Hát Dô Liệp Tuyết (Bài 1): Vượt qua lời nguyền để gìn giữ di sản cha ông truyền dạy

Phạm Thứ Thứ năm, ngày 11/04/2024 10:30 AM (GMT+7)
Hát Dô ở Liệp Tuyết xưa kia là làn điệu độc đáo được truyền lại từ bao thế hệ. Vượt qua những cổ tục, người dân Liệp Tuyết đã khôi phục và cố gắng gìn giữ di sản mà cha ông để lại.
Bình luận 0
Hát Dô Liệp Tuyết (Bài 1): Vượt qua lời nguyền để gìn giữ di sản cha ông truyền dạy
- Ảnh 1.

Làn điệu do Đức Thánh Tản truyền dạy

Hát Dô là loại hình diễn xướng dân gian độc đáo, phát tích ở vùng đất Lạp Hạ ven sông Tích (nay là xã Liệp Tuyết, huyện Quốc Oai, TP Hà Nội) gắn với lễ hội đền Khánh Xuân. Làn điệu hát Dô được gắn với tín ngưỡng thờ Tản Viên Sơn Thánh – vị thần đứng đầu “tứ bất tử” trong đời sống văn hoá của người Việt Nam. Ngày 19/2/2024, chính quyền và nhân dân xã Liệp Tuyết đã chính thức đón bằng công nhận hát Dô là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia. 

Nghệ nhân Nhân dân (NNND) Nguyễn Thị Lan - người có công khôi phục lại hát Dô chia sẻ với Dân Việt rằng: “Tích xưa kể lại, trong một lần ngao du qua vùng ven sông Tích, Đức Thánh Tản Viên thấy đất ruộng phì nhiêu, con người chăm chỉ đã bày cho cách gieo lúa trồng ngô trên những thửa ruộng có phù sa bồi đắp. Ngài dạy người dân đắp đê, làm thuỷ lợi. Sau đó, ngài rời đi và để lại lời hứa sẽ quay lại vào mùa lúa chín”.

Từ đó trở đi, mùa lúa chín năm nào người dân xã Liệp Quyết cũng mong chờ ngày Đức Thánh Tản trở lại. Đúng 36 năm sau, ngài trở lại nơi xưa, thấy người dân đã biết bảo ban nhau làm lụng, mùa màng bội thu. Năm ấy, dân làng mở hội múa hát tưng bừng, xây lên đền Khánh Xuân và mở hội hát mừng. Ngài lại dạy cho người dân cách hát bài bản. Từ đó, làn điệu hát Dô ra đời.

Còn theo những ghi chép từ “Khánh Xuân điện thần tích” đã có trên 270 nơi thờ tự Đức Thánh Tản Viên. Vào ngày 12/9, ngài đến Lạp Hạ (xã Liệp Tuyết ngày nay), thấy phong cảnh đẹp, gái trai hát hay liền cho dựng Xuân Ca cung để nghỉ ngơi và mở yến tiệc suốt 3 ngày. Ngài chia dân làm 6 giáp, đặt làm 6 bộ Xuân Ca phường, lại cử điển quan dạy hát. Nhớ ơn vị thần mang lại cuộc sống no đủ, nhân dân trong vùng cứ 36 năm mở hội một lần (bằng đúng số năm Đức Thánh Tản quay trở lại).

Hát Dô Liệp Tuyết (Bài 1): Vượt qua lời nguyền để gìn giữ di sản cha ông truyền dạy
- Ảnh 2.

Hát Dô là loại hình diễn xướng dân gian độc đáo chỉ có ở Liệp Tuyết. Ảnh: Viện VHNTQG.

Theo NNND Nguyễn Thị Lan, hát Dô có trên 20 làn điệu có âm hưởng dân ca mang tính nghi lễ với các thể loại: Hát Thờ, hát Chúc, hát múa Bỏ bộ. Hát Dô có sự kết hợp giữa âm nhạc và vũ đạo làm nên đặc sắc của một loại hình văn hóa tổng hợp.

