Tôi đã từng được nghe kể về chị qua một người bạn đồng nghiệp. Khi ấy, tôi đã rất muốn được một lần trò chuyện cùng chị, để hiểu hơn về những việc chị làm. Tôi cũng tò mò muốn biết chị lấy ở đâu nguồn năng lượng to lớn để làm những việc không hề nhỏ ấy.
Và sau khi kết nối được với chị, được trò chuyện cùng chị, tôi phần nào hiểu được ý nghĩa của những việc chị đang, đã và sẽ làm. Với chị việc nỗ lực trong kết nối cộng đồng, lan tỏa giá trị văn hóa của người Việt Nam ra thế giới có lẽ chính là sứ mệnh.
Thưa TS Nguyễn Thị Bích Yến, chị đã từng đi nhiều nước, gặp gỡ nhiều kiều bào vậy khi nhắc về Việt Nam, nhắc về cội nguồn, tổ tiên, mọi người có suy nghĩ như nào?
- Vâng, thưa nhà báo, đa số bà con kiều bào mà tôi đã được gặp thì thấy rằng họ đều có những hoài niệm đẹp, và rất xúc động khi nhắc về quê hương, nguồn cội. Tuy nhiên, cũng có những bà con đã có những ký ức bị tổn thương do chiến tranh nhưng họ đều muốn trở về quê mẹ vào lúc cuối đời. Bà con kiều bào mình sống rất chân thành và hiền lương.
Điều gì đã khiến chị có ý tưởng làm dự án Ngày Quốc Tổ Việt Nam toàn cầu - ngày để cho cộng đồng kiều bào trên toàn thế giới hướng về cội nguồn dân tộc?
Một công dân khi biết trân trọng tổ tiên dân tộc mình thì cũng sẽ có tấm lòng như vậy với đất nước sở tại mà họ thuộc về. Từ đó, chúng ta có thể cùng nhau và cùng bạn bè quốc tế lan toả văn hoá và phẩm hạnh Việt, cùng nhau nâng cao vị thế của người Việt trên trường quốc tế.
TS Nguyễn Thị Bích Yến
- Như chúng ta đều biết thì người Việt mình ra đi vì nhiều lý do khác nhau như lý do chiến tranh, chính trị, kinh tế… không ít người còn mang vết thương trong lòng. Có những nỗi đau mà cả đời họ và gia đình họ vẫn bị ám ảnh, không thể hoá giải nổi.
Khi làm Ngày Quốc Tổ Việt Nam toàn cầu, chúng tôi với ước nguyện rằng vào ngày giỗ Tổ Vua Hùng, bà con xa xứ, không kể quan điểm khác nhau, đều chung một nguồn cội, tề tựu cùng nhau thắp một nén hương thơm hướng về tiên tổ, để phần nào giúp họ tĩnh tâm, nguôi ngoai nỗi nhớ nhà. Và có lẽ đó cũng là điểm tựa tâm thức, giúp bà con an lòng, thương yêu nhau hơn, hướng về dân tộc mình hơn khi sống xa xứ.
Theo kinh nghiệm làm việc của tôi với giới trí thức quốc tế thì việc này cũng có thể phần nào giúp người bản xứ thấy rằng một công dân khi biết trân trọng tổ tiên dân tộc mình thì cũng sẽ có tấm lòng như vậy với đất nước sở tại mà họ thuộc về. Từ đó, chúng ta có thể cùng nhau và cùng bạn bè quốc tế lan toả văn hoá và phẩm hạnh Việt, cùng nhau nâng cao vị thế của người Việt trên trường quốc tế. Khi chúng ta có vị thế thì người bản xứ cũng sẽ tôn trọng chúng ta và tôn trọng tổ tiên, dân tộc của chúng ta.
Khi bắt tay thực hiện dự án, chị và các cộng sự có gặp phải những khó khăn gì không? Khó khăn lớn nhất là gì thưa chị?
- Chúng tôi đã gặp rất nhiều khó khăn, một số người còn cho rằng chúng tôi bị ảo tưởng, bởi quy mô và lý tưởng của dự án này là quá lớn. Họ cho rằng dự án này không khả thi. Khó khăn lớn nhất ban đầu của dự án đó là niềm tin, và vấn đề ý thức hệ, tiếp đến là vấn đề tài chính.
Kể từ khi thành lập dự án (năm 2015- PV) đến nay, Ngày quốc Tổ Việt Nam toàn cầu vẫn hoạt động chủ yếu dựa vào sự thiện nguyện, vào tấm lòng và trí tuệ của một số nhà trí thức khoa học kiều bào. Dự án không có quỹ, không kêu gọi tài trợ. Mỗi lần giỗ Tổ Hùng Vương ở các nước thì chúng tôi phối hợp với các tổ chức hội đoàn, các cá nhân doanh nhân kiều bào tự nguyện bỏ tiền ra để tổ chức cho bà con.
Sau 9 năm triển khai dự án, đã bao giờ chị cảm thấy chán nản, và động lực nào đã giúp chị vượt qua được những cảm xúc đó và bước tiếp?
- Vâng chúng tôi đã gặp rất nhiều khó khăn, phải vượt qua rất nhiều chông gai, có lúc bị hãm hại một cách rất đau đớn, tưởng chừng như không thể vượt qua. Nhưng chúng tôi đều im lặng và đền đáp lại những điều đó bằng lòng biết ơn ! Có lãnh đạo đã từng nói với chúng tôi rằng "làm người tốt không phải lúc nào cũng dễ". Có những lúc chúng tôi đã rơi vào tuyệt vọng nhưng rồi cảm nhận được sự linh thiêng của tổ tiên, cho chúng tôi sức mạnh để bước tiếp. Tin hay không thì tuỳ mọi người nhưng chúng tôi tin tuyệt đối vào sự đưa đường chỉ lối của tổ tiên cho dân tộc, cho thời đại chúng ta đang sống!
Kể từ khi thành lập cho tới tận hôm nay, dự án vẫn đang được triển khai theo hình thức thiện nguyện và hoạt động với "ba không": không nhân lực chuyên môn, không vật lực hậu thuẫn, không người chuyên trách, điều gì đã giúp chị tiếp tục công việc này?
- Đó là niềm tin tuyệt đối vào tổ tiên! Niềm tin vào sứ mệnh mà tiền nhân dòng tộc đã trao truyền cho hậu duệ, hậu thế!
Bích Yến là hậu duệ đời thứ 17 của vua Lê Kính Tông và Vương phi Nguyễn Ngọc Nương – đó là điều ít người biết. Chị được dạy về nguồn cội, tình cảm "uống nước nhớ nguồn", lịch sử dòng tộc, tổ tiên, dân tộc từ những ngày còn nhỏ. Có lẽ đó là một sự kết nối tâm linh huyền bí, phần nào thúc đẩy chị theo đuổi Dự án dù có vô vàn khó khăn.
Ngày Quốc Tổ Việt Nam toàn cầu được thành lập và triển khai từ năm 2015, đến nay đã tổ chức Lễ giỗ tổ và Vinh danh con cháu Vua Hùng (hàng năm) theo hình thức trực tiếp và trực tuyến, kết nối bà con kiều bào và bạn bè quốc tế gần 50 quốc gia và vùng lãnh thổ, vậy chị có thể chia sẻ kỷ niệm ấn tượng nhất của chị khi thực hiện dự án này không?
- Chúng tôi có rất nhiều kỷ niệm vui, cũng có nhiều kỷ niệm đẫm nước mắt. Nhưng có một kỷ niệm ấn tượng nhất đó là khi chúng tôi đến một nước ở khu vực châu Á để tiền trạm xin an vị tượng vua Hùng thì bị các nhà chức trách ở đó từ chối. Sau ba ngày họp hành, thuyết trình với họ, cuối cùng họ đã đồng ý cho chúng tôi làm lễ an vị tượng Vua Hùng tại đó.
Xúc động hơn là họ đã cử lãnh đạo cấp cao cùng đến tham dự kính cẩn viếng lễ Vua Hùng. Lúc đó, chúng tôi và các lãnh đạo cộng đồng kiều bào đã thực sự cảm động đến rơi nước mắt. Cảm xúc ấy vẫn theo tôi đến tận bây giờ. Lúc đó, khi bước chân lên máy bay, thậm chí chúng tôi đã nghĩ dại rằng, nếu chẳng may có mệnh hệ gì thì chúng tôi cũng mãn nguyện rồi vì đã đưa được tổ tiên của dân tộc mình sang đó với bà con xa xứ.
Thời gian tới, ngoài dự án Ngày Quốc Tổ Việt Nam toàn cầu, chị có dự định gì khác không?
- Công việc chính của tôi là tác nghiệp, giảng dạy và nghiên cứu liên ngành văn hoá, chính trị và báo chí – truyền thông. Tôi đã và đang cùng các đồng nghiệp, các nhà khoa học Việt Nam và châu Âu thực hiện một số dự án nghiên cứu khoa học về báo chí-truyền thông cấp bộ và cấp nhà nước; tham gia viết giáo trình; hướng dẫn luận văn thạc sĩ, nghiên cứu sinh tiến sĩ về lĩnh vực báo chí – truyền thông quốc tế;
Đặc biệt, hơn một thập kỷ qua tôi cũng đã phối hợp với nhà xuất bản thực hiện công trình sách "Những mảnh ghép quân vương I, II", nghiên cứu về tư tưởng của các bậc quân vương, nguyên thủ, những người có tầm ảnh hưởng… ở hơn 40 quốc gia và các tổ chức quốc tế trên thế giới, vừa là để lưu giữ tư tưởng, quan điểm, và những đóng góp, cống hiến của họ với cộng đồng xã hội ở thời điểm lịch sử hiện tại, vừa là để tôn vinh, lan toả năng lượng tích cực của họ đến với công chúng. (Dự kiến sách "Những mảnh ghép quân vương II" sẽ sớm ra mắt công chúng vào tháng 5/2024).
Từng là một nhà văn, nhà báo ở Việt Nam, khi sang Áo định cư, tình cảm với quê hương đau đáu trong lòng khiến chị không ngừng lan toả hình ảnh quê hương đất nước, kết nối Việt Nam với bạn bè thế giới, thông qua việc nghiên cứu liên ngành truyền thông - văn hoá. Chị cùng các nhà khoa học, đồng nghiệp đã triển khai nhiều dự án.
Chẳng hạn chị đã xây dựng một chuyên san ngoại giao đặc biệt đầu tiên, đưa những hình ảnh, nghiên cứu về lịch sử, văn hóa, chính trị, kinh tế của Hà Nội và các bài viết về thành tựu hợp tác giữa áo và Việt Nam lên Chuyên san ngoại giao "Dossier 1000 Jahre Ha Noi – Chào Hà Nội 1000 năm" lên tờ báo hoàng gia của Áo Wienner Zeitung.
Theo nhận xét của Đại sứ, TS. Georg Heindl (Đại sứ Cộng hoà Áo tại Việt Nam) thì: Công trình này và công trình nghiên cứu Wienner Zeitung (biểu tưởng văn hoá của nước Áo) của chị đã đặt nền móng cho việc nghiên cứu báo chí truyền thông đầu tiên giữa Áo-Việt Nam; đồng tổ chức Ngày Việt Nam đầu tiên tại Áo (nền tảng của Dự án Ngày Quốc tổ Việt Nam toàn cầu); đặt nền móng cho việc liên kết đào tạo, nghiên cứu báo chí – truyền thông giữa Học viện Báo chí và Tuyên truyền, một số cơ quan báo chí của Việt Nam với Viện truyền thông - Đại học Tổng hợp Vienna, với các tập đoàn, cơ quan báo chí- truyền thông hàng đầu của Áo, EU…
Nhiều nhà trí thức, khoa học trẻ cũng chia sẻ rằng, họ rất cảm ơn dự án đã cho họ có cơ hội được tham gia đóng góp, cống hiến trí tuệ của mình cho nước Việt
Những việc làm này của chị đã được các chuyên gia, giáo sư, đồng nghiệp, lãnh đạo chính phủ hai nước đánh giá cao. …Không chỉ vậy, chị còn cùng các nhà trí thức, bà con kiều bào của Ban dự án tham gia nhiều hoạt động nhân đạo từ thiện như giúp đỡ bà con miền Trung bị lũ lụt, quyên góp, ủng hộ cuộc chiến phòng chống Covid, giải cứu nông sản, giải cứu hạt điều/ vụ việc thương mại quốc tế tại Italy (một vụ việc kiện thương mại rất lớn của Việt Nam) … Và luôn luôn công việc của chị có sự hậu thuẫn bởi tình cảm của gia đình, người thân cùng rất nhiều bạn bè, các nhà trí thức, đồng nghiệp quốc tế và bà con người Việt ở xa Tổ quốc vẫn một lòng ngóng về quê hương.
Nhiều người có lẽ cho rằng chị đang "vác tù và hàng tổng", vậy gia đình chị, đặc biệt là ông xã có ủng hộ công việc này của vợ không?
- Một số bạn tôi thường đùa, thân xác tôi sống ở châu Âu nhưng linh hồn thì luôn hướng về đất mẹ. Có lẽ, ông xã tôi yêu Việt Nam hơn bất cứ chuyên gia Việt Nam nào mà tôi từng biết, vì thế, tôi đã được sự giúp đỡ hoàn toàn của anh ấy và con trai cũng như đại gia đình, họ hàng nhà mình. Đặc biệt, tôi cũng nhận được sự giúp đỡ nhiệt tình của rất nhiều bạn bè, các nhà trí thức, đồng nghiệp, các thầy cô, giáo sư, chuyên gia quốc tế khi triển khai dự án lan toả văn hoá Việt Nam ra nước ngoài. Tôi xin biết ơn tất cả mọi người và hai quê hương yêu dấu!
