Dân Việt

Nhiều bạn trẻ chọn du học nghề với mong muốn "đổi đời"

Tào Nga 04/04/2024 19:01 GMT+7
Thay vì vào đại học, đi làm công nhân hay xuất khẩu lao động..., nhiều bạn trẻ xác định cho mình con đường đi đu học nghề ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.

Du học nghề mong có tương lai tươi sáng

Sinh ra tại vùng quê nghèo ven biển Hà Tĩnh, bố làm nghề đánh cá, mẹ đi bán cá nên ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường, Trịnh Đức Phong, sinh năm 2005, đã quyết định sẽ đi du học nghề. 

Chia sẻ với PV báo Dân Việt, Phong cho hay: "Em từng đi đánh bắt cá cùng bố nên hiểu công việc này vất vả và nguy hiểm thế nào. Em không muốn theo nghề bố mẹ mà muốn đi làm và định cư ở nước ngoài để có tiền phụ giúp gia đình và lo cho tương lai sau này".

Được biết, Phong là con trai đầu, phía sau còn 3 người em đang học phổ thông. Mặc dù học lực khá nhưng Phong đã xác định sẽ đi du học nghề vì chú của em và nhiều người ở quê cũng đi xuất khẩu lao động. Phong đang băn khoăn chọn du học nghề điều dưỡng hoặc đầu bếp ở Đức. Hiện tại, em đang học tiếng Đức và sau khi có bằng sẽ "chốt" theo học ngành gì.

Nhiều bạn trẻ chọn du học nghề với mong muốn "đổi đời"- Ảnh 1.

Nhiều bạn trẻ đã chọn đi du học nghề trong những năm gần đây. Ảnh: NVCC

Cùng chung suy nghĩ, Hoàng Thị Quỳnh, sinh năm 2003, quê Hà Nam cũng đang phân vân 2 ngành điều dưỡng và khách sạn khi đi du học châu Âu. 

"Trước đây em thích về điều dưỡng vì em có thể chăm sóc người khác. Bây giờ em nghe mọi người tư vấn theo ngành khách sạn sẽ đỡ vất vả hơn, có thể giao tiếp với nhiều tầng lớp, đối tượng hơn và cải thiện vốn tiếng Đức tốt hơn", Quỳnh cho hay.

Gia đình Quỳnh cũng khá khó khăn, bố mẹ làm nông, sau Quỳnh còn có 2 em đang học lớp 10 và 11. "Từ ngày học cấp 2, em đã muốn sau này đi du học ở các nước phát triển, học hỏi văn minh để em có thể phát triển bản thân. Nhưng do nhiều điều kiện không cho phép em đi du học. Mặc dù học lực em cũng khá, từng đạt giải Nhì học sinh giỏi huyện, giải Ba tỉnh Hà Nam nhưng khi thi ngành kiểm toán tại Trường Đại học Kinh tế quốc dân bị trượt vì thiếu 1 điểm. 

Nếu em ở nhà 1 năm ôn thi thì cũng khó khăn nên em quyết định du học nghề. Em vừa thực hiện được ước mơ du học, vừa có bằng cấp, lương ổn định và cao hơn so. Em rất coi trọng việc học", Quỳnh cho hay.

Nhiều cơ hội cho bạn trẻ khi đi du học nghề

Nói về xu hướng du học nghề hiện nay, bà Lê Thị Diệu Linh, Tổng Giám đốc German Greatway Group cho biết: "Du học nghề đang được rất nhiều bạn trẻ yêu thích theo học. Nếu như xuất khẩu lao động có thể sang làm việc nhanh hơn nhưng sau đó trở về Việt Nam sẽ khó khăn hơn khi tìm việc. Du học nghề có tương lai lâu dài, công việc ổn định, có bằng cấp. Ví dụ như du học Đức, các bạn sẽ được đào tạo tiếng ở Việt Nam 8-9 tháng, sau đó đủ điều kiện sẽ sang Đức học nghề 3 năm. Như vậy, các bạn vẫn có thể theo đuổi con đường học vấn lại nhanh chóng có công việc và cơ hội định cư ở nước ngoài. 

Nhiều bạn trẻ chọn du học nghề với mong muốn "đổi đời"- Ảnh 2.

Bà Linh (ở giữa) cho biết có nhiều ngành hot du học nghề như cơ khí kỹ thuật, đầu bếp, chế biến thực phẩm, công nghệ thông tin, trợ lý nha khoa, làm đẹp... Ảnh: NVCC

Chia sẻ thêm về các ngành nghề được yêu thích hiện nay, bà Linh nói: "Ở Đức đang già hóa dân số nên rất nhiều ngành nghề có nhu cầu tuyển dụng. Ngành điều dưỡng đang là nghề được săn lùng nhất ở đây và có lương cao. Mức lương cho một điều dưỡng viên đang học nghề dao động khoảng 37 triệu đồng và sau khi tốt nghiệp có thể lên tới khoảng 70 triệu đồng. 

Ngành nhà hàng khách sạn cũng tương tự với mức lương khoảng 35 triệu đồng khi đang học nghề và lên 65 triệu đồng sau khi tốt nghiệp. Nhóm ngành này còn được thêm tiền tip của khách hàng nên đang được nhiều bạn trẻ lựa chọn.

Ngoài ra các nhóm ngành khác cũng rất "hot" như cơ khí kỹ thuật, đầu bếp, chế biến thực phẩm, công nghệ thông tin, trợ lý nha khoa, làm đẹp, thủ công... cũng nhiều cơ hội việc làm và mức lương hấp dẫn.

Sinh viên đi du học nghề sẽ có 30% thời gian học lý thuyết, 70% thực hành. Với thời gian học thực hành này, sinh viên sẽ được trả lương và số tiền này đủ để trả cho ăn uống, sinh hoạt, đi lại... Bố mẹ không phải gửi tiền sang, thậm chí nếu chi tiêu tiết kiệm các bạn còn có thể gửi tiền về.

Tuy nhiên, nhận xét về sinh viên Việt Nam đi du học nghề, bà Linh đánh giá, nhiều bạn chăm chỉ, kỷ luật, được doanh nghiệp khen ngợi nhưng cũng có một số bạn chưa có tinh thần kỷ luật tốt, đi thực tập một thời gian chán lại đổi, hay đi muộn, ngoại ngữ kém hơn một số sinh viên nước khác và tính cách nhút nhát hơn.... Những điều này khiến cho cơ hội việc làm của các bạn bị ảnh hưởng nên các nhược điểm này sinh viên Việt Nam cần lưu ý.