Vào năm làng mở hội, từ tháng Tám âm lịch đã mở cửa đền làm lễ xin thánh cho mở sách hát. Các thôn tuyển chọn các nam thanh nữ tú, không có “bụi” (tang ma, lao lý) vào tập hát. Sau khi hết hội, dân làng lại làm lễ xin cất sách vào tráp, đúng 36 năm sau mới được mở lại.

Trong đội hình múa hát, có 1 - 2 người làm “cái hát” (lĩnh xướng, chỉ huy), 8 - 20 nữ làm “con hát” (bạn nàng) để đồng ca và múa phụ họa. “Bạn nàng” tóc vấn đuôi gà, cổ đeo chuỗi hạt vàng, mặc áo năm thân đóng mớ ba, đi dép cong, cầm quạt. Trên ngón tay đeo nhẫn còn có một túi vải màu hình múi cam, có tua chỉ ngũ sắc. “Cái hát” xướng, “con hát” vừa hát vừa múa phụ họa nội dung từng đoạn như chèo đò, bắn cung, hái hoa, dệt cửi...

Lời ca trong hát Dô có nội dung ca ngợi công đức của Tản Viên Sơn Thánh, tôn vinh giá trị văn hóa, lịch sử và tinh thần cộng đồng của người dân vùng lúa nước, tình yêu đôi lứa,... NNND Nguyễn Thị Lan cho biết: “Một thời làn điệu hát Dô nổi tiếng khắp xứ Đoài. Từng lời thơ mộc mạc, gần gũi, thanh cao. Toàn bộ đời sống sinh hoạt hằng ngày của người dân xã Liệp Tuyết chúng tôi đều được thể hiện trong từng lời hát Dô”.

Vượt qua lời nguyền để khôi phục hát Dô

Khác với các vùng quê khác, người dân lớn lên, thẩm thấu và ngấm dần câu dân ca của địa phương mình ngay từ lúc còn nhỏ, thì tại Liệp Tuyết, những năm hát Dô chưa được khôi phục, người dân thậm chí… chưa từng được nghe hát Dô bao giờ. Có một lời nguyền rằng, nếu hát Dô vào các ngày thường mà không phải dịp lễ hội tại đền Khánh Xuân, sẽ bị “Thánh quở”, dẫn đến bị “cấm họng” (câm), thậm chí là mất mạng.

Hát Dô Liệp Tuyết (Bài 1): Vượt qua lời nguyền để gìn giữ di sản cha ông truyền dạy
- Ảnh 4.

Nghệ nhân Nhân dân Nguyễn Thị Lan (ngoài cùng bên trái) truyền dạy cho các "bạn nàng" cách đây nhiều năm. Ảnh tư liệu NVCC.

Lần cuối cùng lễ hội tại đền Khánh Xuân tổ chức là năm 1926. 36 năm sau, nước ta đang trong thời kỳ chiến tranh, lễ hội không được tổ chức. Vậy nên, những làn điệu hát Dô phải “ngủ yên” thêm 36 năm nữa. Những cuốn sách ghi chép cũng bị thất lạc, hát Dô có nguy cơ thất truyền từ đó.

Năm 1989, Trung tâm Văn hóa tỉnh Hà Tây (cũ) kết hợp cùng Trung tâm Văn hoá huyện Quốc Oai về Liệp Tuyết tìm lại điệu hát Dô trong quá khứ. Khi ấy, bà Lan đang làm chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Liệp Tuyết, chính là người “đi từng ngõ, gõ từng nhà” để tìm gặp những người từng tham gia hát tại đền Khánh Xuân năm 1926 để sưu tầm những tư liệu. Bên cạnh đó, bà Lan cũng phải đến từng nhà để vận động phụ huynh cho con em mình học hát.

Tuy nhiên, mọi thứ không phải dễ dàng với bà Lan cùng những người làm công tác văn hóa khi ấy. Vì “lời nguyền 36 năm” nên cả người còn biết hát Dô và những người học hát đều lo sợ.

