UBND TP.HCM vừa ban hành kế hoạch thực hiện Chương trình Bình ổn thị trường trên địa bàn thành phố; áp dụng cho các mặt hàng lương thực, thực phẩm, tiêu dùng thiết yếu, các mặt hàng phục vụ học tập năm 2024 và Tết Ất Tỵ năm 2025.
So với năm 2023, chương trình Bình ổn thị trường TP.HCM mở rộng, bổ sung nhiều nhóm mặt hàng.
Đáng chú ý, ở nhóm các mặt hàng phục vụ học tập, TP.HCM bổ sung các mặt hàng thiết bị điện tử phục vụ học tập (laptop, máy tính để bàn, máy in phun, laser…) vào chương trình Bình ổn thị trường năm 2024.
Gần đây, khi nhu cầu học tập trực tuyến tăng cao, thay đổi trong nội dung và phương thức giảng dạy nên nhu cầu sử dụng laptop tăng theo. Ngoài ra, TP.HCM cũng là nơi có nhiều trường đại học, cao đẳng. Nhu cầu laptop thường tăng vọt mỗi dịp đầu năm học.
Về lượng hàng bình ổn thị trường, theo kế hoạch, có 170.000 sản phẩm (150.000 laptop, 10.000 bộ máy tính để bàn, 10.000 máy in) được phục vụ với giá bình ổn đưa ra thị trường.
Ngoài các mặt hàng thiết bị điện tử phục vụ học tập, chương trình bình ổn thị trường TP.HCM năm 2024 bổ sung nhóm hàng tiêu dùng thiết yếu gồm nước rửa chén, nước lau nhà, bột giặt, chất tẩy rửa, khăn giấy, túi rác phân huỷ sinh học…; bổ sung mặt hàng muối, nước uống vào nhóm các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu.
Năm 2024, chương trình Bình ổn thị trường trên địa bàn TP.HCM có 69 doanh nghiệp đầu mối tham gia, tăng 10 doanh nghiệp so với năm 2023. Phần lớn các doanh nghiệp tham gia chương trình đều có quy mô lớn, thương hiệu uy tín, chiếm thị phần cao và là đầu mối của các chuỗi cung ứng.
Cụ thể, hoạt động phân phối có các doanh nghiệp bán lẻ lớn nhất cả nước như Saigon Co.op, Satra, Bách Hóa Xanh, Central Retail, MM Mega Market, AEON, Fahasa…
Nhóm doanh nghiệp sản xuất, cung ứng có các doanh nghiệp quy mô rất lớn như Vinamilk, Nutifood, Vissan, Vinh Phát, Ba Huân, San Hà, C.P Việt Nam, Vissan, Vinamit, Lương thực TP.HCM, Bình Tây, Miliket, Saigon Food, Cholimex, Intermix…
Theo Sở Công Thương TP.HCM, chương trình Bình ổn thị trường TP.HCM năm 2024 đã huy động thêm nhiều doanh nghiệp quy mô lớn, có thương hiệu, lần đầu tiên tham gia như Tập đoàn Lộc Trời (mặt hàng gạo), Tổng Công ty May 28 (đồng phục học sinh, nước uống), Sapuwa (nước uống), ION LIFE (nước uống), Family Mart (phân phối), Hòa Phát (nước tẩy rửa), Thế Giới Di Động (dụng cụ điện tử phục vụ học tập)…
Sự tham gia của các doanh nghiệp này giúp gia tăng sản lượng, tăng cơ hội tiếp cận, mua sắm hàng hóa bình ổn thị trường đến với mọi đối tượng người tiêu dùng, nâng cao khả năng chi phối, điều tiết thị trường của chương trình.