Chào TS.BS Nguyễn Thị Hồng Liên, hiện nay đang có tình trạng, nhiều học sinh trúng tuyển đại học nhưng không học đại học mà theo học các trường nghề. Theo bà, lý do vì sao các em lại có lựa chọn như vậy?
- Thực tế những năm qua cho thấy có một số lượng học sinh trúng tuyển đại học nhưng không học đại học mà lựa chọn học các trường nghề. Điều này phụ thuộc vào nhu cầu, điều kiện, sự lựa chọn của học sinh và gia đình các em. Các em khi lựa chọn trường, lựa chọn ngành đào tạo cân nhắc nhiều yếu tố: ngành nghề phù hợp sở thích, năng lực của các em, điều kiện học tập và hoàn cảnh của thí sinh, ngành nghề đó có nhu cầu cao đối với thị trường lao động hiện tại và tương lai... Các trường nghề, cao đẳng nghề thuộc hệ thống giáo dục nghề nghiệp, cung cấp cho các em thêm những lựa chọn để được đào tạo nghề nghiệp rất thực tiễn, phù hợp nhu cầu của thị trường lao động. Sinh viên học các trường nghề tốt nghiệp ra trường có tỷ lệ việc làm cao.
Về chuyên môn, với phương pháp giáo dục nghề nghiệp toàn diện, người học được đảm bảo kiến thức, kỹ năng mang tính ứng dụng cao, sát với thực tiễn. Ưu điểm đầu tiên người học nhận được khi lựa chọn trường nghề chính là sự thành thạo kỹ năng chuyên môn. Với chương trình dạy học trọng tâm ở thực hành, thời lượng thực hành chiếm 70% chương trình đào tạo, sinh viên sẽ dễ dàng được tiếp xúc với các máy móc, thiết bị công nghệ, kỹ thuật hiện đại. Đây cũng là cách giới trẻ cảm nhận hứng thú hơn trong học tập và phát huy khả năng sáng tạo. Dễ dàng áp dụng vào công việc thực tiễn.
Thời gian đào tạo, các trường cao đẳng nghề giúp các em rút ngắn khoảng thời gian đáng kể trong quá trình học tập, vì vậy sinh viên có cơ hội việc làm sớm. Kinh phí đào tạo lại thấp hơn. Khi tốt nghiệp ra trường, các em có thể vừa làm vừa tiếp tục học liên thông lên đại học, thạc sĩ, … nếu có nhu cầu.
Như vậy, sự phù hợp của các trường cao đẳng nghề nghiệp về đào tạo, cơ hội việc làm đối với thế hệ trẻ đã thu hút nhiều học sinh theo học. Sinh viên tốt nghiệp các trường nghề là lực lượng đảm nhiệm vai trò quan trọng trong cơ cấu lao động hiện nay.
Các trường THPT, đại học đều tích cực tư vấn hướng nghiệp cho học sinh chọn ngành nghề, tuy nhiên, tình trạng làm trái ngành nghề không phải là hiếm. Theo bà nguyên nhân do đâu?
- Hiện nay tình trạng làm trái ngành nghề không phải hiếm, thậm chí chúng ta gặp nhiều sinh viên tốt nghiệp làm trái ngành nghề và làm lao động phổ thông. Việc sinh viên sau khi ra trường đi làm trái ngành, nghề được đào tạo không phải bây giờ mới có. Có thể có 2 lý do lý giải cho điều này:
Một là, sinh viên sau khi nhập học vào trường thì mới biết rằng bản thân đã chọn ngành đào tạo không phù hợp với sở thích, nguyện vọng hoặc năng lực của cá nhân. Nhưng vì không muốn lãng phí thời gian, tiền bạc của gia đình hoặc ngại thay đổi trường, thay đổi ngành nên sinh viên vẫn cố gắng theo học đến khi tốt nghiệp.
Hai là, sự cạnh tranh cao của ngành, nghề dẫn tới nhiều sinh viên sau khi tốt nghiệp, mặc dù yêu ngành, yêu nghề đã chọn nhưng không đủ năng lực cạnh tranh, dẫn tới việc phải đi làm công việc khác để đảm bảo nhu cầu cuộc sống.
Vì vậy thí sinh cần tìm hiểu kỹ, chọn ngành nghề, chọn trường phù hợp để học tập, rèn luyện, xây dựng sự nghiệp thành công trong tương lai.
Khối ngành Sức khỏe năm nào cũng thuộc top những ngành hot trong mùa tuyển sinh. Tuy nhiên, sau Covid-19, đội ngũ kỹ thuật viên xét nghiệm y học và điều dưỡng hiện nay đang rất "khát" nhân lực, bà chia sẻ gì về điều này?
- Ngành Kỹ thuật xét nghiệm Y học và ngành Điều dưỡng là 2 ngành cơ bản của khối ngành Sức khỏe, có vai trò quan trọng, hỗ trợ chính cho chẩn đoán, điều trị và chăm sóc sức khỏe con người. Trong những năm gần đây, nhu cầu nhân lực ngành Điều dưỡng và Kỹ thuật Xét nghiệm y học của hệ thống y tế nước ta đang rất lớn. Không những thế, sinh viên tốt nghiệp xong còn có cơ hội xuất khẩu lao động có trình độ ra quốc tế như: Nhật Bản, Đức và nhiều quốc gia khác. Chính phủ hiện đang có rất nhiều chính sách tốt, cả về đào tạo lẫn phương án hỗ trợ tài chính, nhằm khuyến khích đào tạo, xuất khẩu lao động sang các nước phát triển, đặc biệt là lao động có trình độ cao, được đào tạo bài bản.
Nhân lực về Điều dưỡng, theo dự báo nhu cầu giường bệnh sẽ tiếp tục tăng dần qua các năm. Trong giai đoạn 2021-2030, cả nước cần bổ sung thêm 92,5 nghìn giường bệnh. Trong đó, số giường bệnh của bệnh viện cấp quốc gia cần bổ sung thêm khoảng 8.700 giường bệnh.
Nhu cầu nhân lực về số lượng và chất lượng tiếp tục tăng cả về bác sĩ và điều dưỡng. Trong giai đoạn 2021-2030, cả nước cần bổ sung khoảng 168.300 bác sĩ và 304.000 điều dưỡng. Đến năm 2050, cả nước cần bổ sung thêm 498.000 bác sĩ và 1,2 triệu điều dưỡng (so với năm 2030).
Nhân lực về Xét nghiệm, công việc của một kỹ thuật viên xét nghiệm y học tiến hành lấy mẫu bệnh phẩm theo sự chỉ định của bác sĩ và phân tích kết quả của các mẫu bệnh phẩm đó để định hướng chẩn đoán bệnh cho bác sĩ.
Hiện tại, theo thống kê trên cả nước có 34 bệnh viện tuyến Trung ương thuộc Bộ Y tế quản lý. Trong đó, có 11 bệnh viện đa khoa và 23 bệnh viện chuyên khoa. Bên cạnh đó những cơ sở y tế tư nhân như bệnh viện, phòng khám phát triển nhiều trong thời gian gần đây. Vì thế, tạo ra cơ hội việc làm rộng mở cho các sinh viên sau khi tốt nghiệp ngành kỹ thuật viên xét nghiệm.
Sự thiếu hụt nhân lực ngành Xét nghiệm y học lại trở nên rõ nét hơn khi các công ty của nước ngoài đang đẩy mạnh chiến lược đầu tư lâu dài tại Việt Nam. Chính thực tế này đã tạo ra các vị trí, việc làm phong phú cho cử nhân ngành Xét nghiệm y học, với mức lương khởi điểm hấp dẫn cùng với chế độ ưu đãi tốt. Vì thế ngành học này trở thành một trong những lựa chọn tốt dành cho thí sinh.