Trong nhiều tháng nay, ông Zelensky đã công khai đề nghị cựu Tổng thống Mỹ 77 tuổi tới tham quan tiền tuyến trong bối cảnh Ukraine đang có chiến sự với Nga để ông Trump thấy rõ thực tế của cuộc chiến. Nhà lãnh đạo Ukraine hy vọng rằng, chuyến thăm tiềm năng của ông Trump sẽ dẫn đến nhiều viện trợ quân sự hơn cho Ukraine nếu ứng cử viên tổng thống của Đảng Cộng hòa thành công trở lại Nhà Trắng.
“Chúng tôi đã truyền tải thông điệp thông qua những người thích hợp”, ông Zelensky nói trong một cuộc phỏng vấn mới đây với cơ quan truyền thông Axel Springer, công ty mẹ của Politico.
“Chúng tôi nói rằng chúng tôi muốn ông Trump đến Ukraine, tận mắt chứng kiến mọi thứ và đưa ra kết luận của riêng mình. Trong mọi trường hợp, tôi sẵn sàng gặp ông ấy và thảo luận về vấn đề này”, nhà lãnh đạo Ukraine nói thêm.
Tổng thống Ukraine lưu ý rằng, ông Trump đã tỏ ý sẽ chấp nhận lời mời, nhưng ngày cụ thể cho chuyến thăm tiềm năng vẫn chưa được ấn định.
Chiến dịch tranh cử của ông Trump chưa trả lời yêu cầu bình luận về vấn đề này.
Tuy nhiên, ông Trump gần đây đã tuyên bố tại Quốc hội Mỹ rằng, không nên phê duyệt viện trợ bổ sung cho Ukraine “trừ khi gói viện trợ này được thực hiện dưới dạng cho vay”.
Cựu Tổng thống Mỹ cũng nhấn mạnh rằng nếu có một nhiệm kỳ thứ hai tại Nhà Trắng, ông sẽ chấm dứt cuộc xung đột ở Ukraine “trong vòng 24 giờ”.
Chiến dịch tranh cử của ông Trump đã kịch liệt bác bỏ thông tin mà truyền thông Mỹ đăng tải hồi đầu tháng này rằng, ông đang lên kế hoạch kết thúc chiến tranh bằng cách ép Ukraine từ bỏ Crimea và khu vực Donbass cho Nga để đổi lấy lệnh ngừng bắn.
Tổng thống Zelensky đã nhiều lần tuyên bố rằng, đất nước của ông sẽ không giao bất kỳ vùng đất nào của họ cho lực lượng Nga.
Theo Politico, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã chỉ trích gay gắt Thủ tướng Đức Olaf Scholz vì từ chối cung cấp cho Kiev tên lửa hành trình Taurus do Đức sản xuất. Ông Zelensky cho rằng, nguyên nhân là vì chính phủ Scholz muốn giữ riêng vũ khí của họ để phòng thủ trước mối đe dọa từ Nga.
“Theo những gì tôi hiểu, Thủ tướng (Scholz) tin rằng, vì ông ấy đại diện cho một quốc gia phi hạt nhân, đó là vũ khí duy nhất mà Đức có, là vũ khí mạnh nhất. Ông ấy đã chia sẻ với tôi rằng, ông ấy không thể để đất nước thiếu hụt vũ khí mạnh như vậy”, nhà lãnh đạo Ukraine nói.
Tuy nhiên, chính phủ Đức lại đưa ra lý do hoàn toàn khác về việc không gửi tên lửa Taurus cho Ukraine. Theo đó, ông Scholz đã công khai giải thích rằng, động thái như vậy có thể dẫn đến leo thang chiến tranh và thậm chí có thể lôi kéo Đức vào cuộc xung đột trực tiếp với Nga.
Người Ukraine muốn tên lửa Taurus của Đức, có tầm bắn khoảng 500km và mang đầu đạn cực mạnh, có thể tấn công các mục tiêu sâu phía sau chiến tuyến, chẳng hạn như cầu Kerch nối Nga và bán đảo Crimea.