Ở Áo, ngày giỗ Tổ được thực hiện như thế nào, có hoạt động cụ thể gì? Mỗi lần tổ chức ngày giỗ Tổ, cảm xúc của chị như thế nào?
- Ở Áo chưa an vị tượng vua Hùng, bà con cũng chưa tổ chức giỗ tổ lần nào. Hy vọng tổ tiên và bà con thương quý, giúp đỡ để chúng ta có thể cùng triển khai việc này trong tương lai.
Thế hệ người Việt trẻ dường như quá mải công việc, gia đình riêng của họ ở nơi xứ người, theo chị làm thế nào để có thể thu hút được sự tham gia của họ đến văn hóa dân tộc, và nhiều hơn nữa là đóng góp cho đất nước?
- Theo quan sát của chúng tôi, thì gần đây có một số dự án văn hoá, khoa học của các hội đoàn kiều bào đã làm rất tốt việc thu hút tập trung lực lượng người Việt trẻ tham gia, ví dụ như, Diễn đàn người Việt có tầm ảnh hưởng tại Paris, Diễn đàn phụ nữ tại châu Âu, một số hoạt động của Liên hiệp hội người Việt tại châu Âu…
Và nếu như nhà báo đã theo dõi các hoạt động 9 năm qua của Ban dự án Ngày Quốc tổ Việt Nam toàn cầu thì sẽ thấy rằng, nhiều nhà trí thức, khoa học trẻ cũng đã từng nhận chia sẻ rằng, họ rất cảm ơn dự án đã cho họ có cơ hội được tham gia đóng góp, cống hiến trí tuệ của mình cho nước Việt. Theo họ, thì dự án văn hoá cộng đồng này đã lần đầu tiên tạo ra sân chơi/diễn đàn cho đầy đủ các đối tượng từ chính khách, các nhà trí thức khoa học đến dân thường, từ kiều bào đến bạn bè quốc tế, tất cả mọi người đều có thể tham gia đóng góp trí tuệ của mình cho Việt Nam, cho sự gắn kết, đối thoại liên văn hoá giữa người Việt với bạn bè quốc tế.
Mỗi lần về Việt Nam, chị thấy quê hương đất nước đổi thay như thế nào? Có điều gì khiến chị lạc quan và điều gì chị mong cần được cải thiện hơn nữa?
- Theo các chuyên gia quốc tế thì hiện nay, Việt Nam là một trong những quốc gia năng động, tràn đầy sức trẻ và sẵn sàng hộ nhập quốc tế. Đó là điều rất đáng mừng. Các nhà lãnh đạo trẻ đang lên, nhiều người được đào tạo bài bản ở nước ngoài trở về, giỏi, làm việc chuyên nghiệp, cởi mở, cầu thị… nhưng cũng có chút gì đó mang phong cách văn hoá pha trộn, lạnh lùng, ít tình nghĩa hơn thế hệ cha ông. Xin lỗi nhà báo và mọi người, đây có lẽ chỉ là cảm nhận thiển cận của cá nhân tôi đối với một vài trường hợp chứ không phải là tất cả. Chúng tôi ước nguyện rằng rồi đây trăm sông sẽ đổ về một mối, sẽ hướng về tổ tiên nguồn cội, cùng nhau nắm tay nhau để lan toả văn hoá và phẩm hạnh Việt ra toàn cầu.
Xin cảm ơn tấm lòng của nhà báo đã kiên trì chia sẻ cùng chúng tôi, xin gửi tặng nhà báo và độc giả những vần thơ để bày tỏ nỗi niềm của chúng tôi với tổ tiên, dân tộc, với công chúng đồng bào, kiều bào và bạn bè quốc tế:
….Đất nước thần y - đất nước anh hùng
"Nhổ tre lên"- đó chính là bảo kiếm
Khắp nước nam triệu thần dược màu nhiệm
Cứu nhân gian hỡi thiên mệnh anh hùng:
Dẫn dắt nhân loại vượt qua hiểm hung
Xoay thế trận bằng hiền lương, minh triết
Chuyển càn khôn bằng trái tim thánh khiết
Dân tộc hiền lương- dân tộc anh hùng
TS Nguyễn Thị Bích Yến là nhà khoa học, nhà báo, nhà văn hiện đang sinh sống và làm việc tại Thủ đô Viena-Cộng hòa Áo.
Chị là chuyên gia nghiên cứu chiến lược truyền thông văn hoá và chính trị tại Châu Âu
Hiện TS Nguyễn Thị Bích Yến là Phó Tổng biên tập/ Đại diện tạp chí World Alliances Journal tại Liên hợp quốc - Vienna, Tác giả/sáng lập Dự án Ngày Quốc Tổ Việt Nam toàn cầu.