Những ngày này, chúng tôi có mặt tại các xã vùng cao của tỉnh Sơn La, từ 8-9 giờ sáng mà trời đã nắng chói chang, không khí oi bức bao trùm lên những nương cà phê, vườn mận, ruộng lúa, vườn cây ăn quả, cây hoa màu của bà con nông dân nơi đây.
Vụ lúa năm nay gia đình bà Lường Thị Ban, xã Chiềng Đông, huyện Yên Châu (Sơn La) gieo cấy trên 400m2 lúa Bắc thơm 7. Để chủ động gieo cấy đúng thời vụ, bà đã xuống giống, làm mạ từ những ngày sau Tết. Khi có những cơn mưa đầu tiên, nước về ruộng, gia đình tranh thủ cày bừa, làm đất và gieo cấy sớm. Đến thời điểm này, ruộng lúa của gia đình bà đang trong giai đoạn phân nhánh. Thế nhưng gần chục ngày trở lại đây, do trời không mưa, khiến lượng nước tại các khe suối cạn, chính vì vậy đã ảnh hưởng rất nhiều đến diện tích lúa của gia đình bà Ban.
"Cả chục ngày nay trời thì nắng nóng, không mưa, lượng nước về ruộng ít lắm. Có ngày ruộng khô cong, không một giọt nước nào. Để chủ động có nước tưới, gia đình tôi cũng đã mua một cái máy bơm để bơm nước từ suối lên cho vào ruộng. Hiện nay, suối cũng cạn nước dần rồi, tình hình này khả năng vụ lúa năm nay gia đình tôi mất mùa", bà Ban nói.
Theo kế hoạch, vụ xuân hè năm 2024, trên địa bàn huyện Yên Châu dự kiến gieo trồng, chăm sóc với tổng diện tích trên 27.400 ha cây trồng. Trao đổi với phóng viên, ông Cao Xuân Dũng, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Yên Châu cho biết: Trước những diễn biến của thời tiết, nắng nóng kéo dài, làm ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp trên địa bàn, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện đã chủ trì phối hợp với các cơ quan, đơn vị, UBND các xã, thị trấn tổ chức thực hiện nhiệm vụ chỉ đạo sản xuất vụ xuân hè năm 2024. Đôn đốc các xã khắc phục mương phai bị thiệt hại do thiên tai gây ra, đảm bảo tích nước và dẫn nước tưới tiêu cho đồng ruộng.
Bên cạnh đó, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện, Chi nhánh Công ty TNHH MTV quản lý KTCT thủy lợi Sơn La tại huyện Yên Châu, UBND các xã, thị trấn đang tập trung hướng dẫn nhân dân sản xuất đúng quy trình kỹ thuật, đúng thời vụ; đẩy mạnh áp dụng các biện pháp phòng trừ sâu bệnh hại cây trồng kịp thời hiệu quả; tập trung tu sửa mương phai, thường xuyên kiểm tra nguồn nước, tưới tiêu hợp lý đảm bảo đủ nước cho nhân dân sản xuất.
"Chúng tôi thường xuyên kiểm tra xác định diện tích lúa xuân có khả năng thiếu nước để chủ động chuyển sang trồng cây khác, triển khai thực hiện tốt kế hoạch phong trào toàn dân làm thủy lợi mùa khô 2024. Đôn đốc Chi nhánh Công ty Cổ phần vật tư kỹ thuật nông nghiệp huyện đảm bảo việc cung ứng đủ giống, phân bón kịp thời, đúng thời vụ và đảm bảo chất lượng phục vụ nhân dân sản xuất", ông Dũng nói.
Còn tại thành phố Sơn La, một trong những địa phương có diện tích trồng cà phê lớn của tỉnh Sơn La, mặc dù các phương án phòng chống hạn đã được tích cực triển khai nhưng do tác động của nắng nóng và không có mưa kéo dài đã khiến nhiều diện tích cà phê của bà con nông dân có khả năng mất mùa.
Gia đình ông Quàng Văn Bun, xã Chiềng Cọ, thành phố Sơn La canh tác trên 1ha cà phê. Những ngày này do thời tiết khắc nghiệt, năng nóng kéo dài, trời ít mưa, dẫn đến tình trạng thiếu nước tưới, diện tích cà phê của gia đình ông bị ảnh hưởng khá nhiều, nguy cơ mất mùa cao.
"Vườn cà phê của gia đình tôi vừa ra hoa được thời gian, hoa đã bắt đầu rụng cuống và đậu quả, nhưng với việc thiếu nước tưới, vườn cây khó đạt năng suất. Năm ngoái vườn cà phê của gia đình tôi cho thu được 12 tấn hạt, năm nay, theo dự đoán vụ này sản lượng sẽ giảm mạnh", ông Bun nói.
Trao đổi với phóng viên, ông Lò Văn Thủy, Chủ tịch Hội Nông dân xã Chiềng Cọ, thành phố Sơn La cho biết: Xã Chiềng Cọ có gần 1.000 ha cà phê. Thời điểm này nhiều diện tích cà phê trên địa bàn đang bước vào thời điểm rụng hoa, đậu quả. Tuy nhiên, do thời tiết nắng nóng kéo dài, lượng mưa ít, hầu hết diện tích cà phê của xã đều bị ảnh hưởng. Nếu tình trạng hạn hán kéo dài, trời không mưa, năng suất cà phê sẽ sụt giảm nghiêm trọng.
