Dừng tuyển sinh lớp 6 vào Chuyên Hà Nội - Amsterdam: "Đừng đặt quá nhiều kỳ vọng lên vai đứa trẻ tiểu học"

Tào Nga Thứ tư, ngày 03/04/2024 10:03 AM (GMT+7)
Thông tin dừng tuyển sinh lớp 6 vào THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam đang nhận nhiều phản ứng trái chiều từ dư luận.
Bình luận 0

Phụ huynh phản ứng trước thông tin dừng tuyển sinh lớp 6 vào Chuyên Hà Nội - Amsterdam

Mới đây, Sở GDĐT Hà Nội cho biết, UBND TP.Hà Nội đã có chỉ đạo về việc tuyển sinh lớp 6 Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam từ năm học 2024-2025. Theo đó, việc tuyển sinh lớp 6 thực hiện theo đúng yêu cầu tại công văn số 801/BGDĐT - GDTrH ngày 28/2 của Bộ GDĐT: Không có cấp THCS trong trường chuyên.

Thông tin này nhận được nhiều ý kiến trái chiều từ dư luận, đặc biệt là phụ huynh học sinh có con năm nay thi vào lớp 6.

Chị Nguyễn Phương Hoa, phụ huynh có con đang học lớp 5 tại một trường ở quận Cầu Giấy, Hà Nội bày tỏ: "Tôi vô cùng hụt hẫng khi nghe thông tin này. Trước đó Bộ đã trả lời về việc không có cấp THCS trong trường THPT chuyên, tôi vẫn hy vọng Sở GDĐT Hà Nội có phương án nào đó. Tuy nhiên, tin vui không xảy ra".

Chị Hoa cũng như nhiều phụ huynh tại Hà Nội đang có cảm xúc hỗn độn bởi 2 năm qua đầu tư không ít tiền cho con ôn thi 3 môn Toán, Văn, Ngoại ngữ để thi vào ngôi trường mơ ước này. 

Dừng tuyển sinh lớp 6 vào Chuyên Hà Nội - Amsterdam: "Đừng đặt quá nhiều kỳ vọng lên vai đứa trẻ tiểu học"- Ảnh 1.

Học sinh khối THCS tại Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam. Ảnh: Viết Niệm

Thầy Trần Nhật Minh, giáo viên dạy Toán bậc THCS ở Hà Nội nêu quan điểm: "Nếu có thể vẫn nên duy trì việc tuyển sinh vào lớp 6 Trường THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam. Thực tế đã cho thấy đây vẫn là một môi trường tốt dành cho các bạn học sinh có năng khiếu. Kết quả đầu ra của trường năm nào cũng nằm ở top đầu của thành phố. Một môi trường như vậy phải dừng lại thì sẽ mang lại rất nhiều thiệt thòi cho phụ huynh và học sinh. 

Nói về việc học sinh ôn thi vào lớp 6 có áp lực hay không thì tôi cho rằng ôn thi bất cứ trường nào cũng đều có những áp lực nhất định. Trường Ams thường được chú ý hơn có lẽ do đây là ngôi trường vẫn có sức hút lớn nhất từ trước đến giờ. 

Tuy nhiên áp lực sinh ra là để chúng ta biết đối mặt và vượt qua chứ không phải là để thấy khó khăn mà nản chí. Áp lực quá là không tốt nhưng nếu có một phương pháp học tập và rèn luyện bài bản, hợp lý thì chúng ta sẽ biết cách vượt qua áp lực và biến nó thành động lực".

"Đừng đặt quá nhiều kỳ vọng lên vai đứa trẻ tiểu học"

Bên cạnh ý kiến phản đối, tiếc nuối thì việc dừng tuyển sinh lớp 6 vào Chuyên Hà Nội - Amsterdam cũng nhận được nhiều ủng hộ. Theo PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GDĐT, ngành giáo dục cần có chính sách lâu dài, ổn định trong tuyển sinh để phụ huynh yên tâm, an lòng. Trường THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam năm nào cũng tuyển sinh lớp 6 rất căng thẳng, tỉ lệ chọi cao, áp lực cho học sinh luyện thi rất lớn. "Do đó, theo luật và cả thực tiễn, tôi cho rằng việc dừng tuyển sinh bậc THCS là đúng và việc này cần phải làm từ rất lâu rồi", PGS Nhĩ nói.

