Dân Việt

Khan hiếm nguồn tạng, bệnh nhân mòn mỏi chờ ghép

Bạch Dương 05/04/2024 13:53 GMT+7
Khan hiếm nguồn tạng là yếu tố cơ bản khiến hoạt động ghép tạng của Việt Nam kém hiệu quả. Thực trạng này được đặt ra tại Hội nghị phát triển "Mạng lưới tư vấn viên vận động hiến tặng mô, tạng" khu vực phía Nam tại Bệnh viện Chợ Rẫy ngày 5/4.
Khan hiếm nguồn tạng, bệnh nhân mòn mỏi chờ ghép- Ảnh 1.

Một ca ghép thân tại Bệnh viện Chợ Rẫy. Ảnh: BVCC

Theo số liệu thống kê của Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người, sau 32 năm Việt Nam thực hiện ca ghép tạng đầu tiên, và 14 năm triển khai công tác lấy tạng từ người cho chết não, cả nước mới chỉ thực hiện hơn 8.365 ca ghép mô, bộ phận cơ thể người. Trong khi đó, cả nước có gần 4.000 người trong danh sách chờ ghép, chủ yếu là bệnh nhân chờ ghép thận và gan.

Theo PGS.TS Đồng Văn Hệ, so với các nước châu Âu và kể cả các nước châu Á, Đông Nam Á, ở Việt Nam, số người chết não đồng ý hiến tạng vô cùng thấp, chỉ có 0,15% (thống kê vào năm 2023).

Hiện cả nước cũng mới chỉ có hơn 80.000 người đăng ký hiến tạng và số lượng hiến tạng để ghép chủ yếu từ người sống (chiếm 94-95%). Việt Nam cũng chưa thông qua đề xuất ghép tạng từ người chết tim.

Ông Hệ cho biết, chính vì không có mô, tạng nên 26 cơ sở hoạt động ghép tạng, ghép mô của Việt Nam đều kém hiệu quả, không đồng đều, ít đầu tư. Chỉ có khoảng 4 bệnh viện ghép trên 100 ca/năm, có nơi 1 tuần ghép 1-2 ca. Thực trạng hiện nay nhiều bệnh viện phải dừng ghép tạng, nguyên nhân không phải do họ không làm được mà là do không có tạng để ghép.

Ông Hệ cũng cho rằng việc người chết não ít hiến mô, tạng không phải do quan điểm tôn giáo, tín ngưỡng, do người dân không hiểu mà là những lý do khác. Chính vì vậy, việc phát triển mạng lưới các bệnh viện thực hiện chẩn đoán chết não và hồi sức chết não hiến mô, bộ phận cơ thể người trên toàn quốc là việc làm cần thiết trong thời gian tới.

Tại hội nghị, Hội Vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người Việt Nam đã trao quyết định thành lập Chi hội Vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người Việt Nam tại Bệnh viện Chợ Rẫy.

Theo TS.BSCK2 Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy, Trưởng Chi hội, ở Việt Nam vẫn còn nhiều người dân chưa hiểu hết ý nghĩa cao đẹp của việc hiến tạng. Việc tăng cường các hoạt động truyền thông nhằm nâng cao hiểu biết, thay đổi thái độ, thu hút sự quan tâm của các tầng lớp dân cư trong cộng đồng là hết sức cần thiết.

Công tác vận động đã được thực hiện rất lâu nhưng chưa hệ thống hóa từ Trung ương đến địa phương, còn rất tản mát. Do đó, việc thành lập Chi hội tại Bệnh viện Chợ Rẫy là cánh tay nối dài cho mạng lưới điều phối hiến ghép tạng quốc gia, góp phần tạo ra nguồn tạng phong phú, đáp ứng nhu cầu điều trị của bệnh nhân.

Tính đến thời điểm này, đơn vị điều phối ghép các bộ phận cơ thể người ở Bệnh viện Chợ Rẫy đã tiếp nhận hơn 47.000 đơn đăng ký hiến tạng.