cờ... ít nhiều để lại ấn tượng trong lòng bạn đọc.
Còn riêng mình, tôi rất ấn tượng với bài báo Huế đỏ cờ bay. Lúc đó là cuối tháng 3/1975, chúng tôi vào đến Đông Hà (Quảng Trị) khi tình hình chiến dịch đang rất khẩn trương. Quân giải phóng đang siết chặt vòng vây quanh Huế. Ngày 25/3 đã có tin Huế sắp giải phóng. Đoàn trưởng Tư Phác họp và quyết định cử một tổ lên đường vào Huế, đi ngay trong ngày. Sau ít giờ chuẩn bị đồ đạc, nhóm chúng tôi lên đường ngay, đi bằng xe com-măng-ca do anh Ngô Bình lái từ Đông Hà chạy dọc theo đường 1, qua Quảng Trị và đi tiếp vào trong.
Khoảng chập tối nghe tin những cánh quân đầu của chúng ta đã vào Huế. Đến cầu Mỹ Chánh, chúng tôi phải dừng lại vì khi rút chạy, quân Sài Gòn đã phá huỷ cầu. Sau ít phút hội ý, anh em trong tổ quyết định vượt cầu và hành quân bằng đường bộ. Một quyết định khá mạo hiểm vì đây là vùng quân Sài Gòn vừa rút, không có cơ sở dẫn đường, không ai biết phía trước sẽ ra sao.
Chúng tôi sẽ phải đi bộ 30km suốt đêm. Nhưng trong hoàn cảnh đó, không có sự lựa chọn khác vì nếu không, thời cơ sẽ không bao giờ trở lại. Chúng tôi đến thành phố vào lúc trời rạng sáng. Chúng tôi hỏi thăm thì biết chiều qua, quân giải phóng đã vào thành phố.
Khi nhìn thấy Phu Văn Lâu, sông Hương, cầu Tràng Tiền… và cả thành phố trải ra trước mắt, tôi cứ nghĩ là mình đang trong một giấc mơ vậy. Khi xe chạy, vừa quan sát, hỏi chuyện mọi người, tôi vừa nghĩ đến những điều cần phải làm của mình. Phải làm sao có được tin, bài, ảnh nhanh nhất và chuyển được về cơ quan.
Tôi chọn một góc riêng, lấy quyển sổ công tác, kê lên ba lô ngồi viết với đầu đề "Sáng xuân Huế đỏ cờ bay". Đấy là ấn tượng mạnh nhất của tôi về Huế trong buổi sáng đầu tiên ấy. Tôi viết liền một mạch ba trang, một ghi chép nhỏ, gần như không dừng lại. Tôi viết từ những điều đang được chứng kiến đến những suy nghĩ về lịch sử lâu dài của Huế, từ những cuộc gặp gỡ với những người Huế hôm đó.
Các bài báo của chúng tôi được phát ngay ra Hà Nội chiều hôm ấy. Ngay đêm ấy, nằm nghe bài viết của mình được đọc trên Đài Tiếng nói Việt Nam, tôi rất xúc động. Tổng xã cũng nhắn vào cho biết, các báo ở Hà Nội sáng sau đều kín đặc hình ảnh và bài viết về Huế của anh em trong đoàn. Đó là một niềm vui lớn, một sự khởi đầu tốt đẹp đối với chúng tôi.
Ông từng nói "Người phóng viên xác định mình cũng như những người lính, sẵn sàng hy sinh tính mạng để bảo vệ đất nước. Tôi còn may mắn, không như đồng đội có nhiều người đã nằm lại, không về". Trong ông, hẳn những nỗi đau, sự mất mát vẫn còn hiện hữu?
- Tôi đã trải nghiệm về không khí trận mạc của người phóng viên chiến trường. Cũng đã ở Quảng Trị những ngày gian nan khi giải phóng, rồi chống phản kích... Có những trận đánh diễn ra ngay phía trước, chỗ chúng tôi trú chân nằm ngay trong tầm bắn thẳng của đối phương. Tiếng súng nổ suốt đêm ngày. Có những đồng nghiệp của tôi đã vĩnh viễn nằm lại chiến trường. Có những người đã hy sinh ngay trước mắt tôi... Rất nhiều số phận mà tôi đã gặp. Đó có thể là những người thương binh ngày đêm bị hành hạ bởi vết thương, là những nỗi đau vẫn luôn âm ỉ trong trái tim của những người cha, người mẹ mất con. Những số phận của người còn sống, những nỗi đau tột cùng, khoảng trống vô hạn vẫn còn là điều ám ảnh tôi cho đến ngày hôm nay.
