Tiếng đàn nhị của ông nội và 100 nước đã đi qua
Ngô Hồng Quang sinh năm 1983 ở Hải Dương. Xuất thân trong một gia đình có ông nội là người chơi đàn nhị nên những âm thanh dân tộc đã chảy trong tâm hồn nghệ sĩ nam nghệ sĩ từ những ngày còn thơ bé. Tình yêu mãnh liệt đó tiếp tục được nuôi dưỡng trong suốt 11 năm học âm nhạc truyền thống tại Nhạc viện Hà Nội, nơi anh có cơ hội được tiếp xúc với nhiều loại hình âm nhạc dân gian khác nhau của Việt Nam cũng như đa dạng văn hóa âm nhạc trên thế giới. Đó là những nền tảng quan trọng đưa anh đến với con đường quảng bá âm nhạc dân tộc của Việt Nam ra thế giới.
Sau 4 năm du học tại Nhạc viện Amsterdam và Nhạc viện Hoàng Gia Den Haag - Hà Lan, Ngô Hồng Quang đã tốt nghiệp xuất sắc. Nghệ sĩ đã chọn cho mình con đường sáng tác và biểu diễn độc lập, chu du khắp các nước trên thế giới, mang văn hóa âm nhạc Việt Nam đến với thế giới và đến với môi trường nghệ thuật đương đại. Sự đa dạng về tài năng của Ngô Hồng Quang được thể hiện qua giọng hát cũng như thể hiện các nhạc cụ diễn tấu đơn âm, đa âm như: đàn nhị, đàn bầu, đàn k'ny, đàn môi, đàn tính…
10 năm trước, chặng đường nghệ thuật của nghệ sĩ Ngô Hồng Quang đa phần chỉ có những người bạn đồng hành tuổi tứ tuần, trung niên. Nhưng giờ đây, niềm đam mê và nỗ lực của anh đã bắt đầu đến được với nhiều người nghe hơn, đa dạng lứa tuổi hơn và không bị giới hạn bởi biên giới quốc gia. Đó là một tín hiệu đáng mừng, bởi giờ đây những tâm tư tình cảm, sự sáng tạo của anh có cơ hội được đến với thế hệ mới, góp phần đóng góp vào âm nhạc và văn hóa Việt Nam, tạo ra một môi trường âm nhạc đương đại giàu căn tính Việt cho tương lai.
"Trong quá trình học tập và làm việc tại các nước Châu Âu, tôi thấy mình đã có ích, đóng góp được phần nào công sức của mình trong việc quảng bá hình ảnh văn hóa đất nước thông qua âm nhạc", Ngô Hồng Quang chia sẻ. Anh cho biết thêm: "Điều này thực sự là đáng làm và tôi luôn mong muốn mở rộng những hướng đi tới thế hệ kế tiếp, đặc biệt là những bạn trẻ cũng đang theo đuổi con đường mà tôi đi".
Trao đổi với Dân Việt, Ngô Hồng Quang chia sẻ: "Bao nhiêu năm qua, tôi bôn ba khắp các nước để học hỏi tinh hoa âm nhạc của thế giới. Giờ là lúc tôi mang những gì tôi đã học được về quê hương để lan tỏa và chia sẻ".
Nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long tâm sự với Dân Việt rằng, Ngô Hồng Quang là "của hiếm" của làng nhạc khi vừa sáng tác, vừa biểu diễn, vừa nghiên cứu về âm nhạc dân tộc. Sau cố GS Trần Văn Khê, nhạc sĩ Nguyên Lê… Ngô Hồng Quang đã lấp đầy những khoảng trống của âm nhạc dân tộc Việt Nam khi vươn ra thế giới. Anh là có công rất lớn trong việc tìm tòi, phổ biến nhạc cụ dân tộc đến công chúng. Anh cũng là nhạc công nhạc cụ dân tộc được khán giả ở nhiều quốc gia biết tới. Anh không chỉ yêu âm nhạc dân tộc mà còn rất am hiểu về âm nhạc dân tộc vì thế anh biết xây dựng cho mình một lối đi riêng trong nghệ thuật. Âm nhạc của anh cân bằng giữa âm nhạc đại chúng và âm nhạc hàn lâm.
