Từ đầu năm 2024 đến nay, trên địa bàn huyện Trạm Tấu (tỉnh Yên Bái) đã xảy ra 2 vụ cháy rừng tại các xã Bản Mù và Túc Đán, thiệt hại nhiều diện tích rừng. Theo đánh giá của các đơn vị chức năng, có nhiều nguyên nhân dẫn đến cháy, trong đó chủ yếu do người dân bất cẩn khi đốt nương rẫy dẫn đến cháy rừng. Nhiều người đã phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc làm của mình.
Không đốt nương trong ngày nắng nóng, khô hanh
Cũng như nhiều xã vùng cao trong huyện, người dân xã Bản Công (huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái) vẫn còn duy trì canh tác nương rẫy trong sản xuất nông nghiệp. Những mảnh nương gần rừng, sát bìa rừng luôn tiềm ẩn nguy cao xảy ra cháy lan vào rừng nếu không thực hiện tốt quy trình đốt nương an toàn.
Do đó, ngay khi bước vào mùa hanh khô, xã Bản Công đã chỉ đạo các thôn phối hợp với Kiểm lâm địa bàn, cán bộ Ban quản lý rừng phòng hộ rà soát toàn bộ nương rẫy trong rừng, ven rừng. Đồng thời, tổng hợp bằng danh sách cụ thể, chi tiết về địa danh, địa điểm, vị trí, trạng thái thực bì trên mảnh nương, chủ nương, số điện thoại để quản lý.
Anh Phàng A Trư (thôn Tà Xùa, xã Bản Công, huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái) chia sẻ, gia đình anh có khoảng 0,7ha nương gần rừng. Năm nay, anh Trư dự định phát quang cây dại, lau lách, sau đó đốt nương để lấy đất trồng cỏ voi làm thức ăn cho đàn gia súc.
"Trưởng thôn, cán bộ Ban quản lý rừng phòng hộ, Kiểm lâm đến tận nhà tuyên truyền thực hiện các biện pháp an toàn khi canh tác nương rẫy, gia đình đã dừng việc đốt nương trong mùa khô hanh. Thay vì xử lý thực bì bằng lửa, gia đình phát cỏ dại, lau lách, sau đó thu gọn vào ven để lấy đất trồng cỏ voi. Biện pháp này tốn công lao động hơn nhưng đảm bảo an toàn cho diện tích rừng liền kề trong những ngày nắng nóng, khô hanh. Trong điều kiện an toàn, sẽ thực hiện đốt nương dưới sự hướng dẫn của cán bộ Kiểm lâm, dọn sạch thực bì trước khi đốt và báo nhiều người đi cùng để chủ động xử lý khi lửa cháy to" - anh Trư cho hay.
Ông Hảng A Hành, Phó Chủ tịch UBND xã Bản Công cho biết, ngay khi bước vào mùa hanh khô, xã đã phân công các tổ công tác phối hợp với các thôn và ngành chức năng đi từng thôn để thống kê, rà soát các mảnh nương của người dân ở gần rừng bìa rừng. Niên vụ này, trên địa bàn có tất cả 25 mảnh nương bà con canh tác gần rừng, đến nay có 2 mảnh bà con đã đốt, còn lại được sự tuyên truyền vận động nên người dân đã dừng việc đốt nương.
Quản lý chặt chẽ diện tích nương ở bìa rừng
Huyện Trạm Tấu có địa hình phức tạp, giáp ranh nhiều địa phương trong tỉnh Yên Bái và tỉnh Sơn La, đời sống của người dân còn nhiều khó khăn, tình trạng vi phạm Luật Lâm nghiệp trên địa bàn vẫn diễn ra. Toàn huyện hiện có hơn 45.000ha đất có rừng, trong đó rừng phòng hộ gần 34.000ha và gần 12.000ha rừng sản xuất.
Thời gian qua, các khu rừng trên địa bàn luôn là điểm nóng về cháy rừng vì mùa khô tại đây kéo dài từ tháng 9 năm trước cho đến tháng 5 năm sau, gió lào và khí hậu hanh khô. Chỉ cần một chút chủ quan trong việc sử dụng củi lửa trong rừng có thể gây cháy cả một khu rừng. Ngoài ra, địa hình hiểm trở nên mỗi khi cháy rừng thường xảy ra cháy lớn và lan rộng, công tác chữa cháy gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tài nguyên rừng, phải mất rất nhiều năm và tốn nhiều kinh phí, công sức mới có thể phục hồi lại được tài nguyên rừng.