Thầy Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng trường THPT Bùi Thị Xuân cũng đánh giá việc duy trì hệ THCS trong các trường THPT chuyên đã tạo một áp lực rất lớn cho phụ huynh và học sinh. Nhưng trên hết, chính phụ huynh đang đặt quá nhiều kỳ vọng lên vai đứa trẻ tiểu học.

Dừng tuyển sinh lớp 6 vào Chuyên Hà Nội - Amsterdam: "Đừng đặt quá nhiều kỳ vọng lên vai đứa trẻ tiểu học"- Ảnh 2.

Trường THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam là mơ ước của nhiều thế hệ học sinh. Ảnh: Tào Nga

Thầy Phú cho rằng, những học sinh "học ngày học đêm", "5 năm không có nghỉ hè" chủ yếu là bị điều phối bởi kỳ vọng, khát khao của cha mẹ bởi ở độ tuổi tiểu học, các em chưa đủ nhận thức thể tự định hướng có học chuyên hay không. Bên cạnh đó, những đứa trẻ có tố chất, tài năng thực sự thì không cần học, luyện thi với cường độ cao để đỗ. Cha mẹ đặt các em vào môi trường học tập "khắc nghiệt" như vậy là đang đánh cắp tuổi thơ, ép con phải chạy đua quá sớm.

"Vài nghìn học sinh dự thi chỉ để lấy vài trăm em. Mức độ cạnh tranh quá lớn, kỳ vọng của phụ huynh lại quá nhiều khiến học trò phải lao vào cuộc đua của người lớn. Cuối cùng, những phản ứng, sự hụt hẫng cũng xuất phát từ phía phụ huynh, từ nỗi thất vọng vì mong muốn không được đáp ứng. Đó là tâm lý của người lớn thay vì học sinh", thầy Phú đánh giá.

Theo thầy Phú, việc phát hiện, bồi dưỡng học sinh giỏi, tạo nguồn cho trường THPT chuyên là nhiệm vụ của tất cả trường THCS chứ không phải chỉ là nhiệm vụ của riêng hệ THCS trong trường chuyên hay trường chất lượng cao.

Chính vì vậy, phụ huynh cần có cái nhìn thực chất, không nên vì không được thi, vì chữ "trường chuyên" mà "khóc lóc, mất ăn mất ngủ" bởi nếu đã đầu tư cho con, học ở trường nào, phụ huynh cũng có thể đầu tư được. Trẻ vẫn có thể phát triển tốt nếu không học trường chuyên.

TS Đàm Quang Minh, Phó tổng giám đốc Tổ chức Giáo dục Equest, khẳng định, ở vai trò quản lý Nhà nước, Bộ GDĐT đang thực hiện đúng luật, đúng quy định và đã có lộ trình.

"Với trẻ ở độ tuổi tiểu học, áp lực học hành, thi cử chủ yếu xuất phát từ kỳ vọng, mong muốn của phụ huynh. Chính những phản ứng dư luận về việc Trường Ams có thể dừng tuyển sinh lớp 6 cũng xuất phát từ phía phụ huynh thay vì học sinh.

Xét ở góc độ nào đó, yêu cầu dừng tuyển sinh hệ THCS trong trường THPT chuyên có tính quyết định, giúp học sinh không phải chịu những áp lực không cần thiết ở giai đoạn tiểu học. Các quy định, chính sách cũng nêu rõ giáo dục đánh giá năng lực, phẩm chất của học sinh nhưng việc tuyển sinh dựa trên thi cử, đánh giá kiến thức, kỹ năng lại vô tình đẩy học sinh vào việc luyện thi", ông Minh nói.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem