Độc Cô Tín được mệnh danh là “ông bố vợ tài giỏi nhất” trong lịch sử Trung Quốc. Con gái lớn gả cho Bắc Chu Minh Đế Vũ Văn Dục được phong làm Minh Kính Hoàng Hậu. Con gái thứ hai là Độc Cô Già La gả cho Dương Kiên trở thành Văn Hiến Hoàng Hậu của nhà Tùy Đường. Con gái thứ tư gả cho Lý Bính - con trai của một trong 8 vị trụ cột của nhà Tây Ngụy - Lý Hổ, sinh được Lý Uyên, sau này được truy phong làm Nguyên Trinh Hoàng Hậu.
Con gái thứ năm gả cho Vũ Văn Thuật sinh được con trai Vũ Văn Hóa Cập, sau này xưng đế và truy phong mẫu thân làm Hoàng Hậu, tuy nhiên điều này không được hậu thế công nhận. Gả 3 - 4 người con gái đều trở thành Hoàng Hậu, có thể nói đây đúng là ông bố vợ có con mắt tinh đời nhất trong lịch sử Trung Quốc. Rốt cuộc làm thế nào mà Độc Cô Tín có thể làm được điều này?
Nửa cuối thời Bắc Triều, chính trị môn phiệt (thể chế phát triển chính trị theo lễ chế huyết thống trong xã hội phong kiến) vẫn rất rõ rệt, tập đoàn Quan Lũng nổi tiếng trong lịch sử Trung Quốc đã được hình thành trong thời kỳ này. Ở đây đã ra đời 8 trụ cột của nhà Tây Ngụy, là tập đoàn chính trị mạnh nhất có ảnh hướng tới thế cục chính trị mãi cho tới thời Sơ Đường.
Tập đoàn môn phiệt này chủ yếu được tạo nên từ quý tộc Tiên Ti và các địa chủ giàu có tộc Hán ở địa phương. Độc Cô Tín và Vũ Văn Thuật chính là một trong những người tiêu biểu trong dòng dõi quý tộc Tiên Ti. Dương Kiên, Lý Uyên và tổ tiên Lý Hổ của Lý Thế Dân chính là một trong những đại diện của nhóm địa chủ giàu có của tộc Hán. Xuất thân từ những dân tộc khác nhau, chắc chắn sẽ tồn tại mâu thuẫn dân tộc, họ đã thống nhất lợi ích như thế nào? Phương pháp vừa hiệu quả lại vừa nhanh gọn nhất đó chính là liên hôn.
Đã là họ hàng thân thích của nhau, hiệu quả của việc thắt chặt lợi ích của nhau đương nhiên cũng được tăng cường, tính đoàn kết cũng dần tăng lên, thậm chí còn có thể đạt đến mức độ tin tưởng, trung thành lẫn nhau. Là một tập thể, sức ảnh hưởng chính trị đương nhiên sẽ cực kỳ lớn, kẻ thống trị đương triều cũng sẽ có chút kiêng dè, không dám tùy tiện đàn áp, chèn ép, mà sẽ tăng cường sức ảnh hưởng của họ từ góc độ khác.
Mặt khác, khi ấy đã bắt đầu thịnh hành tư tưởng “ngũ tính thất vọng” (quyền lực nằm trong tay các quý tộc), 7 đại vọng tộc có danh gia quyền lực cao nhất cả nước. Ngoài Lý gia, những gia tộc khác đều không phải là tập đoàn Quan Lũng, nếu những gia tộc môn phiệt này muốn bảo vệ chắc chắn địa vị vọng tộc của mình, tiếp tục phát triển lên tầng cao hơn thì bắt buộc phải liên hôn với các vọng tộc khác, như thế mới có thể tăng cường quyền lực của gia tộc môn phiệt, từ đó tăng thêm sức ảnh hưởng của mình.