Giữa cuộc nói chuyện, nhà báo Trần Mai Hương đột nhiên trầm tư. Rồi ông chậm rãi đọc lại cho chúng tôi nghe bài thơ có nhan đề "Mong". Bài thơ này được ông sáng tác ngay sau khi đi thăm lại chiến trường xưa trên vành đai hàng rào điện tử McNamara và trò chuyện với một nữ du kích:
Em mong gì khi chiến tranh đã hết?
Từng xóm làng từng vùng đất hồi sinh
Sức đã yếu lại thêm thương tật
Em chỉ mong được nhận vô nông trường.
Em mong gì cho tháng năm còn lại?
Mái ấm bình yên cuối cuộc đời
Quá lứa rồi, chẳng có ai anh ạ
Em chỉ mong có một đứa con thôi!
Đọc xong, ông lại chậm rãi nối tiếp câu chuyện:
- Đấy, mong ước của con người rất đơn giản vậy thôi. Những thân phận như vậy sau cuộc chiến có nhiều lắm. Cuộc sống của nhiều người khi trở về đời thường vẫn phải đối mặt với rất khó khăn, vật lộn với cuộc sống mỗi ngày. Đấy là điều khiến tôi rất băn khoăn. Vì vậy, tôi mong rằng mỗi bước tiến của đất nước phải có tác động tích cực và công bằng lên đời sống của mỗi người dân, phải giúp họ thấy được giá trị to lớn của hoà bình mà mình và đồng đội đã đánh đổi bằng xương máu để giành lấy.
Trải qua nhiều năm trên chiến trường dưới cái nhìn của một phóng viên, nhìn thấu cuộc chiến tranh từ những lúc máu lửa nhất đến ngày toàn thắng, điều gì khiến ông vẫn còn trăn trở?
- Tôi nghĩ cái giá phải trả của chiến thắng, của hoà bình là rất lớn. Tôi là người trải qua những ngày mưa bom, bão đạn, sống đến bây giờ là điều rất may mắn. Tôi vẫn còn sức khoẻ, thời gian, vẫn còn kịp học hành để có công việc, có sự nghiệp, có cuộc sống ổn định. Nhưng có không ít người lính đã ngã xuống, có nhiều người khi về với đời thường phải chịu thiệt thòi vô cùng khi bị thương, mất sức lao động, cuộc sống rất nhọc nhằn. Hay có những gia đình bố mẹ mất con, vợ mất chồng, những chờ đợi mòn mỏi của người mẹ. Đó là những dấu tích, những nỗi đau do chiến tranh gây ra còn đeo đẳng mãi, không gì khoả lấp được.
Trần Mai Hưởng đã có những tháng năm tuổi trẻ làm báo sôi động như thế. Ông từng đi qua những vùng đất đạn bom khói lửa. Mỗi nơi, mỗi vùng đất, sự nguy hiểm và cái chết luôn rình rập cận kề bên ông.
Trở về từ chiến trường, sau những ngày tháng cận kề cái chết, hơn ai hết, ông hiểu thấu và cảm nhận rõ giá trị cuộc sống và nâng niu, trân trọng từng giờ, từng phút được sống. Chính vì vậy mà những thân phận con người trong tác phẩm báo chí, thơ ca của ông thường thấm đẫm chất nhân văn.
Ông được biết đến như một nhà báo thích làm thơ. Trong thơ ông, người ta nhìn thấy sự khắc khoải, suy tư về số phận con người. Có những số phận nào ám ảnh ông tới tận giờ?
- Phải thừa nhận rằng tôi đã rất may mắn khi theo nghề báo và chính nghề báo đã giúp tôi có cơ hội được tiếp cận với đa dạng các kiểu thân phận trong cuộc đời. Và những thân phận đó, những câu chuyện đó cũng trở thành chất liệu phong phú cho thơ tôi. Tôi nhớ có cô du kích vừa chụp ảnh xong thì 3 tuần sau tôi nghe tin cô đã hy sinh. Có người phụ nữ tôi gặp ở Quảng Trị nói rằng, vì công tác, chị phải ở dưới hầm 3 năm không nhìn thấy ánh sáng mặt trời... Những người đó sẵn sàng hy sinh vì đất nước với những lý tưởng rất đỗi bình thường, giản dị.