Thực tế, các vụ cháy rừng xảy ra trên địa bàn huyện hầu hết đều do lửa cháy lan từ việc đốt nương của người dân gây ra. Do vậy UBND huyện Trạm Tấu đã xây dựng các văn bản chỉ đạo tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng, phòng chống cháy rừng. Tích cực ngăn chặn tình trạng chặt, phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp, đốt nương gây cháy rừng. Yêu cầu các địa phương phối hợp với lực lượng Kiểm lâm địa bàn, cán bộ Ban quản lý rừng phòng hộ thực hiện rà soát, thống kê toàn bộ nương rẫy ven rừng, gần rừng một cách cụ thể chi tiết để quản lý.
Ông Nguyễn Duy Sơn - Hạt phó Hạt kiểm lâm Trạm Tấu - Nghĩa Lộ cho biết, đơn vị thường xuyên chỉ đạo cán bộ Kiểm lâm địa bàn duy trì thường trực 24/24 giờ tại địa bàn, nắm bắt kịp thời thông tin khi có cháy rừng xảy ra. Thực hiện tốt công tác quản lý nương rẫy, nghiêm cấm bà con đốt nương trong thời gian cao điểm có nguy cơ cháy rừng.
Gần 6.400 hộ dân ký cam kết bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng
Ngoài ra, huyện Trạm Tấu đã kiện toàn Ban chỉ đạo Chương trình Phát triển lâm nghiệp bền vững ở các xã, thị trấn; thành lập 12 tổ cơ động bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR) ở các địa phương với hơn 250 thành viên. Tại các thôn, bản xây dựng phương án PCCCR và thành lập 55 tổ đội bảo vệ rừng, PCCCR với tổng số 536 người. Xây dựng lịch trực PCCCR, sẵn sàng ứng phó kịp thời các tình huống theo phương châm "4 tại chỗ". Tổ chức họp thôn, cho gần 6.400 hộ dân ký cam kết bảo vệ rừng, PCCCR.
Bên cạnh đó, tổ chức tuyên truyền pháp luật bảo vệ rừng gắn với việc PCCCR, ký cam kết với từng hộ dân. Hạt Kiểm lâm cũng phối hợp cùng Ban Quản lý rừng phòng hộ và các địa phương hướng dẫn bà con xử lý thực bì bằng biện pháp đốt có kiểm soát. Đầu tư thiết bị, dụng cụ PCCCR, các công cụ thủ công như vỉ dập lửa, dao phát cấp trực tiếp cho các thôn; tập kết các thiết bị cơ giới sẵn sàng ứng cứu kịp thời khi cháy rừng xảy ra.
Ông Phạm Thành Đô - Phó Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Trạm Tấu cho biết thêm, nguyên nhân xảy ra cháy rừng ở địa bàn chủ yếu do việc người dân bất cẩn trong việc sử dụng lửa. Đơn vị đã phối hợp với chính quyền thực hiện nhiều biện pháp tuyên truyền như họp thôn, cho người dân ký cam kết không đốt nương trong những ngày nắng nóng. Quản lí chặt chẽ người vào rừng trong mùa khô hanh để hạn chế thấp nhất nguy cơ xay ra cháy rừng.
Với phương châm "Phòng là chính, chữa cháy rừng kịp thời, triệt để", huyện Trạm Tấu chỉ đạo các đơn vị hữu quan thường xuyên theo dõi thông tin về tình hình thời tiết để dự báo, cảnh báo cháy rừng trên phương tiện thông tin đại chúng đến địa bàn và các chủ rừng để người dân biết và phòng ngừa. Xây dựng, tu sửa hệ thống biển cấp dự báo cháy rừng, chòi canh lửa ở những vị trí xung yếu có tầm nhìn hợp lý, lắp đặt hệ thống thông tin liên lạc, hệ thống quan sát để theo dõi. Lập bản đồ xác định các vùng trọng điểm, vùng có nguy cơ cháy cao, từ đó có giải pháp phù hợp với từng khu vực, địa bàn một cách hiệu quả nhất.