Thời gian làm việc của công nhân dài hơn công chức 8 tiếng mỗi tuần, liệu có bất công?

Thùy Anh Thứ bảy, ngày 04/11/2023 08:02 AM (GMT+7)
Thời gian làm việc của công chức, viên chức khu vực công chỉ 40 giờ/tuần, trong khi đó, thời gian làm việc công nhân, lao động khu vực tư lên tới 48 giờ. Điều này liệu có bất công?
Bình luận 0

Quy định thời gian làm việc khu vực công, tư dựa trên đặc điểm lao động

Trước đó, tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội XV, nhiều đại biểu đã thảo luận về vấn đề thời gian làm việc ở khu vực công và khu vực tư hiện nay.

Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa - Giám đốc Trung tâm Thông tin khoa học lập pháp, đề nghị Quốc hội xem xét giảm thời gian làm việc bình thường cho lao động khu vực tư từ 48 xuống 44, tiến tới còn 40 giờ mỗi tuần. Ông dẫn sắc lệnh năm 1947 của Chủ tịch Hồ Chí Minh quy định thời hạn làm việc không quá 48 giờ mỗi tuần và làm thêm mỗi năm không quá 100 giờ. Quy định chung là công nhân làm 48 giờ/tuần, nhưng thực tế còn một số ngành, một số lĩnh vực còn được mở chế độ nếu phải làm thêm giờ. 

Bộ Luật Lao động 2019 tuy khống chế làm thêm không quá 40 giờ mỗi tháng, không quá 200 giờ mỗi năm, nhưng nếu lao động phải làm tới hơn 48 giờ có thể khiến người lao động bị vắt kiệt sức. Luật cũng quy định Khung làm thêm tối đa 300 giờ mỗi năm được mở rộng cho một số ngành nghề, như: sản xuất gia công xuất khẩu hàng dệt may, da giày, chế biến nông lâm, thủy sản, sản xuất và cung cấp điện, viễn thông, lọc dầu, cấp thoát nước, diêm nghiệp, điện, điện tử.

thời gian làm việc

Công nhân, người lao động làm việc ở khu vực tư đang có thời gian làm việc dài hơn 8 tiếng so với công chức, viên chức. Ảnh: N.T

Ông Nghĩa cho rằng tình hình kinh tế - xã hội đã có nhiều bước phát triển, nhưng thời gian làm việc lao động khu vực tư không giảm trong khi làm thêm tăng gấp ba. Cụ thể, từ năm 1999, công chức viên chức nhà nước làm việc 40 giờ mỗi tuần, trong khi khối doanh nghiệp giữ nguyên 48 tiếng sau nhiều lần sửa đổi Bộ luật Lao động.

Giảm giờ làm cho lao động khu vực tư là một công cụ điều tiết các hoạt động đầu tư, kinh doanh ở Việt Nam, giảm dần ngành thâm dụng lao động. Khi nâng dần điều kiện làm việc của người lao động, doanh nghiệp ngoại tìm đến Việt Nam cũng phải nâng đầu tư về khoa học công nghệ, chuyển đổi cơ cấu sản xuất và dùng ít nhân công đi chứ không phải chỉ tận dụng nguồn lao động giá rẻ như lâu nay.

Lao động khối nhà nước làm 40 giờ mỗi tuần nhằm nâng cao hiệu quả xử lý công việc, tiết giảm chi phí; khối tư nhân làm 48 tiếng một phần do thu nhập, năng suất chưa cao.

Công nhân lao động có thời gian làm việc dài hơn công chức nhằm tăng năng suất lao động

Chia sẻ về sự khác biệt này, ông Phạm Minh Huân - Thứ trưởng Bộ LĐTBXH cho biết giờ làm việc khu vực công do nhà nước điều chỉnh. Quy định 40 tiếng mỗi tuần, trung bình 8 tiếng mỗi ngày nhằm nâng cao hiệu suất làm việc của công chức, viên chức, xử lý công việc hành chính gói gọn trong năm ngày. Việc này cũng nhằm tiết kiệm chi phí điện, nước và nhiều khoản khác bởi do ngân sách chi trả.

