Mùa sầu riêng năm 2023, chị Thái Thu Đào - Phó Giám đốc Công ty CP Nông sản Lang Biang từng đặt cọc một số tiền lớn ở các nhà vườn sầu riêng tại huyện Krông Pắc.
Khi những quả sầu riêng còn non, nhiều "thương lái lạ mặt" đã xuất hiện với đủ chiêu trò giành giật, phá giá, gây hỗn loạn. Trước thực tế quá phức tạp, chị đành bỏ cuộc, chấp nhận mất một số tiền lớn.
"Khi hàng trở nên khan hiếm, giá liên tục được đẩy lên, việc mua bán như những cái chợ tự phát. Thương lái đậu xe từng hàng dài trước cửa vườn, các cuộc mặc cả diễn ra một cách chụp giật. Một số chủ vườn tham một cách bất chấp, "bẻ kèo" với doanh nghiệp.
Lúc này, hiệp hội và chính quyền hầu như không can thiệp được gì cả. Chúng tôi không quen và cũng không thể làm ăn theo kiểu chụp giật như vậy nên đành chấp nhận thiệt hại, rút lui. Năm nay, nhiều khả năng mọi thứ có vẻ không khác gì năm ngoái", chị Đào bày tỏ.
Không chỉ "người ngoài trông vào", chính những người đang tham gia, quản lý, hỗ trợ trực tiếp cho ngành sầu riêng tại Đắk Lắk cũng đã không ngại chia sẻ những tồn tại, lúng túng, khó khăn.
Ông Nguyễn Huy Hoàng - Trưởng Phòng NNPTNT huyện Krông Pắc thẳng thắn nhìn nhận, Krông Pắc hiện có 8.000 ha sầu riêng, trong đó có 4.000 ha đang cho thu hoạch. Là đơn vị đi đầu tham mưu trong cấp mã vùng trồng, mã cơ sở đóng gói nhưng chính địa phương cũng đang lúng túng, cần tháo gỡ vướng mắc.
Phổ biến là tình trạng chủ vườn chưa thực hiện đúng, chưa hiểu quyền và nghĩa vụ của mình, chưa ghi chép đầy đủ hồ sơ canh tác. Hồ sơ quản lý mã vùng trồng còn đơn giản, lỏng lẻo. Có vườn đã nằm trong mã vùng trồng nhưng chủ vườn… không biết.
Nhiều thông tin về quản lý mã vùng trồng không đúng thực tế. Tính bền vững các chuỗi liên kết chưa cao, chủ yếu "thuận mua vừa bán".
Đa số các đối tác nơi xa đến thu mua, khiến việc phối hợp pháp lý, thực hiện các quy định gặp khó khăn. Nhiều đại diện vùng trồng vẫn còn thờ ơ với việc tập huấn kĩ thuật và các quy định. Nếu làm mã vùng trồng xong để đó thì mọi thứ như thể thả nổi, không thể có ổn định.
Ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam chia sẻ tại hội nghị Tổng kết ngành hàng sầu riêng năm 2023, phương hướng nhiệm vụ năm 2024 tại Đắk Lắk.
Dù Đắk Lắk là tâm điểm sầu riêng, đã hoạt động rầm rộ ít nhất 3 mùa nhưng đến thời điểm hiện nay địa phương vẫn còn lúng túng trong công tác cấp và quản lý mã số vùng trồng.
Nơi đây cũng chưa có chế tài xử lý các hành vi vi phạm. Việc quản lý sản xuất, thu hoạch, sơ chế, đóng gói và xuất khẩu vẫn lỏng lẻo như các mặt hàng nông sản khác dù sầu riêng phải được quản lý đặc biệt hơn do đặc thù của nó.
Ông Nguyễn Hữu Tiến - đại diện Hợp tác xã Tân Lập Đông (huyện Krông Búk, Đắk Lắk) chia sẻ: "Cần có cách tách bạch các sản phẩm có mã vùng trồng và không có. Các đơn vị thu mua cũng cần ưu tiên các vườn có mã.
Không để lẫn lộn như hiện nay. Tranh mua tranh bán loạn hết cả lên, cuối cùng doanh nghiệp nào cũng kêu lỗ. Cần có tiếng nói chung, tránh "qua mùa xong chuyện". Người dân đang phấn khởi vì được mùa được giá nhưng rõ ràng, cách làm này không bền. Mọi thứ cần được quản lý quyết liệt và chặt chẽ hơn".
Đắk Lắk tiên phong trong việc thành lập hiệp hội sầu riêng. Dù đã được thành lập hơn 1 năm nhưng ông Lê Anh Trung - Phó Chủ tịch Hiệp hội Sầu riêng Đắk Lắk thừa nhận, Hiệp hội có 150 thành viên, chủ yếu là chủ vườn và chủ doanh nghiệp kinh doanh sầu riêng. EU tăng cảnh báo 10% vì chất lượng sầu riêng Việt Nam không đạt, Nhật cũng từng yêu cầu tiêu huỷ 1 lô hàng.
Nếu không thay đổi kịp thời, thị trường Trung Quốc cũng có thể ảnh hưởng. Ai cũng thấy rằng cần phải hành động nhanh và quyết liệt để cải thiện chất lượng và bảo vệ hình ảnh cho sầu riêng Việt Nam, nhưng thực tế đang gặp nhiều cái khó.
Đơn cử, việc kiểm soát chất lượng ngay tại vùng trồng chưa tốt. Việc kiểm tra mẫu trước thu hoạch thực chất không tốn nhiều chi phí.
Đắk Lắk có 5 huyện trồng sầu riêng, mỗi huyện chỉ cần khoảng 100 triệu là đủ nguồn lực, có thể lấy mẫu trước thu hoạch để kiểm soát. Kiểm tra bất chợt và thường niên cũng cần phối hợp với hiệp hội để đồng bộ. Tuy nhiên, hiện tại thì hiệp hội thiếu người và hoàn toàn không có kinh phí để hoạt động.
Tham dự hội nghị Tổng kết ngành hàng sầu riêng năm 2023, phương hướng nhiệm vụ năm 2024 do UBND tỉnh Đắk Lắk tổ chức mới đây, ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam chia sẻ, sầu riêng là một sự may mắn của Việt Nam nói chung và Đắk Lắk nói riêng. Có lẽ, mọi thứ đến quá nhanh, khiến sự chuẩn bị không theo kịp.
Chúng ta có thể học Thái Lan, họ có lực lượng gọi vui là "cảnh sát sầu riêng". Lực lượng này chuyên đi kiểm tra, xử phạt những nhà vườn bán sản phẩm không đúng chất lượng, phá giá, gian lận. Ở ta, cũng cần thiết tạo nguồn lực để có con người làm những việc tương tự.
Bởi công an hay chính quyền có việc riêng của họ, đâu có thời gian để đi quản riêng mảng sầu riêng. Rõ ràng, để tránh nhiễu loạn như năm trước, cần phải có cách quản lý quyết liệt hơn. Nhưng trước tiên, phải có cơ chế tạo ra lực lượng để làm việc đó.
Cần có giải pháp quyết liệt đối với việc tranh mua tranh bán sầu riêng, đứt gãy chuỗi liên kết do tình trạng "bẻ kèo" vừa xảy ra trong vụ 2023 nhằm tránh lặp lại tình trạng này trong vụ 2024.