Sáng 3/4, TAND TP.HCM tiếp tục xét xử vụ án Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) với phần tranh luận, đối đáp giữa đại diện VKS và luật sư.
94,8% tài sản của Trương Mỹ Lan có được sau khi "rút ruột" SCB
Trong phần xét hỏi cũng như bào chữa, Trương Mỹ Lan và các luật sư nhiều lần nói, bị cáo đã đưa nhiều tài sản có giá trị vào cho SCB mượn để tái cơ cấu, dẫn đến hiện giờ, chính bà là người bị thiệt hại, mất hết tài sản.
Đại diện VKS cho rằng, đây là lời khai không đúng sự thật. Tài liệu trong hồ sơ về các chứng từ rút, nộp tiền, báo cáo, tờ trình của SCB về 5 phương án tái cơ cấu, các văn bản phê duyệt của Ngân hàng Nhà nước (NHNN)... có đủ căn cứ xác định bà Lan không cho SCB mượn tài sản, mà dùng thủ đoạn đưa tài sản vào để tạo lập khoản vay mới, trả nợ cho các khoản cũ của chính bị cáo và các công ty liên quan tại các ngân hàng từ trước khi hợp nhất.
Theo phương án cơ cấu, bà Lan dùng 5 tài sản, gồm: Tòa nhà Windsor Plaza; các dự án 289 - Trần Hưng Đạo, khu 5-2, Times Square, Chợ Vải đưa vào SCB xử lý các khoản nợ phát sinh trước hợp nhất là 48.759 tỷ đồng gốc và lãi. Thực tế, bà Lan không bị thiệt hại, bởi SCB đã cho bị cáo lấy các tài sản này ra bằng cách rút, hoán đổi, mua lại bằng chính tiền giải ngân khoản vay theo phương án, dự án, số tài sản này, với giá trị 55.000 tỷ đồng. Trong khi đó, số tiền SCB giải ngân thông qua phương án tái cơ cấu để trả cho các khoản nợ cũ là 57.000 tỷ đồng.
Theo VKS, thực tế bị cáo Trương Mỹ Lan không hề có nhiều tài sản như bị cáo trình bày. Bị cáo không phải là người có nguồn lực tài chính dồi dào để bảo trợ cho SCB như bị cáo và luật sư trình bày. Trước khi hợp nhất, bị cáo Trương Mỹ Lan còn rất nhiều khoản nợ tại SCB, Ngân hàng Tín Nghĩa. Đến khi hợp nhất, SCB xác định đây là những khoản nợ khó thu, tài sản đăng bán có giá trị thấp. Nếu như bị cáo có đủ nguồn lực tài chính thì bị cáo đã tất toán các khoản nợ, khoản phải thu tại thời điểm hợp nhất. Bị cáo không hề có tiềm lực tài chính nhưng lại muốn sử dụng SCB như 1 công cụ tài chính, huy động tiền của dân phục vụ cho nhiều mục đích, trong đó có mục đích kinh doanh bất động sản.
Bị cáo từ 1 tiểu thương nhỏ, bằng việc nắm quyền điều hành SCB đã chiếm đoạt số tiền đặc biệt lớn để mua rất nhiều bất động sản. Kết quả điều tra đã làm rõ 1.169 tài sản liên quan đến Trương Mỹ Lan đã được Cơ quan CSĐT Bộ Công an kê biên. Các tài sản này chính bị cáo Trương Mỹ Lan đã thừa nhận của bị cáo hoặc có liên quan đến bị cáo, nhờ/thuê người đứng tên và phải giao cho Hoài Tâm và các đối tượng khác theo dõi. Trong số các tài sản này chỉ có khoảng 60 tài sản mua trước năm 2012. Do đó, các tài sản mua được sau năm 2012 chiếm đa số (khoảng 1.109/1169 tài sản, chiếm 94,8%). Ngoài ra, bị cáo còn mua, đầu tư nhiều dự án khác, một số dự án đưa vào SCB làm tài sản đăng bán; một số tài sản, dự án Cơ quan điều tra còn đang tiếp tục xác minh.
Theo VKS, luật sư bào chữa nói rằng lần đầu tiên xét xử và đề nghị một nữ doanh nhân với mức án tử hình, nhưng luật sư lại nêu thiếu 1 mệnh đề quan trọng là lần đầu tiên có 1 nữ doanh nhân bằng nhiều phương thức thủ đoạn tinh vi đã chiếm đoạt tài sản với giá trị đặc biệt lớn như vậy.
Cũng theo VKS, việc không yêu cầu định giá trong tố tụng hình sự mà sử dụng kết quả định giá của Công ty Hoàng Quân là bởi trong vụ án này, kết quả điều tra đã chứng minh làm rõ số tiền bị cáo Trương Mỹ Lan chiếm đoạt, gây thiệt hại là toàn bộ dư nợ gốc, lãi đến thời điểm khởi tố vụ án là 677.000 tỷ đồng. Cơ quan tố tụng đã có đầy đủ căn cứ, cơ sở để giải quyết vụ án. Trong khi đó, tài sản đảm bảo chỉ là phương thức thủ đoạn phạm tội của Trương Mỹ Lan và đồng phạm, nên cơ quan tố tụng không yêu cầu định giá trong tố tụng hình sự.
Phân tích về cáo buộc này, VKS khẳng định, cơ quan tố tụng có đủ căn cứ chứng minh Trương Mỹ Lan sở hữu 65% cổ phần SCB, có quyền chi phối, định đoạt đối với gần 30% cổ phần SCB do 5 công ty nước ngoài đứng tên sở hữu.
Bằng việc sở hữu, chi phối phần lớn cổ phần SCB nên bị cáo Trương Mỹ Lan đã chi phối quyết định, điều hành mọi hoạt động của SCB. Thủ đoạn của bị cáo Trương Mỹ Lan là chỉ đạo miệng tất cả mọi việc trong chuỗi hành vi phạm tội, không để lại bút tích, bị cáo không đứng tên khoản vay, tài sản, cổ phần... Trương Mỹ Lan chỉ cần yêu cầu số tiền cần rút, cán bộ SCB và nhân viên Vạn Thịnh Phát phải phối hợp hợp thức. Nếu không có việc bị cáo Trương Mỹ Lan chỉ đạo các nhân viên dưới quyền lập công ty ma, thuê cá nhân đứng tên ký hồ sơ thì SCB không thể tự lập hồ sơ và giải ngân được.
Cáo trạng truy tố bị cáo Trương Mỹ Lan và đồng phạm về tội quy định tại Điều 179 hoặc Điều 206, Bộ luật Hình sự 2015 (trong trường hợp hành vi phạm tội kéo dài đến sau thời điểm 1/1/2018) là có căn cứ.