Dân Việt

Trung Quốc đang dẫn đầu thế giới về nghiên cứu, ứng dụng công nghệ chỉnh sửa gen

P.V 11/04/2024 14:53 GMT+7
Châu Á được xem là khu vực đi sau nhưng lại là nơi có tốc độ nghiên cứu và ứng dụng công nghệ chỉnh sửa gen tăng trưởng vượt bậc trong những năm trở lại đây, bằng chứng là số lượng các nghiên cứu của Châu Á và đặc biệt tại Trung Quốc đang dẫn đầu thế giới.

Đó là thông tin được các nhà khoa học đưa ra tại Hội nghị: "Thành tựu trong công nghệ sinh học thực vật – Từ chỉnh sửa gen cây trồng đến phát triển nông nghiệp bền vững" do Viện Nghiên cứu Cold Spring Harbor Laboratory Hoa Kỳ, Hội Gặp gỡ Việt Nam (Rencontres du Vietnam), Viện Công nghệ Sinh học thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam cùng Trung tâm Quốc tế Khoa học và Giáo dục Liên ngành (ICISE) phối hợp tổ chức trong 2 ngày 11-12/4, tại Quy Nhơn (Bình Định).

 Đây được xem là hội nghị khoa học quốc tế về chỉnh sửa gen trên cây trồng có quy mô lớn nhất từ trước đến nay được tổ chức tại Việt Nam - là diễn đàn quy tụ nhiều học giả, chuyên gia, nhà nghiên cứu hàng đầu trên thế giới trong lĩnh vực lai tạo giống cây trồng ứng dụng công nghệ sinh học.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Giáo sư David Jackson, thuộc Viện nghiên cứu Cold Spring Harbor Laboratory Hoa Kỳ - đơn vị đồng tổ chức hội nghị cho biết: "Mục tiêu của hội nghị lần này nhằm tạo ra một diễn đàn để chia sẻ những tiến bộ khoa học mới nhất trong lĩnh vực chỉnh sửa gen trên cây trồng, từ những phát triển công nghệ đột phá đến các giải pháp bền vững nhằm nâng cao năng suất nông nghiệp, đảm bảo an ninh lương thực và môi trường bền vững. Hội nghị cũng là cơ hội chia sẻ thông tin và kết nối các các nhà nghiên cứu, chuyên gia, doanh nghiệp và các cơ quan quản lý trong lĩnh vực chỉnh sửa gen nói riêng và công nghệ sinh học nông nghiệp nói chung".

Trung Quốc đang dẫn đầu thế giới về nghiên cứu, ứng dụng công nghệ chỉnh sửa gen- Ảnh 1.

Tiến sỹ Đỗ Tiến Phát - Trưởng phòng Công nghệ tế bào thực vật, Viện Công nghệ sinh học – Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam cho biết thêm: "Chúng tôi kỳ vọng hội nghị không chỉ là cơ hội trao đổi thông tin cho các nhà khoa học trong nước với các chuyên gia đầu ngành quốc tế mà còn tạo điều kiện để các đơn vị liên quan trong ngành cùng trao đổi phương thức tiếp cận và quản lý phù hợp cho việc ứng dụng giải pháp cây trồng này tại Việt Nam."

Theo báo cáo của GS.TS.Phạm Văn Toản, Phó Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, nước ta hiện đã hoàn tất các định hướng và cơ sở pháp lý cho việc ứng dụng cây trồng công nghệ sinh học – coi đây là một giải pháp quan trọng trong phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững. Tuy vậy cho tới nay Việt Nam vẫn có chưa có hướng dẫn pháp lý cụ thể cho việc đánh giá và quản lý cây trồng chỉnh sửa gen.

Trong những năm gần đây, ứng dụng công nghệ sinh học trong nông nghiệp đã có những tiến bộ vượt bậc giúp chúng ta hiểu sâu hơn về bộ gen thực vật và đưa ra các giải pháp đổi mới cây trồng để góp phần giải quyết những thách thức toàn cầu. 

Trong số các công nghệ đó, chỉnh sửa gen là một công cụ nổi bật khi đã cho phép các nhà khoa học và lai tạo giống cây trồng tạo ra những tính trạng cải tiến một cách chính xác, hiệu quả và nhanh chóng hơn bao giờ hết.

Chỉnh sửa gen là thành tựu nổi bật của lĩnh vực hóa sinh và sinh học phân tử, được nghiên cứu và phát triển từ những năm đầu thế kỷ 21 – một ứng dụng công nghệ sinh học trong nông nghiệp.

Chỉnh sửa gen cho phép các nhà lai tạo giống nghiên cứu trên chính bộ gen của cây trồng để cho ra các kết quả mà các phương pháp truyền thống khác có thể tạo ra nhưng với mức độ chính xác và hiệu quả cao hơn. 

 Cây trồng chỉnh sửa gen được xem là giải pháp hiệu quả thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững, giải quyết nhiều thách thức từ biến đổi khí hậu với nhiều lợi ích mang lại cho cho nông dân, người tiêu dùng và môi trường; giúp cây trồng thích ứng với điều kiện thời tiết bất luận, tăng sản lượng và chất lượng từ đó cải thiện sinh kế và lợi ích cho nông dân; tạo ra nguồn thực phẩm dinh dưỡng, an toàn và chất lượng tốt hơn.

Trung Quốc đang dẫn đầu thế giới về nghiên cứu, ứng dụng công nghệ chỉnh sửa gen- Ảnh 2.

Tiến sỹ Đỗ Tiến Phát - Trưởng phòng Công nghệ tế bào thực vật, Viện Công nghệ sinh học – Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam phát biểu tại Hội nghị.

Theo thông tin từ Hiệp hội CropLife châu Á, kể từ khi bắt đầu được nghiên cứu và phát triển đến nay, số lượng các nước hoàn thiện khung pháp lý cho cây trồng chỉnh sửa gen đang ngày một tăng trên toàn cầu. 

Trong 5 năm trở lại đây, các nước châu Á đang cho thấy nỗ lực đẩy nhanh quá trình hoàn thiện khung hướng dẫn pháp lý cho cây trồng chỉnh sửa gen theo hướng khoa học. Xu hướng chung trong những hướng dẫn pháp lý của các quốc gia thuộc Châu Mỹ và Châu Á là cởi mở và có tính dự báo để thích ứng với tốc độ phát triển công nghệ mới; đồng thời cần dựa trên đánh giá khoa học để đảm bảo an toàn cho con người, vật nuôi và môi trường. Các quốc gia này đều đưa ra những khái niệm và phân loại cụ thể đối với các loại cây trồng chỉnh sửa gen. Theo đó, nếu cây trồng chỉnh sửa gen cuối không chứa gen ngoại lai thì sẽ được xem xét đánh giá và quản lý như cây trồng truyền thống. 

Châu Á được xem là khu vực đi sau nhưng lại là nơi có tốc độ nghiên cứu và ứng dụng công nghệ chỉnh sửa gen tăng trưởng vượt bậc trong những năm trở lại đây, bằng chứng là số lượng các nghiên cứu của Châu Á và đặc biệt tại Trung Quốc đang dẫn đầu thế giới.

Tại Việt Nam, trong những năm qua, rất nhiều viện khoa học cùng các doanh nghiệp của Việt Nam đã triển khai các chương trình nghiên cứu và phát triển tính trạng cải thiện cho cây trồng sử dụng công nghệ chỉnh sửa gen, đặc biệt trên lúa gạo.

 Tuy vậy, theo CropLife châu Á, cho tới nay, Việt Nam chưa có quy định hướng dẫn rõ ràng đối với cây trồng chỉnh sửa gen khiến cho lộ trình ứng dụng và thương mại hoá các sản phẩm này tại Việt Nam đang đi sau so với các nước trong khu vực và trên thế giới. 

Nhiều chuyên gia, nhà khoa học và chuyên gia trong nước hiện đang rất kỳ vọng sớm có các quy định rõ ràng hơn đối với cây trồng chỉnh sửa gen để từ đó tiếp tục triển khai kế hoạch nghiên cứu và thương mại hoá sản phẩm này tại thị trường trong nước. 

 Việt Nam nên sớm hoàn thiện khung hướng dẫn pháp lý cụ thể cho cây trồng chỉnh sửa gen và các sản phẩm cây trồng được tạo ra bằng phương pháp lai tạo cải tiến. Khung pháp lý cần dựa trên cơ sở khoa học, có tính dự báo và hài hoà với tiêu chuẩn quốc tế để tối ưu hoá tiềm năng của công nghệ đồng thời đảm bảo được việc ứng dụng có hiệu quả, bền vững các giải pháp này trong định hướng phát triển nông nghiệp chung  

Hội nghị "Thành tựu trong công nghệ sinh học thực vật – Từ chỉnh sửa gen cây trồng đến phát triển nông nghiệp bền vững" bao gồm gần 20 bài trình bày được chia thành 4 phiên với các diễn giả đến từ nhiều quốc gia như như Hoa Kỳ, Trung Quốc, Úc, Nhật Bản, Đức Hàn Quốc, Ấn Độ, Philippines… và Việt Nam. 

Các bài trình bày đã giải thích cụ thể hơn về bản chất khoa học cũng như cơ chế chính sửa gen trên thực vật cùng những nghiên cứu mới nhất trên những cây trồng quan trọng như lúa gạo, đậu tương, cà chua, mía đường… 

Các diễn giả cũng đặc biệt nhấn mạnh những tính trạng nổi bật mà công nghệ chỉnh sửa gen có thể tạo ra cho cây trồng đó là cải thiện chất lượng và nâng cao khả năng chống chịu với điều kiện thời tiết bất thuận. 

Bên cạnh chia sẻ những thông tin khoa học, hội nghị cũng có một phiên riêng để cập nhật về quy định pháp lý và cách thức tiếp cận trong việc quản lý cây trồng chỉnh sửa gen trên thế giới hiện nay.