Khởi nguồn với làm rượu ghè
Những ngày giữa tháng tư, chúng tôi tìm về với thôn Kon Jong (xã Ngọc Réo, huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum) - nơi có phần đông người dân tộc thiểu số Xơ Đăng sinh sống.
Qua sự chỉ dẫn, chúng tôi tìm được nhà chị Y Hoa - một trong những người làm rượu ghè nếp than-men lá nổi tiếng của thôn. Bước vào căn nhà, mùi hương của rượu ghè đã bay thoang thoảng.
Tâm sự với chúng tôi, chị Hoa cho biết, rượu ghè từ lâu đã gắn chặt với đời sống văn hóa của người Xơ Đăng trong các dịp lễ Tết. Ngay từ nhỏ, chị đã được ông bà truyền dạy kiến thức về quy trình nấu rượu ghè. Lớn lên, chị đã phụ giúp gia đình ủ rượu để chuẩn bị cho các dịp lễ truyền thống nên đã có nhiều kinh nghiệm. Từ đó, chị đã quyết định xây dựng thương hiệu rượu ghè cho riêng bản thân.
"Trước đây gia đình tôi rất khó khăn. Cuộc sống chỉ quanh quẩn dựa vào thu nhập từ cây mì và đi làm thuê làm mướn. Chị luôn trăn trở rất nhiều để tìm hướng đi vượt qua khó khăn, thấy bản thân mình đã có kiến thức làm rượu ghè men lá được ông bà truyền lại. Từ đó, đến năm 2020, tôi đã quyết định sản xuất và kinh doanh rượu ghè men lá", chị Hoa nói.
Thời gian đầu, chị chủ yếu làm và bán rượu ghè được nấu từ gạo và mì. Tuy nhiên do sản phẩm này quá phổ biến. Hầu như nhà nào ở trong thôn cũng biết làm nên sản phẩm của chị làm ra gặp khó khăn trong việc tiêu thụ. Từ đó, chị bắt đầu suy nghĩ và tìm hiểu các sản phẩm ở địa phương khác thì tìm ra được rượu ghè nấu từ nếp than, vừa thơm ngon lại bổ dưỡng, chị cũng muốn thử làm theo.
"Bản thân tôi đã có kiến thức làm men lá, chỉ còn chưa biết cách nấu rượu từ nếp than. Do vậy, tôi lại tiếp tục tự học cách làm và tìm mua nguyên liệu. Khi đã bắt tay vào làm, những ghè rượu đầu tiên không tránh khỏi thất bại, vì làm sai một số bước nên cho ra rượu bị chua, hỏng. Sau nhiều lần nấu đi nấu lại, đúc kết kinh nghiệm, tôi đã làm ra được ghè rượu ưng ý", chị Hoa chia sẻ.
Sau khi làm xong được những mẻ rượu ghè đầu tiên, chị Hoa đã đem cho bà con họ hàng thưởng thức. Ai nấy cũng khen ngon nên chị quyết định khởi nghiệp sản xuất và kinh doanh mặt hàng này với tên gọi rượu ghè nếp than - men lá.
Liên kết kết sản xuất
Để sản phẩm rượu ghè nếp than - men lá được quảng bá rộng rãi đến người tiêu dùng, chị đã tận dụng triệt đã các trang mạng xã hội như Facebook, Zalo. Từ dó, sản phẩm được nhiều người biết đến hơn, đơn đặt hàng cũng ngày một gia tăng và thu nhập của gia đình khấm khá hơn.
Khi sản phẩm rượu ghè đã được nhiều người biết đến, chị Hoa đã tính đến chuyện mở rộng quy mô sản phẩm. Chuyện là vào năm 2021, vợ chồng chị quyết định chuyển đổi 5 sào lúa sang trồng nếp than.
Có được vùng nguyên liệu, chị sản xuất được nhiều ghè rượu hơn. Với giá bán 300 nghìn đồng/1 ghè 6 lít, 600 nghìn đồng/1 ghè 10 lít.
Cũng vào năm đó, vợ chồng chị làm và bán được từ 10-13 ghè rượu vào những tháng bình thường, thu về từ 3-4 triệu đồng; còn những tháng có ngày lễ, Tết thì bán chạy hơn, khoảng từ 30-40 ghè rượu, thu về từ 15-20 triệu đồng. Đặc biệt, vào những tháng có ngày lễ, ngày hội, vì có nhiều người đặt hàng, vợ chồng chị không kịp làm để cung cấp đủ dẫn dến việc phải hủy đơn.
"Để chạy kịp đơn hàng vào những tháng có lễ hội, tôi đã vận động thêm một vài chị em trong thôn cùng làm với mình và chia tiền lời cho họ. Vì các chị em ai cũng biết làm men lá và nấu rượu, nên việc truyền lại công thức nấu rượu nếp than cũng rất thuận lợi và nhận được sự giúp đỡ nhiệt tình. Từ đó, vô hình trung, các chị em phụ nữ thôn Kon Jong đã liên kết sản xuất rượu ghè nếp than men lá", chị Hoa nói.
Thấy cách làm của chị Y Hoa vừa giúp được nhiều bà con địa phương việc làm tại chỗ, tăng thu nhập, tháng 9/2023, các cơ quan, ban, ngành đã thành lập tổ liên kết sản xuất rượu nếp than tại thôn Kon Jong. Đến nay, tổ liên kết đã thu hút được 20 thành viên tham gia, với quy mô gần 5ha nếp cẩm đã được xuống giống trong mùa vụ Đông - Xuân vừa qua.
Là người đầu tiên làm cùng chị Y Hoa và cũng là người đầu tiên tham gia tổ liên kết, chị Y Danh cho hay, từ khi tham gia làm cùng chị Y Hoa, chị được hỗ trợ giống lúa nếp than và công thức nấu rượu. Gia đình chị hiện cũng đã trồng 5 sào lúa nếp cẩm.
"Vào những tháng có ngày lễ, tôi thường nấu và góp cho chị Hoa từ 10-15 ghè rượu 6 lít để cung cấp cho khách hàng. Mỗi lần như thế, chị Hoa chia lại tiền theo đúng với số lượng ghè rượu mà tôi góp vào, được khoảng từ 3 - 4,5 triệu đồng, nhờ đó gia đình tôi có thêm nguồn thu nhập. Tôi cũng tuyên truyền, vận động các chị em trong thôn cùng tham gia vào tổ liên kết, để cùng nhau phát triển", chị Y Danh phấn khởi nói.