Trao đổi với Dân Việt, NSND Tống Toàn Thắng – Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam cho biết, hướng tới kỷ niệm 70 năm ngày chiến thắng Điện Biên Phủ "lừng lẫy năm châu – chấn động địa cầu", với tinh thần luôn ghi nhớ dấu mốc lịch sử của dân tộc và tri ân sự hy sinh của lớp lớp cha ông trong cuộc chiến vệ quốc vĩ đại, Liên đoàn Xiếc tổ chức chương trình "Sống mãi với Điện Biên".
Chương trình có thời lượng 90 phút, gồm 5 phần: Tây Bắc hào hùng, Hành quân xa, Hò kéo pháo, Trên đồi Him Lam và Giải phóng Điện Biên.
Chương trình sẽ mang lại những cảm xúc đặc biệt qua các hoạt cảnh kết hợp giữa ngôn ngữ xiếc với âm nhạc để tái hiện lại những hy sinh gian khổ và chiến thắng vang dội của dân tộc Việt Nam 7 thập kỷ trước. Trong đó, những tấm gương anh hùng gắn liền với chiến thắng Điện Biên Phủ sẽ được khắc họa qua các tác phẩm nghệ thuật được đầu tư về ý tưởng và dàn dựng.
"Đây là một trong những chương trình kỷ niệm những ngày lễ lớn trong năm 2024 của Liên đoàn Xiếc Việt Nam. Từ kịch bản đến khâu dàn dựng đã được chúng tôi chuẩn bị rất kỹ. Chúng tôi tính toán cách xử lý để tạo sân khấu xiếc trở thành như một sa bàn lớn, biểu thị toàn cảnh về chiến thắng Điện Biên. Khán giả sẽ được cùng tương tác với không gian 3 chiều cùng các nghệ sĩ trong vai các anh bộ đội.
Từ trên vị trí của khán giả nhìn xuống, sân khấu như một thung lũng thu, các hoạt cảnh sẽ được tái hiện những trận chiến cam go và hào hùng của các chiến sĩ Điện Biên được thể hiện qua các tác phẩm "Hò kéo pháo" "Qua miền Tây Bắc", "Giải phóng Điện Biên, "Trên đồi Him Lam", "Hành quân xa" "Chiến sĩ Điện Biên" " Bế Văn Đàn Sống mãi"…
Chương trình có sự tham gia phối hợp của các nghệ sĩ nhiều thể loại xiếc, xiếc người, xiếc thú, cùng các ca sĩ, tốp ca, các nghệ sĩ múa…
Với mong muốn lan tỏa ý nghĩa của chương trình đến với đông đảo khán giả, chúng tôi dự kiến mời một số nhân chứng lịch sử đã tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ đến tham dự, chia sẻ ký ức về trận chiến họ đã đi qua", NSND Tống Toàn Thắng chia sẻ với Dân Việt.
Cũng theo Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam thì ở phần 3 – Hò kéo pháo, một mô hình khẩu pháo được đưa lên sân khấu để phục vụ hoạt cảnh quân dân đồng lòng kéo pháo lên dốc. Những chi tiết xúc động như pháo bị trôi xuống dốc, chiến sĩ lao tới dùng thân mình chèn pháo, các đồng đội lao tới nâng đỡ chiến sĩ của mình và tiếp tục đồng lòng kéo pháo lên đồi cao… Hình tượng người chiến sĩ đứng hiên ngang cầm lá cờ chỉ huy theo nhịp hò kéo pháo cũng sẽ được làm nổi bật.
Ở phần 4 – Trên đồi Him Lam, cảnh anh hùng của liệt sỹ Phan Đình Giót lấy thân mình lấp lỗ Châu Mai, quân ta tiến lên hạ gục cứ điểm Him Lam… cũng sẽ kết hợp với âm nhạc để tái hiện một cách chân thực và xúc động nhất.
Chương trình sẽ kết lại bằng hình ảnh người chiến sĩ Điện Biên đứng tạo hình thành một rừng tre, phía trước các chiến sĩ Điện Biên cùng đồng bào cùng nhảy múa reo vui mừng chiến thắng.
Chương trình sẽ huy động 60 diễn viên tham gia. Trong chương trình sẽ có các tiết mục: Xe đạp chồng người, múa sạp, nhào lộn, tung hứng, đế trụ tập thể, hình tượng nam, dây da, leo cột, múa cờ, nhào lưới, xiếc thú, nhảy dây tập thể, cầu bật tập thể, thăng bằng trên dây…