Có mặt tại huyện Sông Mã, do nắng nóng kéo dài, trời ít mưa, đã làm ảnh hưởng đến khung thời vụ gieo trồng các loại cây trồng trên nương. Gia đình anh Vạ Bả So, bản Căng Cói, xã Huổi Một, huyện Sông Mã cho biết, năm nay, gia đình anh dự kiến gieo trồng trên 40 kg ngô giống và trên 1 ha đất trồng sắn. Tuy nhiên do trời lâu ngày không mưa, nắng nóng kéo dài, đất nương khô cằn, không có độ ẩm, khiến gia đình anh không thể cày cuốc được.
Tỉnh Sơn La đang quản lý bảo vệ trên 666.887,7 ha diện tích đất có rừng (rừng tự nhiên 594.075,5 ha, rừng trồng 72.812,1 ha). Ông Nguyễn Huy Tuấn, Chi Cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Sơn La cho biết: Theo dự báo, trong thời gian tới, tình hình thời tiết có khả năng nắng nóng, dự báo cháy rừng ở cấp III, IV, nguy cơ cháy rừng có thể xảy ra ở bất cứ thời điểm nào. Chi cục Kiểm lâm đã chỉ đạo các đơn vị tại cơ sở tăng cường công tác kiểm tra các khu vực có nguy cơ cháy cao, đôn đốc các đơn vị, chủ rừng thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng cháy, chữa cháy rừng.
Để thực hiện có hiệu quả công tác phòmg cháy chữa cháy rừng (PCCCR), Kiểm lâm Sơn La đã tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ cập kiến thức về PCCCR cho nhân dân, đặc biệt là người dân ở các vùng rừng, ven rừng; kiểm tra an toàn về phòng cháy và chữa cháy rừng định kỳ đối với các khu rừng có nguy cơ xảy ra cháy.
Kiểm tra đột xuất khi có dấu hiệu nguy hiểm cháy rừng hoặc vi phạm quy định an toàn phòng cháy và chữa cháy rừng; kiểm tra, đôn đốc và hướng dẫn việc sử dụng lửa trong rừng và gần rừng của người dân, tạm dừng các hoạt động xử lý thực bì bằng dùng lửa và những hành vi dùng lửa khác có nguy cơ gây cháy rừng trong thời kỳ cao điểm về cháy rừng.
"Chúng tôi chủ động và tăng cường lực lượng, bố trí phương tiện, vật tư để thực hiện tốt phương châm "bốn tại chỗ" trong công tác PCCCR, phân công kiểm lâm địa bàn ứng trực 24/24 giờ trong suốt mùa khô; bố trí các điểm chốt chặn, tuần tra canh gác ở những khu vực trọng điểm dễ xảy ra cháy rừng, kiểm soát chặt chẽ người ra vào những khu vực rừng có nguy cơ cháy rừng cao; kịp thời phát hiện điểm cháy, huy động các lực lượng tham gia khống chế và dập tắt cháy rừng trong thời gian ngắn nhất, không để xảy ra cháy lớn", ông Tuấn nói.
Thống kê của Sở NNPTNT tỉnh Sơn La, đến thời điểm này, toàn tỉnh Sơn La có hơn 1.300 ha lúa xuân bị ảnh hưởng do hạn hán. Trong đó, gần 300 ha lúa có khả năng bị hạn do không có nguồn bơm; gần 50 ha phải chuyển đổi sang cây trồng khác do không có khả năng thu hoạch. Cùng với đó, nhiều diện tích cây ăn quả cũng đang bị ảnh hưởng đến năng suất, sản lượng quả do cạn kiệt nguồn nước tưới.
Theo dự báo của Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Sơn La (Đài Khí tượng thuỷ văn khu vực miền núi Phía Bắc) trưa nay (15/4), trên địa bàn tỉnh Sơn La đã có nắng nóng và nắng nóng gay gắt, có nơi nắng nóng đặc biệt gay gắt với nhiệt độ lúc 13h phổ biến từ 36 - 40 độ C, có nơi trên 40 độ C, như Yên Châu 41,7 độ C, Mường La 41,8 độ C. Độ ẩm tương đối thấp nhất từ 22 - 45%. Đợt nắng nóng và nắng nóng gay gắt trên diện rộng ở tỉnh Sơn La có khả năng kéo dài trong nhiều ngày tới.
Do ảnh hưởng của nắng nóng kết hợp với độ ẩm trong không khí giảm thấp và gió Tây khô nóng nên có nguy cơ xảy ra cháy nổ và hỏa hoạn ở khu vực dân cư, nguy cơ cao xảy ra cháy rừng, làm ảnh hưởng tới sản xuất của nông dân. Ngoài ra, nắng nóng còn có thể gây tình trạng mất nước, kiệt sức, đột quỵ do sốc nhiệt đối với cơ thể người khi tiếp xúc lâu với nền nhiệt độ cao.
Hiện, các ngành chức năng tỉnh Sơn La đang tích cực hướng dẫn người dân triển khai các biện pháp chăm sóc cây trồng, vật nuôi trong điều kiện xảy ra hạn hán. Đồng thời rà soát, khắc phục diện tích các loại cây trồng bị thiệt hại và chuyển đổi giống, mùa vụ, hạn chế thấp nhất ảnh hưởng của thời tiết đến với nông nghiệp.