Sang nửa sau của thế kỷ 20, khi lịch sử sang trang, cuộc chơi nghệ thuật nghìn năm tuổi chấm dứt. Khắp các vùng miền, giáo phường Ả đào giải tán, nhà hát Cô đầu chốn thành thị buộc phải đóng cửa, đào kép mai danh ẩn tích, khuất dần theo bóng xế chiều. Nghệ thuật Ả đào (Ca trù) biến mất khỏi đời sống xã hội.
Mất hẳn môi trường làm nghề, hệ giá trị nghệ thuật cũng vì thế mai một, nhạt nhòa dần theo thời gian. Trong xã hội mới, hàng nghìn đào kép trên các vùng miền phải tự tìm cách để xoay sở kiếm sống. Người may mắn lắm thì chuyển đổi được sang hát Chèo, Cải lương hay ngâm thơ. Phần còn lại, tất cả đều cố gắng thích nghi trong những nghề mới, kể cả những việc đồng áng nông nghiệp hay làm thuê, bán hàng, khuân vác, phụ hồ - những việc mà cả đời đào kép chưa bao giờ biết tới.
Nhà nghiên cứu Đặng Hoành Loan chia sẻ với Dân Việt: “Các nhà hát Cô đầu đóng cửa để lại rất nhiều những sự tiếc nuối với giới văn nghệ sĩ thời bấy giờ. Chính bản thân những người cán bộ được chính quyền cách mạng giao cho nhiệm vụ đóng cửa các nhà hát Cô đầu có thể lại là những tay chơi nghệ thuật Cô đầu”.
Nhà nghiên cứu Đặng Hoành Loan chia sẻ thêm, NSND Quách Thị Hồ - bậc danh ca lừng lẫy một thời từng phải đi gánh nước thuê để kiếm sống khi các nhà hát Cô đầu bị đóng cửa. Còn người thức thời như NSND Phó Thị Kim Đức chuyển sang hát Chèo thì vẫn tiếp tục hoạt động nghệ thuật và có những thành công như hiện tại.
Trong “Ả đào: Một khảo cứu về lịch sử và hệ âm luật”, nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền cho biết, chỉ còn vài bậc danh ca, danh cầm thi thoảng được tiếp tục cuộc chơi “khép kín” tại tư gia của một số văn sĩ danh tiếng - những người có khả năng bảo trợ đào kép.
“Trớ trêu là xã hội bấy giờ kỳ thị, phần đông trong số họ phải mai danh ẩn tích, những người xung quanh không ai biết họ là kép đàn hay cô đầu. Cuộc đời các danh ca, danh cầm Ả đào vẫn còn đó với biết bao câu hỏi của lịch sử văn hóa dân tộc”, nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền tiếc nuối.
Nhưng các cô đầu phải vất vả mưu sinh khi các nhà hát đóng cửa vẫn chưa phải là các cô đầu có số phận tồi tệ nhất. Nhà nghiên cứu Đặng Hoành Loan chia sẻ, có những cô đầu bị tra khảo, đấu tố, vạch mặt. Những ký ức ấy trở thành nỗi khiếp hãi cho họ tới tận cuối đời.
Sau này, có những người muốn xin đến để học hát hoặc các nhà nghiên cứu tới để tìm hiểu, nhưng vì quá ám ảnh với quá khứ mà nhiều các danh ca đều từ chối gặp.
NSƯT Bạch Vân cũng chia sẻ, quá trình nghiên cứu, tìm hiểu để khôi phục nghệ thuật Ca trù, bà được nghe kể có những trường hợp cô đầu thời trước thậm chí còn bị thắt cổ chết. NSƯT Bạch Vân đã rơi nước mắt trước không biết bao nhiêu lần trong quá trình nghiên cứu và phục hồi Ca trù khi chứng kiến nhiều hoàn cảnh của những ca nương, kép đàn thời trước phải sống khổ sở.
NSƯT Bạch Vân tiết lộ thêm với Dân Việt, NSND Thương Huyền cũng từng là một cô đầu, nhưng trong lý lịch, tới tận cuối đời bà cũng không bao giờ khai việc đó. NSND Thương Huyền và NSND Phó Thị Kim Đức thậm chí không dám chào hỏi nhau dù cùng có thời gian công tác tại Đài Tiếng nói Việt Nam, vì sợ bị phát hiện thân phận là cô đầu và sợ bị đánh giá, kỳ thị.
Trong “Ả đào: Một khảo cứu về lịch sử và hệ âm luật”, nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền cho biết, các cô đầu đã từng tham gia kháng chiến chống thực dân Pháp. Trước lời kêu gọi kháng chiến năm 1946 của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhiều cô đầu, kép đàn các nhà hát Khâm Thiên, Vạn Thái, Ngã Tư Sở đã không bỏ chạy, tình nguyện ở lại Hà Nội cùng các chiến sĩ cảm tử quân, vệ quốc đoàn. Họ tham gia vào các đội giao liên, tải thương trên mặt trận liên khu 2 và liên khu 3.
