Tham dự có ông Trần Thanh Nam - Thứ trưởng Bộ NNPTNT cùng một số đơn vị thuộc Bộ NNPTNT, doanh nghiệp, hiệp hội, tổ chức trong nước và quốc tế, lãnh đạo ngành nông nghiệp 12 tỉnh, thành tham gia đề án tại vùng ĐBSCL.
Trong Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, khối công sẽ thực hiện nhiệm vụ chủ trì triển khai xây dựng các gói kỹ thuật, ban hành tài liệu kỹ thuật, thực hiện chuyển giao, hướng dẫn, hỗ trợ hộ dân áp dụng mô hình sản xuất lúa gạo chất lượng cao. Tác nhân tham gia là tổ chỉ đạo sản xuất và xây dựng hệ thống khuyến nông, tổ chức quốc tế (IRRI, GIZ,… ) và các viện nghiên cứu.
Đối với khối tư, thực hiện nhiệm vụ cung cấp vật tư, công nghệ cho nghiên cứu, thử nghiệm, cung cấp bằng chứng phục vụ xây dựng mô hình sản xuất lúa gạo chất lượng cao, thí điểm và hỗ trợ thực hiện gói kỹ thuật trên đồng ruộng. Tác nhân tham gia là doanh nghiệp cung cấp vật tư, công nghệ, doanh nghiệp lúa gạo, hợp tác xã, tổ hợp tác và hộ nông dân tại địa bàn thử nghiệm, áp dụng mô hình sản xuất lúa gạo chất lượng cao.
Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho biết, Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao được xem là sự thay đổi to lớn đối với ngành lúa gạo khi đề ra mục tiêu hình thành vùng nguyên liệu tập trung quy mô lớn ổn định lâu dài, đảm bảo chất lượng, quy trình sản xuất hiện đại, đồng bộ, đáp ứng mục tiêu nâng cao giá trị chuỗi sản xuất lúa gạo.
Qua đó, đề án giúp cải thiện thu nhập cho nông dân, đảm bảo an ninh lương thực và phục vụ chế biến, xuất khẩu gạo đạt hiệu quả cao; giảm phát thải khí nhà kính, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Để đạt được mục tiêu trên, Việt Nam cần phải có những nỗ lực rất lớn, không chỉ từ phía Chính phủ mà cả khối tư nhân, doanh nghiệp, người sản xuất trực tiếp cùng tham gia. Trong đó, một trong những giải pháp then chốt được ưu tiên thực hiện là đẩy mạnh thu hút đầu tư theo hình thức đối tác công tư trong thời gian tới.
Thứ trưởng Trần Thanh Nam nhấn mạnh, rất khuyến khích doanh nghiệp, các tổ chức trong và ngoài nước tham gia đề án. Thế nhưng, khi thực hiện, phải làm theo quy trình canh tác đã đưa ra, kể cả cơ chế chi trả.
Trong quy trình canh tác lúa, điều mà Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho là khó thực hiện nhất đến thời điểm hiện nay là việc tưới ngập khô xen kẽ. Bởi, người nông dân ĐBSCL trồng lúa nước quen, khó thay đổi nhận thức.
"Tâm lý nông dân trồng lúa nước quen rồi, đều nghĩ trên đồng ruộng phải có nước nên tham gia thực hiện quy trình tưới ngập khô xen kẽ này cả vấn đề" - Thứ trưởng Trần Thanh Nam nói.
Ngoài ra, trong đề án, Thứ trưởng Trần Thanh Nam còn lo về việc xử lý rơm rạ sau thu hoạch. Bởi, ngoài số lượng ít dùng để làm nấm rơm (nếu có), Bộ NNPTNT mong muốn lượng lớn rơm rạ phải được nghiên cứu làm nguyên liệu phục vụ cho ngành công nghiệp.
Đối với vấn đề khó như trên, Thứ trưởng Trần Thanh Nam rất mong doanh nghiệp tham gia nghiên cứu và đưa ra phương án xử lý phù hợp. Đồng thời, mong muốn ngành nông nghiệp các địa phương chung tay, cùng vì lợi ích người dân trồng lúa.