“Những ngày ấy tìm các cụ khó khăn lắm. Sáng đi gặp không được thì trưa tìm. Trưa ăn cơm xong thì chiều tối đi tiếp. Mà có phải gặp một lần là người ta đồng ý đâu, phải thuyết phục nhiều lắm. Các cụ vẫn bị ám ảnh rằng hát thì bị thế này thế nọ nên không ai dám hát”, bà Lan hồi tưởng lại những ngày đầu đi sưu tầm, khôi phục hát Dô.

Những ngày cắp sách đi nghe các cụ chỉ dạy, bà Lan bị người làng chê cười “vô công rồi nghề” hay “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”. Chính bà cũng có những lần sợ hãi, lo lắng và cũng từng có không ít lần nản lòng định bỏ cuộc. Nhưng một điều kì lạ đã xảy ra trong lần bà Lan nghĩ rằng sẽ là lần và sẽ buông xuôi để mặc làn điệu của cha ông bị thất truyền.

Hát Dô Liệp Tuyết (Bài 1): Vượt qua lời nguyền để gìn giữ di sản cha ông truyền dạy
- Ảnh 6.

Bản chép tay lời bài hát của NNND Nguyễn Thị Lan từ những năm 1989. Ảnh: Phạm Thứ.

“Lần ấy, tôi đang dạy các cháu mà có hai con bướm nâu cứ bay quanh quẩn ở bên cánh gà sân khấu. Đôi bướm quanh quẩn mấy hôm liền như ám chỉ điều gì đó nên tôi sắp lễ dâng vào đền. Tôi thưa với các ngài xin phép là cho tôi được khôi phục lại cái làn điệu mà các ngài truyền dạy để khỏi thất truyền. Tôi nghĩ bụng, mình làm vì cái tâm cái đức chứ không có lợi lộc gì, chẳng lẽ các ngài lại quở trách. Làm lễ xong thì ngay hôm sau tôi không thấy đôi bướm đó xuất hiện nữa. Không kể với ai nhưng tôi ngầm hiểu chắc các ngài cũng chứng cho, đã đồng ý rồi”, bà Lan bộc bạch.

Kể từ đó, bà Lan càng nhận thấy rõ trách nhiệm của mình với hát Dô, quyết tâm phải khôi phục bằng được.

Điều may mắn là bản chép lời cổ bằng chữ Hán sau này đã được tìm thấy. Bà Lan cũng dày công gặp gỡ các nghệ nhân còn tham gia hát tại đình Khánh Xuân năm 1926, học từng câu, từng chữ, chép tay cẩn thận. Khi đối chiếu bản chép tay của bà Lan và bản lời cổ bằng chữ Hán nội dung trùng tới 99%.

Cũng là một may mắn nữa bởi ba cụ nghệ nhân: Tạ Văn Lai, Kiều Thị Nhuận và Đàm Thị Điều vừa kịp truyền dạy tất cả những gì tinh túy nhất cho bà Lan thì mới qua đời.

“Tôi vẫn còn nhớ thời ấy, cụ Điều hay bảo tôi là con ơi “con ơi, con chịu khó ngày đi làm vất vả, tối về đây cụ đọc cho mà chép”. Dạy xong thì cụ còn dặn tôi phải giữ cho bằng được, không để mất gốc. Cụ đọc cho tôi chép xong tất cả các bài hát thì ba ngày sau cụ qua đời”, NNND Nguyễn Thị Lan nhớ lại.

Trao đổi với PV Dân Việt, nhà nghiên cứu âm nhạc dân gian PGS. TS Đặng Hoành Loan, nguyên Phó viện trưởng Viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam chia sẻ, bỏ qua những yếu tố huyền thoại, hát Dô Liệp Tuyết là một sáng tạo tuyệt vời. Ông cho rằng, những yếu tố huyền thoại, những tục “hèm” chỉ nên dừng lại ở mức độ để nhân dân kính trọng người xưa; không nên cho rằng, hát không đúng ngày hội thì gặp phải những vấn đề xui xẻo.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem