Trong phần xin ý kiến về đề tài, em báo cáo ý tưởng muốn viết về việc dạy hát Xoan ở Việt Trì (Phú Thọ) như một ví dụ của việc giáo dục nghệ thuật truyền thống nhưng không phải nhằm mục đích chuyên nghiệp hóa, đào tạo diễn viên tương lai. Mà cái chính là cho các em "chạm" một chút vào truyền thống. Làm quen để rồi mai này sẽ không "dị ứng", không xa rời khi tiếp xúc với các yếu tố văn hóa, nghệ thuật cổ truyền.
Tôi thích cái ý tưởng này của em nữ sinh viên đã từng được học hát Xoan hồi phổ thông đó. Và liên hệ đến cuộc dã ngoại, trải nghiệm truyền thống của con gái mình cùng các bạn khi được nhà trường cấp ba đưa đến tham quan đền thờ Hai Bà Trưng ở Mê Linh, Hà Nội. Cách đây chưa lâu, trường cũng cho các con đi thăm bãi cọc Bạch Đằng ở huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng.
Tôi từng đi thực tế sáng tác khu vực này, và ban tổ chức đã có ý đưa đoàn tác giả theo một số tuyến sông mà theo lời kể thì trên các cụm núi thấp và rừng hai bên bờ xưa là nơi quân ta mai phục, còn ở dưới nước, thuyền ta cũng ẩn hiện ra vào khiêu chiến, kéo giặc vào trận địa. Giờ hình dung con mình cũng được đi theo những chặng đường như thế, đứng vừa lạ lẫm, vừa hồi hộp nhìn thân chiếc thuyền dài đã ở hàng mấy trăm năm dưới bùn than đen thời nay được đào lên, và mấy chiếc cọc đã có những phần cháy thành than, cao quá đầu người.
Thế hệ trẻ, lớp người mới lớn lên với quần áo mua sẵn, không có Internet thì tưởng chắc không chịu nổi, ngôn ngữ giao tiếp thì "bẻ ngoéo" đi thành những chữ rất lạ…, khi đứng trước những di sản vật thể lẫn phi vật thể gợi nhắc về lịch sử đất nước những thời kỳ khác nhau, về nguồn cội quá xa xôi từ bao giờ, không hiểu có nghĩ đó như những gì rất lạ, rất… mới chăng! Chả thế mà người ta cứ hay nói đến chuyện thanh thiếu niên bây giờ nghe ông bà, bố mẹ ở độ tuổi trung niên cuối "đầu bốn" trở lên kể chuyện thời bao cấp mà cứ tưởng chuyện cổ tích, rồi cứ á, ố… tròn mắt lên mà hỏi sao lại như thế!
Tôi cũng thích thú một số dự án văn hóa, nghệ thuật của nhiều nhóm bạn trẻ yêu thích nghệ thuật dân tộc những năm qua. Các bạn yêu không chỉ bằng việc đáp ứng nhu cầu hiểu biết, thưởng thức của mình mà còn muốn nhiều bạn trẻ khác cũng biết yêu như thế. Cho nên đã xây dựng dự án với những tên gọi rất hình tượng như "Tôi chèo về quê hương", hay "Chèo 24h" để làm những "cuộc chơi chèo" nho nhỏ, sáng tạo, thú vị và trẻ trung qua từng năm. Nhiều bạn trẻ xem, nghe, gặp gỡ nghệ sĩ, thử sức với những trích đoạn nhỏ và cứ vun đầy tình yêu nghệ thuật, yêu nghệ sĩ của mình lên. Không trông vào những hoạt động mới như thế để có các nghệ sĩ, mà để có được những khán giả chèo, khán giả sân khấu, diễn xướng truyền thống chân thành, có hiểu biết thì quả là đáng quá đi chứ!
Nhiều người trẻ vẫn có ý, có tâm, và rất cần thiết là có cái tài, cái khéo để hướng về nguồn cội một cách sáng tạo. Mà "nhỡ" có chưa sáng tạo thì ngay việc tôn kính tiền nhân, ngưỡng vọng tổ tông cũng đã là quý lắm! Tôi nhớ lâu hình ảnh những cậu thanh niên rước kiệu thánh trong hội làng Phùng Khoang, nay thuộc phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội. Hội làng này có màn kiệu quay rất thú vị! Dạt khắp chốn, xô khắp nơi...
Các cậu thanh niên mặc áo trắng, chít khăn đỏ khênh kiệu thì có mà mệt phờ, thở dốc ra vẫn chưa ngưng được. Ấy thế mà sao họ vẫn nghiêm chỉnh lắm với cái nhiệm vụ làng giao ấy. Mà gia đình các chàng thanh niên thế hệ mới ấy cũng lấy làm vinh dự khi con mình được "hầu thánh" một buổi. Bản thân các cậu trẻ trai, những cô tú nữ, chưa cần nói đến việc sáng tạo thế nào, phát huy ra sao, nhưng đã thành tâm mà tham gia việc làng, thì cũng đã ít nhất có một ngày, một dịp chứng tỏ ý thức công dân quê hương trước các đấng bậc thiêng liêng một cách cung kính.