Đáng tiếc là những vọng tộc khác chủ yếu có sức ảnh hưởng về lĩnh vực văn hóa hơn, còn tập đoàn Quan Lũng lại có sức ảnh hưởng về chính trị, mức độ thân thiết giữa họ thấp hơn nội bộ tập đoàn Quan Lũng rất nhiều, thế nên nội bộ tập đoàn Quan Lũng liên hôn với nhau nhiều hơn. Đây cũng là nguyên nhân tại sao Độc Cô Tín lại gả các con gái của mình cho các vọng tộc trong nội bộ tập đoàn, không phải có mắt tinh đời mà là như vậy mới tốt nhất cho cả tập đoàn Quan Lũng.
Thực ra chế độ phủ binh được bắt nguồn từ tập đoàn Quan Lũng, đây là cách thức quan trọng để họ bảo vệ thực lực quân sự của mình. Trong khi đó, quân sự lại là thủ đoạn quan trọng nhất để duy trì lũng đoạn chính trị. Thế lực thân tín của người thống trị trong thời cổ đại thường đến từ 3 phương diện: tông thất, họ ngoại, quan thần thân cận. Nếu như nhắc đến thứ tự mức độ thân thiết thì thường quy luật sẽ là họ ngoại lớn nhất, sau đó tới quan đại thần thân cận và cuối cùng mới là tông thất.
Nguyên nhân rất đơn giản, tông thất có quyền thừa kế, thế nên độ tin cậy thấp nhất. Tuy quan đại thần không có quyền thừa kế nhưng quan hệ lại rộng nhất, càng dễ tỏ ra cao ngạo, vượt quyền vua chúa, thế nên rất dễ trở thành mối lo cho người thống trị. Họ ngoại vừa không có quyền thừa kế, vừa vì liên hôn thắt chặt quan hệ, ngược lại lại là phía ít gây ra mối họa cho người thống trị.
Đương nhiên, sau khi mối quan hệ họ ngoại này trở thành quyền thần sẽ lại là một cục diện khác. Trong 8 đại trụ cột khi ấy, nhà Vũ Văn, nhà họ Dương, nhà họ Lý đều lần lượt trở thành người thống trị, họ đều là những người hưởng lợi từ chế độ phủ binh, nắm được quân sự trong tay, tiến hành đoạt quyền.
Đối với họ mà nói, chính thất của người thừa kế có thân phận là con cháu trong nội bộ tập đoàn là sự lựa chọn tốt nhất, như vậy bản thân có thể kiểm soát dễ hơn về mặt quân sự. Thế nên, họ sẽ lựa chọn họ làm thông gia bên ngoại, trở thành đồng minh chính trị có quan hệ thân thiết nhất. Nhà họ Độc Cô không những có xuất thân tốt, thậm chí còn có gen trội, đương nhiên là sự lựa chọn hàng đầu.
Thế nên, để có thể kiểm soát tốt hơn tập đoàn Quan Lũng, thậm chí là quân sự của cả nước, liên hôn với nội bộ tập đoàn là sự lựa chọn chính xác nhất. Tuy nhiên, vẫn là câu nói ấy, sau khi họ ngoại trở thành quyền thần thì sẽ lại là một cục diện khác. Tóm lại, do chịu ảnh hưởng bởi chính trị môn phiệt, để bảo vệ sức ảnh hưởng chính trị của gia tộc mình, để có sức cạnh tranh với các vọng tộc khác, Độc Cô Tín sẽ ưu tiên liên hôn với các môn phiệt trong nội bộ tập đoàn Quan Lũng.
Còn về quân sự, nhà họ Vũ Văn, nhà họ Dương và nhà họ Lý trong tập đoàn Quan Lũng, để có thể kiểm soát quân sự tốt hơn, ngược lại họ cũng ưu tiên lựa chọn các môn phiệt trong nội bộ tập đoàn liên hôn làm họ ngoại. Thế nên, nhà họ Độc Cô liên hôn với nhà Vũ Văn, nhà họ Dương và nhà họ Lý mới tạo ra việc Độc Cô Tín có con mắt tinh đời, đưa 3 - 4 người con gái của mình gả đi đều trở thành Hoàng Hậu.