Tại sao Trung Quốc luôn cố gắng che giấu những “Kim tự tháp” có hình dạng đặc biệt?
Tại sao Trung Quốc luôn cố gắng che giấu những “Kim tự tháp” có hình dạng đặc biệt?
Nguyệt Phạm
Thứ tư, ngày 10/04/2024 22:00 PM (GMT+7)
Đến nay, những kim tự tháp bí ẩn ở Trung Quốc vẫn là một thách thức sự hiểu biết của hậu thế về lịch sử và văn hóa cổ đại. Vậy tại sao Trung Quốc luôn cố gắng che giấu những “Kim tự tháp” có hình dạng đặc biệt này?
Theo The Archaeologist, hơn 100km ngoài thành phố cổ Tây An, thuộc tỉnh Thiểm Tây - Trung Quốc, giữa những khu rừng mọc um tùm, có hàng chục ngọn đồi hình kim tự tháp đã bị che phủ bởi bí ẩn hàng ngàn năm. Những ngọn kim tự tháp này được phát hiện lần đầu tiên bởi Fred Meyer Schroder, một thương nhân người Mỹ, vào năm 1912. Ông đã ghi chép lại mô tả chi tiết trong nhật ký của mình, nói rằng ông đã nhìn thấy một kim tự tháp khổng lồ cao khoảng 1.000 feet (hơn 300 mét) và được bao quanh bởi một số kim tự tháp nhỏ hơn.
Theo Schroeder, khi kiểm tra các kim tự tháp, ông nhận thấy chúng đều không có lối vào. Những kim tự tháp này được xây từ nhiều khối đá giống nhau, mỗi khối có hình vuông với cạnh khoảng hơn 90cm.
Người thứ 2 xác nhận đã thấy những kim tự tháp này là James Gaussman, một phi công Mỹ. Đó là vào năm 1945, Gaussman nhận nhiệm vụ lái một chiếc máy bay vận tải C-47 chuyển đồ tiếp tế từ một căn cứ quân sự của Mỹ ở Ấn Độ.
Vào một ngày, khi đang bay về căn cứ, máy bay của ông đột nhiên gặp vấn đề với động cơ, Gaussman buộc phải hạ thấp độ cao. Và khi đang bay là là dọc theo sườn núi, Gaussman bỗng thấy một thung lũng bằng phẳng trải rộng trước mắt mình. Rồi những kim tự tháp, có vẻ như còn lớn hơn so với kim tự tháp Ai Cập, lần lượt hiện ra. Gaussman cảm thấy choáng ngợp với cảnh tượng này, ông còn bay vòng lại để nhìn rõ hơn những kim tự tháp này.
Hai năm sau đó, Đại tá Maurice Sheahan, Giám đốc Viễn Đông của Trans World Airlines cũng có dịp bay qua khu vực kim tự tháp, theo lời hướng dẫn của Gaussman. Lần này do đã chuẩn bị trước nên Sheahan còn chụp được một số bức ảnh mà sau đó được đăng trên The New York Times vào ngày 28/3/1947.
Tuy nhiên, giới khảo cổ Trung Quốc phủ nhận sự tồn tại của các kim tự tháp ở Tây An, cho dù người ta đưa ra bằng chứng là những bức ảnh mà Sheahan công bố. Một số thì thừa nhận sự tồn tại của những công trình này nhưng lại khẳng định đó không phải "kim tự tháp" mà chỉ là "những ngôi mộ hình thang".
Lời giải đáp của các chuyên gia, nhà khoa học
Mãi tới 50 năm sau, một nhà thám hiểm người Đức tên là Hartwig Hausdorf đã cùng với các đồng nghiệp quyết tâm tìm ra sự thật. Họ đã tìm đến Hàm Dương, tòa thành cổ cách Tây An chừng 40 dặm, tại đây nhóm nghiên cứu nhìn thấy ít nhất 16 kim tự tháp ở khu vực này. Các chuyên gia cho rằng phát hiện này sẽ làm lu mờ phát hiện của Howard Carter về Tutankhamun vào năm 1922. Nhóm nghiên cứu đã rất bất ngờ khi tìm thấy nhiều bụi cây được trồng trên các mặt của kim tự tháp. Họ cho rằng chính quyền địa phương đang cố che giấu các kim tự tháp này bằng cách khiến cho chúng lẫn vào với môi trường tự nhiên xung quanh đó.
Cách xây dựng các kim tự tháp này có nhiều nét tương đồng với các kim tự tháp của Teotiahucan (Mexico) với cấu trúc xếp chồng và những bậc cấp trát đất sét ở các bên. Phần đỉnh tháp được làm thành mặt phẳng, giống như các công trình hình chữ nhật thường thấy của người Maya.
Các chuyên gia cho rằng những kim tự tháp này không chỉ là những công trình kiến trúc độc đáo, mà còn chứa đựng nhiều bí mật về lịch sử và văn hóa cổ đại của Trung Quốc. Các công trình kiến trúc này được cho là có tuổi đời từ 4.500 năm lên đến 8.000 năm. Họ tin rằng chúng có thể được sắp xếp để phản ánh hình dạng của một chòm sao nào đó trên bầu trời.
Theo trang Discovery và The Travel, có nhiều giả thuyết về mục đích xây dựng những kim tự tháp này. Một số người cho rằng chúng có thể đã được sử dụng như một cơ sở quân sự bí mật được thiết kế cho chiến tranh hạt nhân. Một số khác lại cho rằng chúng có thể là những lăng mộ của các vị hoàng đế.
Những kim tự tháp bí ẩn ở Trung Quốc không chỉ là những công trình kiến trúc độc đáo mà còn là những bằng chứng quan trọng cho sự phát triển của người thời xưa. Dù vẫn còn nhiều bí ẩn chưa được giải mã, nhưng chúng đã và đang mở ra những hướng nghiên cứu mới, thúc đẩy sự hiểu biết của chúng ta về quá khứ phong phú của loài người.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.