Chị Nguyễn Thị Nga, 26 tuổi, công nhân một công ty may mặc tại Khu Công nghiệp Thăng Long (Hà Nội) chia sẻ, công việc hiện tại của chị là làm tại chuyền may. Ngày làm 8 tiếng, tuần làm 6 ngày, nghỉ Chủ nhật. Bình thường chị làm 48 tiếng/tuần, tháng nào tăng ca thì làm 50 tiếng/1 tuần.
Với thời gian làm việc kín như vậy, chị gần như không còn thời gian cho gia đình, con cái. Về tới nhà là mệt, chị chỉ muốn đi ngủ.
Chị Nga tâm sự: "Đấy là bây giờ, trước đây ngày còn chưa xảy ra dịch Covid-19, tôi còn tăng ca làm ngày làm đêm, làm theo ca, theo kíp. Có tuần làm hơn 50 giờ, về tới nhà là mệt nhoài cơm cũng không muốn nấu cho con ăn".
Cũng như bao lao động khác, chị Nga mong muốn được giảm giờ làm, nhưng giảm giờ làm là giảm thu nhập. 2 vợ chồng đều là công nhân, tháng được khoảng 15-17 triệu đồng. Giờ mà giảm sâu nữa thì vợ chồng chị không thể đủ tiền chi phí sinh hoạt, nuôi 2 con học hành...
Theo một báo cáo, Việt Nam nằm trong nhóm nước có thời giờ làm việc bình thường theo tuần (từ 48 giờ/tuần trở lên) và số giờ làm việc trung bình năm (khoảng 2.339 giờ) cao nhất thế giới. Về giờ làm thêm, Việt Nam ở mức trung bình của thế giới, nhưng tình trạng vi phạm giờ làm thêm xảy ra khá phổ biến. Trong khi đó, nước ta có số ngày nghỉ phép năm khởi điểm ít nhất thế giới (12 ngày) và số ngày nghỉ lễ, Tết ở mức trung bình thấp so với các quốc gia trên thế giới và khu vực.
Bên cạnh đó, nhiều cuộc khảo sát, điều tra đời sống công nhân lao động của Viện Công nhân và Công đoàn (Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam) và một số tổ chức khác cho thấy rõ ảnh hưởng xấu của thời giờ làm việc kéo dài đến cuộc sống của người lao động. Ví dụ như: mất cơ hội tìm bạn đời, thể hiện tình cảm, quan tâm chăm sóc giữa vợ - chồng đến thực hiện trách nhiệm chăm sóc con cái, tác động đặc biệt lớn đến nhóm lao động có con nhỏ. Tiền lương làm thêm giờ đối với phần lớn người lao động không đủ bù đắp các chi phí xã hội như thuê người đón con, trông con ngoài giờ hoặc tái sản xuất sức lao động…
Theo thống kê của tổ chức lao động quốc tế, khảo sát 154 nước chỉ có 2 nước có số giờ làm việc trên 48 giờ/tuần; 1/3 số nước áp dụng là 48 giờ giống Việt Nam và khoảng 2/3 các nước có 48 giờ trở xuống. Bỉ là quốc gia đầu tiên ở châu Âu ban hành quy định làm việc chỉ 4 ngày/tuần (tức 32 giờ/tuần) nhưng vẫn được bảo đảm đầy đủ lương thưởng. Quyết định này được hy vọng là sẽ giúp thị trường lao động của Bỉ trở nên linh hoạt hơn và giúp người lao động dễ dàng cân bằng thời gian cho gia đình và sự nghiệp.
Chính bởi vậy Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam đề nghị xem xét giảm thời giờ làm việc bình thường của người lao động xuống dưới 48 giờ/tuần. Đơn vị này cho rằng không nên đặt hết gánh nặng tăng trưởng kinh tế và năng suất lao động lên vai người lao động mà cần đánh giá đúng hơn trách nhiệm của người sử dụng lao động.