Trong nhiều năm qua, Ngô Hồng Quang vẫn làm việc, sáng tác và biểu diễn tại cả Việt Nam và Châu Âu. Đến bất cứ nơi đâu, biểu diễn trong bất cứ chương trình nào… anh cũng không ngừng truyền bá vẻ đẹp của âm nhạc truyền thống Việt Nam đến những lớp khán giả yêu âm nhạc tinh tú. Theo trí nhớ của Ngô Hồng Quang, anh đã biểu diễn ở gần 100 quốc gia khác nhau.
Phần lớn các buổi diễn có sự tham gia của Ngô Hồng Quang được tổ chức trong các Nhà hát. Bên cạnh đó, anh còn tham gia rất nhiều lễ hội âm nhạc và các tọa đàm để chia sẻ về văn hoá âm nhạc Việt Nam. Những chương trình mang tính văn hoá và nghệ thuật này thường được khán giả quốc tế hưởng ứng và đón nhận nồng nhiệt bởi tinh thần kết nối văn hoá, góp phần làm đẹp hình ảnh quốc gia Việt Nam đến với bạn bè năm châu.
Sau một thời gian dài hoạt động nghệ thuật tại Hà Lan, cuối năm 2023, nghệ sĩ Ngô Hồng Quang đã trở về Hà Nội để trải nghiệm thêm về đời sống âm nhạc tại quê hương. Anh nhận ra sự thiếu thốn không gian (môi trường) cho các nghệ sĩ nhạc dân tộc theo hướng hiện đại hoạt động, sáng tác và biểu diễn. Với tinh thần chia sẻ và trao truyền lại kinh nghiệm sau bao năm tích lũy của mình, anh nảy ra ý tưởng đã thành lập một ban nhạc dân tộc bao gồm các bạn trẻ đang là sinh viên hoặc mới tốt nghiệp để góp phần mở ra môi trường âm nhạc dân tộc mới.
"Cách đây không lâu, tôi có chia sẻ ý tưởng muốn thành lập một ban nhạc dân tộc toàn người trẻ với một người bạn ở Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam. Và cách đây hơn 3 tháng, ban nhạc Thiên Thanh đã được thành lập với toàn những người trẻ, người lớn nhất là 30 tuổi. Các thành viên đều đang theo học nhạc cụ dân tộc tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam gồm các bộ môn: sáo trúc, đàn bầu, đàn tỳ bà, đàn tam thập lục, đàn nhị, bộ gõ… Tôi không casting gì hết vì không muốn loại ai", Ngô Hồng Quang nói.
Giải thích về cái tên Thiên Thanh, Ngô Hồng Quang giải thích: Thiên Thanh là những âm sắc thanh cao mang đậm ngôn ngữ văn hoá âm nhạc Việt, biểu hiện của sự trong xanh tươi trẻ, đầy sức sống của một nhóm các nghệ sĩ yêu mến văn hoá.
Thiên Thanh gồm 9 thành viên: Nguyễn Mai Ngọc (đàn tam thập lục), Đàm Thái Hà (tỳ bà), Nguyễn Đình Đức (đàn nhị), Trịnh Nhật Minh (đàn bầu), Lê Thanh Xuân (sáo trúc, tiêu), Phạm Vân Anh (đàn nguyệt, hát văn), Nguyễn Minh Hiếu (bộ gõ), Chu Thuỷ Anh (đàn tranh), Nguyễn Quốc Bảo Khang (hát xẩm).
Theo Ngô Hồng Quang, ban nhạc được thành lập với nguyện vọng nâng tầm giá trị âm nhạc truyền thống Việt Nam bằng hơi thở và ngôn ngữ âm nhạc đương đại.