Hình ảnh đó được nhạc sĩ Văn Cao phản ánh trung thực và sinh động trong bài thơ “Ngoại ô mùa đông 1946”: “...Xưa đây lối xóm cầm ca/ Bốn mùa ngả nghiêng trụy lạc/ Khăn lụa che ngang mày thét nhạc/ Gót chân xanh khép giọng Tì bà/ Em gái Ngã Tư Sở/ Anh người thợ Nam Đồng/ Đêm sênh ca khốn khổ/ Đập tan đàn khi nhạc mới mênh mông/ Xác anh vùi lửa đạn/ Xác em vùi bên anh/ Khói súng mờ bay nhạt cả xóm xanh/ Lửa bừng cháy lên rực phía đô thành”.
Hay NSƯT Bạch Vân cho biết, ca nương nổi tiếng của làng Lỗ Khê là bà Phạm Thị Mùi cũng từng trồng lúa, góp gạo để nuôi chồng hoạt động cách mạng.
Nhiều cô đầu đã ngã xuống bên chiến lũy bảo vệ thủ đô trong 60 ngày đêm lịch sử. Hàng trăm đào nương - cô đầu sau đó lại tình nguyện tham gia kháng chiến.
“Hãy thử hình dung, với thân phận ca kỹ nơi thành thị, các cô hoàn toàn có thể bỏ trốn khỏi vùng bom đạn, khói lửa chiến tranh. Nhưng điều gì đã khiến họ hành động như vậy? Chỉ có thể nói là lòng yêu nước và bản năng trong mỗi con dân nước Việt khi Tổ quốc lâm nguy. Các cô đầu đã trở thành một phần lịch sử của dân tộc”, nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền bày tỏ trong “Ả đào: Một khảo cứu về lịch sử và hệ âm luật”.
Bao nhiêu năm qua, NSƯT Bạch Vân trong những chuyến đi biểu diễn cũng dành ra từ 30 phút đến 1 tiếng đồng hồ để nói về lịch sử của nghệ thuật Ca trù, nhằm thay đổi cách nhìn của xã hội về môn nghệ thuật này và các cô đầu trong nhà hát thời trước.
“Khi tôi bắt đầu khôi phục Ca trù, có vị lãnh đạo ở Sở Văn hóa và Thể thao bảo với tôi rằng “nghe đồn em khôi phục cô đầu Khâm Thiên đấy à, đấy là đàng điếm đấy em ạ!”. Tôi mới nổi điên lên và lập tức đuổi vị đó ra khỏi phòng.
Năm 2011, khi ấy đã là 2 năm Ca trù đã được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp của nhân loại. Tôi về biểu diễn tại đình Kim Ngân ở phố Hàng Bạc, vẫn có những người nói với tôi “cô là cô đầu à” hay “cô lại mang cô đầu Khâm Thiên về đây đấy à”. Thời điểm ấy vẫn còn căng thẳng lắm, họ vẫn còn rất dè bỉu các cô đầu. Tới bây giờ qua những gì tôi làm được, người ta mới dần hiểu ra”, NSƯT Bạch Vân bộc bạch.
Cũng theo NSƯT Bạch Vân, qua những gì bà tiếp xúc với các danh ca Ca trù thời trước, đó đều là những người rất chuẩn mực về đạo đức. Thậm chí, để được học hát, NSƯT Bạch Vân còn từng bị các bậc danh ca thời trước thử thách rất nhiều về đạo đức.
NSƯT Bạch Vân chia sẻ thêm, những điều mà xã hội cho rằng, nhà hát Cô đầu là chốn “sa đọa” chỉ là những thú ăn chơi quá đà của một số người tại các nhà hát Cô đầu thời bấy giờ. Thậm chí, việc các cô đầu rượu tiếp khách qua đêm cũng chỉ bao gồm các hoạt động như trải chiếu, mắc màn và tiếp rượu cho khách. Dù khách chơi qua đêm phải trả tiền nhưng không phải cô đầu rượu nào cũng sẽ đồng ý quan hệ nam nữ với vị khách đó; với các cô đầu hát thì lại càng khó hơn.
Còn nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền cho rằng: “Xã hội mới thời kỳ thực dân phong kiến quá khắt khe, để rồi đã phủ định hoàn toàn một thể loại âm nhạc danh giá nhất trong lịch sử cũng như những đào kép xuất chúng, những số phận cô đầu mà cuộc đời họ giống như một khúc ca bi tráng. Đã đến lúc phải có một cách nhìn nhân văn hơn với thế hệ những nghệ sĩ Ả Đào. Họ đã trở thành một phần của lịch sử văn hóa dân tộc”.