Chia sẻ với báo chí, ông Nguyễn Phước Đại - Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Juki Việt Nam (KCX Tân Thuận, quận 7, TP. HCM) cho rằng nếu được rút ngắn thời gian làm việc, người lao động sẽ rất vui vì có thời gian chăm sóc gia đình, có thời gian nghỉ ngơi, tái tạo sức lao động.
Tuy nhiên, ông Đại cũng cho rằng đây chưa phải là thời điểm phù hợp để thực hiện vì thời gian qua, doanh nghiệp đã phải đối mặt với nhiều khó khăn do dịch bệnh, suy thoái kinh tế. Tại công ty nơi ông làm việc, tình trạng thiếu đơn hàng kéo dài từ tháng 8/2023 đến tháng 2/2024 và hiện vẫn chưa ổn định, có xưởng chỉ làm 12 ngày công/tháng, thu nhập người lao động giảm. "Với tình hình thực tế hiện nay, tôi nghĩ lao động mong được tăng lương hơn là giảm giờ làm", ông Đại chia sẻ.
Liên quan đến đề xuất giảm giờ làm, bà Nguyễn Thị Thu - Trưởng nhóm công nhân di cư Khu công nghiệp Thăng Long (Hà Nội) cũng cho biết tiền lương thực trả đang được tính trên thời gian làm việc là 8 giờ/ngày, 48 giờ/tuần nhưng khá thấp vì đa số doanh nghiệp chỉ trả lương bằng hoặc nhỉnh hơn một chút so với mức lương tối thiểu vùng nên người lao động sống khá chật vật.
Bộ LĐTBXH vừa có báo cáo gửi Chính phủ về việc xử lý các kiến nghị của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam liên quan đến đề xuất giảm thời giờ làm việc bình thường của người lao động xuống thấp hơn 48 giờ/tuần.
Bộ LĐTBXH cho biết, giảm giờ làm việc bình thường xuống dưới 48 giờ/tuần là một chính sách có tác động lớn đến kinh tế - xã hội vì thế cần nghiên cứu kỹ. Vì vậy, Bộ sẽ nghiên cứu đầy đủ các cơ sở khoa học và thực tiễn để bảo đảm tính khả thi khi đề xuất chính sách này trong quá trình sửa đổi, bổ sung Bộ luật Lao động năm 2019.
Đề xuất trên của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam được tổng hợp từ các kiến nghị của người lao động cả nước dịp Đại hội Công đoàn lần thứ 13. Công đoàn kiến nghị Chính phủ giao Bộ LĐTBXH chủ trì, cùng các bộ, ngành sớm nghiên cứu giảm giờ làm của người lao động. Từ đó, đảm bảo giờ làm công bằng giữ khu vực công với khu vực tư xuống còn 40 giờ. Mục tiêu để lao động nghỉ ngơi, tái sản xuất sức lực, chăm lo cho gia đình.
Ông Phạm Trọng Nghĩa - Đại biểu quốc hội, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Xã hội của Quốc hội đề xuất giảm giờ làm việc bình thường cho người lao động trong khu vực tư từ 48 giờ/tuần xuống 44 giờ/tuần, tiến tới 40 giờ/tuần như trong khu vực công.
Theo ông Nghĩa, việc giảm giờ làm là việc hết sức cần thiết. Bởi, chúng ta áp dụng chế độ 48 giờ/tuần tức là 6 ngày/tuần từ rất lâu. Ở khu vực công đã giảm xuống chế độ 40 giờ/tuần từ năm 1999.
Mặt khác, ở Việt Nam, thời giờ làm thêm tương đối cao, quy định 200-300 giờ/năm. Như vậy, tổng thời gian làm việc thực tế của người lao động bằng thời gian làm việc tiêu chuẩn cộng giờ làm thêm là tương đối cao so với mặt bằng chung của các nước.
Luật lao động hiện hành quy định lao động làm việc trong điều kiện bình thường không quá 8 giờ mỗi ngày và 48 giờ mỗi tuần. Doanh nghiệp có quyền quy định thời giờ làm việc theo ngày hoặc tuần nhưng phải thông báo cho lao động biết.