"Trong suốt quá trình lao động nghệ thuật và gìn giữ văn hoá âm nhạc cổ truyền, tôi luôn nung nấu và nuôi dưỡng tình yêu chân thành với nền âm nhạc Việt Nam thông qua sự sáng tạo cũng như biểu diễn các nhạc cụ và tác phẩm âm nhạc dân tộc theo cách riêng biệt của mình.
Với tinh thần yêu cái đẹp, cởi mở trong sáng tạo, tôn trọng các giá trị văn hoá bản địa, ngôn ngữ âm nhạc xuyên suốt của nhóm sẽ là sự kết hợp các yếu tố âm nhạc truyền thống với hiện đại; trình diễn các nhạc cụ dân tộc Việt Nam và các tác phẩm âm nhạc dân gian cũng như những sáng tác mới có sử dụng chất liệu cũ theo lối đương đại và quốc tế.
Tuỳ theo nội dung dự án âm nhạc mà các hình thức biểu diễn của nhóm khác nhau và thay đổi về các loại nhạc cụ trình diễn. Có thể có những tác phẩm nước ngoài chơi bằng nhạc cụ dân tộc hoặc những phần trình diễn sử dụng nhạc cụ phương Tây tạo sự cộng hưởng và giao thoa văn hoá, âm nhạc với các nước trên thế giới, nhưng vẫn mang đậm yếu tố âm nhạc truyền thống Việt Nam.
Đề cao tính nhịp điệu trong âm nhạc truyền thống, mỗi tác phẩm được phối khí lại hoặc sáng tác mới sử dụng chất liệu dân gian sẽ được biến tấu không chỉ về mặt hoà âm mà còn khai thác các thể loại nhịp điệu khác nhau, tạo nên không gian âm nhạc tươi mới, trẻ trung, đa sắc, phù hợp với thẩm mỹ âm nhạc đương đại", Ngô Hồng Quang chia sẻ thêm.
Vào 20h ngày 27/4 tới đây, tại Rạp Hồng Hà (51 Đường Thành, Cửa Đông, Hoàn Kiếm, Hà Nội), nhóm Thiên Thanh sẽ chính thức ra mắt và biểu diễn trong đêm nhạc đặc biệt "Về Kinh Bắc". Đêm diễn sẽ trình diễn hoà tấu có giọng hát theo một lối hoà âm mới mẻ, đặt vai trò trình tấu của các nhạc cụ lên một tầm cao mới, đề cao vai trò độc tấu, tính ngẫu hứng và sáng tạo cá nhân của người nghệ sĩ biểu diễn.
"Về Kinh Bắc" sẽ được trình diễn bởi nhóm nhạc Thiên Thanh cùng Beatboxer/Nghệ sĩ truyền thông mới Trung Bảo và Nghệ sĩ Cello người Mỹ Bryan Charles Wilson. Họ sẽ tham gia vào phần trình diễn của nhóm nhằm tạo cầu nối văn hoá âm nhạc và sự hứng thú đối với người nghe. Các nhạc khí và sự tương tác này sẽ hoà quyện để tạo nên không gian âm nhạc Việt đầy tính bản địa, sáng tạo, và giao thoa quốc tế.
Buổi diễn sẽ trình diễn 12 tác phẩm gồm: Trẩy hội (hoà tấu trống), Cây trúc xinh (hòa tấu), Còn duyên (hoà tấu và hát), Lúng liếng (hoà tấu), Quyết chí tu thân (hát xẩm), Se chỉ luồn kim (hoà tấu), Tình mẹ (hát văn), Ngồi tựa mạn thuyền (hoà tấu và hát), Mục hạ vô nhân (hát xẩm), Bèo dạt mây trôi (hoà tấu cùng Cello), Thường xuân (hoà tấu), Trống cơm (hát và hoà tấu).
Các tác phẩm này đều được Ngô Hồng Quang phối âm lại theo hình thức diễn tấu mới, đề cao tính diễn xướng, hoà tấu có nhịp điệu và ngẫu hứng của các nhạc cụ với tinh thần gìn giữ những nét tinh túy nhất của âm nhạc truyền thống đồng bằng Bắc bộ.