Dân Việt

Sợ hãi khi sán dây dài 10m từ trong bụng chui ra ngoài

Diệu Linh 08/04/2024 16:24 GMT+7
Thường xuyên ăn gỏi cá, tiết canh và nem sống, 1 bệnh nhân đã được chẩn đoán mắc sán dây với triệu chứng đáng sợ.
Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương vừa tiếp nhận và điều trị cho 1 bệnh nhân bị mắc sán dây vì thói quen ăn đồ sống. 

Bệnh nhân là ông T.V.N (50 tuổi, trú tại Thái Nguyên). Ông N cho biết, nhiều lần sán dây tự chui qua đường hậu môn khiến ông sợ hãi. 

Lo ảnh hưởng đến sức khỏe, ông đi khám tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương và được chẩn đoán: Nhiễm Ký Sinh trùng/ Sán dây. Sau đó, bệnh nhân đã được nhập khoa Virus – Ký sinh trùng để điều trị.

Khai thác tiền sử, ông N cho biết, ông có sở thích ăn đồ tái sống, tiết canh, nam sống với tuần suất dày đặc. 10 năm trước, ông cũng đã từng phải điều trị bệnh giun sán. 

Sợ hãi khi sán dây dài 10m từ trong bụng chui ra ngoài - Ảnh 1.

Bệnh nhân được tiếp tục theo dõi tẩy sán dây tại khoa Virus - Ký sinh trùng. Ảnh BVCC

Đến nay, lại gặp cảnh sán dây "bò ra ngoài" khi đi đại tiện nên ông vội vã đi khám. Sau khi uống thuốc, ông "xổ" ra con sán dài khoảng 10m. 

Bác sĩ Chính vì thế, 10 năm trước tôi đã phải điều trị bệnh giun sán. Đợt này đi đại tiện tôi thấy có sán ra theo nên tôi đi kiểm tra xem có vấn đề gì không. Về đây tôi được làm xét nghiệm thì biết mình mắc sán dây. Sau khi điều trị, tôi xổ con sán khoảng 10m.

Bác sĩ Nguyễn Thanh Bình, Phó Trưởng khó Virus – Ký Sinh trùng, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, bệnh nhân cần nhập viện vì tẩy sán ở nhà không sạch sẽ, không đảm bảo, rất dễ lây cho người khác. 

Hơn nữa, bệnh nhân cần được theo dõi uống thuốc và xem con sán dây ra ngoài thế nào. Vì để tẩy sạch được sán dây thì phải ra được cả đốt và đầu sán. Nếu còn đốt và còn đầu sán thì nó còn phát triển tiếp. Trước đây bệnh nhân từng được tẩy sán dây nhưng chưa hết nên vẫn tiếp tục phát triển trong bụng bệnh nhân. 

"Bệnh sán dây (Taeniasis) là do các loài sán dây trưởng thành gồm Taenia saginata, Taenia solium và Taenia asiatica ký sinh trong ruột gây nên. Bệnh sán dây có thể ký sinh ở người dưới hình thức sán trưởng thành và ấu trùng.

Sợ hãi khi sán dây dài 10m từ trong bụng chui ra ngoài - Ảnh 2.

Mẫu sán dây bò lấy từ cơ thể bệnh nhân lưu trữ tại Bảo tàng Ký sinh trùng của Viện Sốt trét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương. Ảnh: Diệu Linh

Bệnh sán dây gây bệnh ở người thường do sán dây lợn và sán dây bò gây nên. Bệnh sán dây liên quan đến thói quen ăn thịt lợn/bò tái, sống hoặc chưa được nấu chín. 

Bệnh sán dây có thể gây ra các triệu chứng không đặc hiệu như đau bụng, buồn nôn, tiêu chảy hoặc táo bón khi sán dây phát triển trong ruột. 

Bệnh ấu trùng sán dây lợn xảy ra khi ăn phải trứng sán dây lợn. Trứng sán dây lợn được đào thải qua phân của người bị nhiễm bệnh, có thể gây ô nhiễm môi trường nước, đất, từ đó có thể ô nhiễm thực phẩm như rau sống, rau thuỷ sinh phơi nhiễm với trứng sán. 

Ấu trùng sán dây lợn có thể phát triển ở cơ, da, mắt và hệ thần kinh trung ương. Trường hợp nặng có thể gây đau đầu dữ dội, nôn, co giật hoặc động kinh.

"Để đề phòng bệnh sán dây, người dân nên ăn chín uống sôi. Không ăn uống thực phẩm sống, tái. Đồng thời giữ gìn vệ sinh môi trường xung quanh; Thực hành vệ sinh tay đúng cách, rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh", bác sĩ Bình khuyến cáo.  

Trước đó, trao đổi với PV Dân Việt, PGS.TS. Đỗ Trung Dũng - Trưởng khoa Ký sinh Trùng, Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương cho biết, có 2 loại sán dây thường gặp đó là sán dây lợn và sán dây bò. Bệnh nhân bị nhiễm sán dây bò thi thoảng sẽ thấy đốt sán bò ra ngoài qua đường hậu môn hoặc theo phân ra ngoài.

Bệnh sán dây trưởng thành phân bố rải rác nhiều nơi trên toàn quốc, tỷ lệ nhiễm dao động từ 0,5-12%; trong đó, tỷ lệ nhiễm sán dây bò là chủ yếu chiếm 70-80%, sán dây lợn chiếm tỷ lệ thấp 10-20%. Sán dây thường dài từ 2 - 4 mét, có khi tới 8 - 10 mét. Trong số những người đến khám bệnh, có khoảng 20% - 30% bệnh nhân bị các bệnh giun sán như sán lá gan, sán dây lợn, sán dây bò.

"Nhìn bên ngoài, sán dây có hình thể như một dải băng và có 3 phần: phần đầu là một hình cầu mang 4 giác hút và có bộ phận bám dính, đốt cổ thường thắt lại, phần thân gồm nhiều đốt và những đốt tùy theo độ phát triển mà có thể phần thành đối sán non, đốt sán trưởng thành và đốt già.

Các đốt non sẽ mọc ra từ đốt cổ, còn các đốt già sẽ rụng dần. Sán dây trưởng thành ký sinh trong cơ thể người sẽ phát triển dần bằng cách nẩy chồi, sinh đốt mới từ cổ, tạo ra hàng nghìn đốt sán mới", PGS Dũng nói.