Hay tôi bị ám ảnh mãi với hình ảnh người chồng đứng ở đầu cầu bên này, người vợ ở bên kia giới tuyến hàng ngày nhìn được nhau nhưng không nói với nhau được lời nào, phải nhờ người đi đò ra giữa dòng, nói to lên giữa trời đất, sông nước để thông tin cho người bên kia biết...
Cũng có lần, tôi chụp được hình ảnh bà má Bảy Hương - mẹ chị Sứ ở Hòn Đất, bên mộ con gái mình. Bức ảnh ấy, khi nhìn vào người ta cảm nhận được nỗi đau chiến tranh hiện hữu rõ dù trong bức ảnh, má Bảy Hương không hề khóc. Nhưng trong ánh mắt của má, người ta thấy được nỗi đau tột cùng…
Các bạn thấy đấy, đất nước mình còn nhiều lắm những số phận đau thương, những mất mát vẫn lẩn khuất trong tim người ở lại, trở thành những vết sẹo không thể liền da.
Đó là những số phận, những nỗi đau hữu hình trên khắp các nẻo đường mà tôi từng qua. Nhưng đó cũng là số phận chung, nỗi đau chung của cả dân tộc.
"Anh mắc vào làn hương ấy/ Em treo cuối ánh mắt nhìn" hay "Lá phong cháy hết mối tình/ Day dưa nỗi nhớ một mình hoa thôi". Một người làm báo chuyên nghiệp, thực tế, dạn dày đời sống, nhưng người ta cũng nhìn thấy một người bay bổng, lãng mạn qua những vần thơ của ông. Ông thấy con người nào của ông - nhà báo hay nhà thơ - thú vị hơn?
- Hồi trẻ tôi thích làm thơ lắm, nhưng sau thấy làm báo hết tâm, hết sức đã khó khăn lắm rồi nên đã tạm gác lại. Sau này khi có thời gian, lúc nghỉ, tôi mới lại làm thơ. Tôi làm báo, làm thơ, cũng làm công việc của người quản lý, tôi nghĩ con người của tôi là sự tổng hoà của tất cả các công việc ấy. Tôi làm gì, bao giờ cũng làm hết sức, trong hoàn cảnh cụ thể nào thì theo hoàn cảnh ấy, bao giờ cũng ưu tiên cho công việc chung, cho cơ quan rồi sau đó mới dành thời gian cho công việc riêng tư.
Người ta quý mến, cứ gọi tôi là nhà thơ chứ tôi vẫn chỉ nghĩ mình là người làm báo có làm thơ. Kể cả Tổng Giám đốc TTXVN cũng chỉ là chức danh, chứ trước sau tôi vẫn là người làm báo. Hiện tôi thỉnh thoảng vẫn viết báo, cho một vài tờ thân quen, những điều tôi ghi nhận, suy tư, trăn trở. Thơ thì cũng có viết, có đăng, in thành vài quyển.
Trải nghiệm sống từ những năm tháng khốc liệt của chiến tranh cùng với những kiến thức đã được tích luỹ đã giúp ích cho ông như thế nào trong việc định hướng phát triển của TTXVN, nơi ông có nhiều năm làm quản lý?
- Trong quãng thời gian làm nhiệm vụ quản lý ở TTXVN, có một số điều tôi nghĩ mình đã làm được, tuy vẫn còn nhiều việc các đồng chí lớp sau sau đó phải tiếp tục làm. Bên cạnh việc cùng Ban lãnh đạo bảo đảm các nhiệm vụ chung của ngành, chúng tôi đã cố gắng đổi mới hoạt động, nâng cao chất lượng thông tin, nâng cao năng lực cạnh tranh, đổi mới mô hình, cơ chế quản lý của cơ quan thông tấn quốc gia trong điều kiện mới, phát triển thêm các kênh thông tin mới như khai trương báo điện tử VietnamPlus, Kênh truyền hình Thông tấn…
Mặc dù ở thời điểm đó, mọi thứ rất khó khăn, nhưng chúng tôi đã rất quyết tâm và làm được. Tôi cùng Ban lãnh đạo và anh chị em cán bộ, phóng viên, luôn nhắc nhau, dù ở công việc nào, cũng phải làm quyết liệt, hết mình, chủ động, linh hoạt, cố gắng phản ứng nhanh và chuẩn xác trong xử lý thông tin cũng như trong việc thực hiện nhiệm vụ chung, vì sự phát triển của toàn ngành.
Đã 47 năm kể từ khi miền Nam được hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất một dải, đất nước đã có những bước phát triển đáng ghi nhận cùng với quá trình hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Nhưng điều đó cũng đặt ra rất nhiều nguy cơ, thách thức mới, trong đó đáng kể nhất chính là sự phát triển âm ỉ, len lỏi vào mọi ngóc ngách đời sống xã hội của tệ nạn tham nhũng, tiêu cực, được coi là thứ giặc nội xâm, nguy hiểm như loại giặc ngoại xâm khi xưa…
Những việc đó thực sự là rất đau lòng, chính là tâm tư, là nỗi day dứt của nhiều người, nhất là những người lính bước ra từ cuộc chiến như ông.
Trải qua những thăng trầm, được mất của đời người và có những năm tháng đi qua chiến tranh cận kề cái chết, đến bây giờ, điều gì khiến ông lo sợ nhất?
- Điều mà tôi sợ nhất là khi kinh tế của chúng ta khá lên, đời sống vật chất ngày càng được nâng cao thì phẩm chất của con người, tình người, nền tảng đạo đức, văn hoá xã hội lại có nguy cơ bị xuống cấp. Điều này thể hiện trong khá nhiều mặt. Khi đất nước phát triển, một lớp người giàu lên nhanh chóng, chuyện ấy là tất yếu. Nhưng trong số đó cũng có những người khoe mẽ sự giàu sang, có người cậy chức cậy quyền rồi tìm cách làm tiền, chiếm đoạt, trục lợi…
Tôi từng tự sự rằng: "Có tỷ phú mép còn dính đất/ Chùi chưa xong đã nói chuyện văn minh".
Thực tế, có một số người làm giàu lên từ đất cát, giàu cho bản thân mà không đem lại lợi ích cho cộng đồng, thậm chí làm tổn hại đến lợi ích chung. Theo tôi, nền tảng đạo đức, văn hoá xã hội phải được xây dựng tương xứng thì đất nước chúng ta mới có thể đi xa được.
Nếu chúng ta vẫn quản lý lỏng lẻo, thiếu các thiết chế để kiềm giữ những tiêu cực... sẽ còn nhiều những điều đau lòng xảy ra như hàng loạt những vụ đại án được phanh phui, hàng loạt cán bộ cấp cao của Đảng, Nhà nước vướng vòng lao lý… mà chúng ta đau xót chứng kiến suốt những năm qua.
Còn với ông, điều gì ông cho là quan trọng nhất?
- Đối với một con người, nói điều quan trọng nhất là rất khó. Ai cũng mưu cầu hạnh phúc, nhưng hạnh phúc như thế nào lại là một câu chuyện. Mỗi người có một tiêu chí riêng. Tôi đã trải qua nhiều thăng trầm của cuộc sống, đến tuổi này nghĩ mọi việc không có gì quan trọng ngoài sức khoẻ. Danh lợi là phù vân, cũng chẳng quan trọng nữa. Cái danh là của ngày hôm qua, giờ phải sống thế nào cho vui, thanh thản với những gì mình đã làm, đã sống.
Cuộc sống của tôi giản dị, chẳng có gì ghê gớm nhưng mình bằng lòng với những gì mình có. Giờ tôi sống với con trai, vợ tôi mất năm 2020. Tôi cũng chỉ mong các con trưởng thành, không cần chức tước, giàu sang, nhưng phải sống tử tế, không bị cuốn vào những thứ lôi thôi của cuộc sống để phải trả giá. Thỉnh thoảng tôi đi chơi với bạn bè, dành thời gian tập thể dục, chơi bóng bàn và viết lách.
Ở tuổi thất thập này, ông còn cảm thấy nuối tiếc với những điều gì mà ông chưa thể làm được?
- Năm tháng trôi qua, thấy tiếc nhất là thời gian. Giá còn thời gian để có thể làm được nhiều việc nữa theo cách hợp lý hơn, có ích hơn. Có những thứ lúc trẻ không làm được, nhưng nhận thức lúc đó chỉ làm được như thế. Bây giờ nhìn lại, nếu như có được kiến thức tốt, tầm nhìn tốt có thể sẽ làm tốt hơn.
Nhưng cũng phải tập thanh thản, đừng dằn vặt mình, bởi những gì mình làm được, mình đã cố gắng hết sức. Còn đạt được đến đâu, cái gì đã qua đều có hoàn cảnh của nó, mình cũng phải chấp nhận và hài lòng.
Xin trân trọng cảm ơn ông và chúc ông có thật nhiều sức khoẻ để thực hiện được những dự định của mình!
Vui lòng nhập nội dung bình luận.