Giờ làm việc khu vực doanh nghiệp do Bộ luật Lao động điều chỉnh, duy trì quy định 48 giờ mỗi tuần sau nhiều lần sửa đổi luật. Chính sách được các nhà làm luật cân nhắc kỹ trong bối cảnh năng suất lao động chưa cao, mặt bằng thu nhập thấp, phải kéo dài thời giờ làm việc.

Ông Huân viện dẫn, thống kê cho thấy lao động Việt Nam năm 2011 làm ra 70,3 triệu đồng, đến năm 2021 đạt gần 172 triệu đồng. Sau 10 năm, năng suất lao động tăng 2,5 lần, song vẫn thấp hơn nhiều so với các nước cùng khu vực.

"Hiện nay khu vực tư, lao động làm tính lương theo sản phẩm, năng suất. Trong khi đó, năng suất lao động còn thấp, nếu lại giảm giờ làm thì nhiều khả năng thu nhập giảm theo", ông Huân lý giải.

Cũng theo ông Huân, đó là chưa kể trong bối cảnh kinh tế khó khăn đơn hàng giảm liên tục, các doanh nghiệp phải linh hoạt trong sản xuất, tiết kiệm... thì việc cắt giảm giờ làm là rất khó. Giảm giờ làm xu hướng tốt của thế giới, nhưng muốn cắt giảm giờ làm cần chuẩn bị dần các điều kiện như cải thiện năng suất lao động, nâng mặt bằng tiền lương, thu nhập lao động lên.

thời gian làm việc

Thời gian làm việc kéo dài, nếu phải tăng ca sẽ khiến công nhân, lao động bị kiệt sức. Ảnh: Nguyệt Tạ

"Nhiều bên từng đề xuất giảm giờ làm nhưng đều chưa được xem xét. Kinh tế ổn định thì sớm nhất sau năm 2030 mới nên bàn tới chính sách này", ông Huân nói. 

Ông Huân cũng nhấn mạnh luật quy định thời gian làm việc 48 tiếng mỗi tuần, nhưng khuyến khích doanh nghiệp thực hiện 40 giờ tùy điều kiện. Nhà nước không can thiệp quá sâu bằng các quyết định hành chính nhằm nâng cao khả năng thỏa thuận của hai bên.

Theo Ủy ban Văn hóa Giáo dục, bình quân mỗi lao động Việt Nam làm ra gần 172 triệu đồng năm 2021, gấp 2,5 lần so với mức 70,3 triệu đồng năm 2011. 

Bà Phạm Thu Lan - Phó Viện trưởng Viện Công nhân Công đoàn, góp ý giảm giờ làm việc còn để tạo sự công bằng cho lao động hai khối. Qua các cuộc khảo sát, công nhân nhiều lần thắc mắc, so bì vì sao khu vực nhà nước làm việc 40 giờ, được nghỉ trọn hai ngày cuối tuần mà lao động khối doanh nghiệp làm 48 tiếng.

Theo bà Lan, giờ làm việc chính thức của lao động khối doanh nghiệp đã thuộc nhóm cao, giờ làm thêm trong 10 năm qua đã tăng gấp đôi. Làm thêm là lựa chọn "bất đắc dĩ" của lao động để cải thiện thu nhập và một phần không dám chối từ vì sợ mất việc, chứ không phải thích.

Khảo sát năm 2020 của công đoàn cho thấy thu nhập trung bình của công nhân đạt 7,4 triệu đồng mỗi tháng, trong đó lương 5,22 triệu đồng; làm thêm 934.000 đồng; thưởng, chuyên cần 2,1 triệu. Nửa đầu năm 2023, mức thu nhập trung bình này tăng lên 7,88 triệu đồng mỗi tháng, song 77% trong số này là lương cơ bản, còn lại từ làm thêm giờ và trợ cấp, phụ cấp.



Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem