Dân Việt

Giá "cọc" 81,8 triệu đồng/lượng: Doanh nghiệp "cân não", đấu thầu vàng từng "ế"

H.Anh 22/04/2024 08:37 GMT+7
Theo dự kiến 10h sáng nay 22/4/2024 (thứ Hai), Ngân hàng Nhà nước chính thức bắt đầu tổ chức phiên đấu giá vàng đầu tiên sau 11 năm vắng bóng. Địa điểm tổ chức đấu thầu diễn ra tại Cục Quản lý dự trữ ngoại hối nhà nước - Ngân hàng Nhà nước số 25 Lý Thường Kiệt (Hoàn Kiếm, Hà Nội).

Theo thông báo phát đi của Ngân hàng Nhà nước cuối tuần trước, 10h sáng nay 22/4, Ngân hàng Nhà nước sẽ tổ chức phiên đấu thầu vàng miếng với khối lượng vàng dự kiến tung ra thị trường khoảng 16.800 lượng vàng miếng SJC.

Đấu thầu vàng miếng, giá cọc 81,80 triệu đồng/ lượng: Doanh nghiệp "hồi hộp" quan sát

Đây là phiên đấu giá vàng miếng lần đầu tiên sau 11 năm kể từ lần cuối cùng Ngân hàng Nhà nước thực hiện đầu thầu vàng vào năm 2013.

Theo Lãnh đạo Vụ Quản lý ngoại hối (Ngân hàng Nhà nước), số lượng vàng thực hiện đấu thầu đã "sẵn sàng". Qua bán đấu thầu cho các ngân hàng và doanh nghiệp kinh doanh vàng đủ điều kiện, 16.800 lượng vàng miếng SJC tương đương hơn 630 kg vàng sẽ được xuất bán nhằm tăng cung cho thị trường.

Về giá trong phiên đấu thầu, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho biết, mức giá tham chiếu để tính giá đặt cọc là 81,80 triệu đồng/lượng. Đây là mức giá để các đơn vị tham gia đấu thầu đặt cọc. Còn giá sàn để tham gia dự thầu sẽ được Ngân hàng Nhà nước công bố trước giờ mở thầu. Tỷ lệ đặt cọc là 10%.

Khối lượng đấu thầu tối thiểu một thành viên được phép đặt thầu là 14 lô tương đương 1.400 lượng. Khối lượng tối đa được phép đặt thầu là 20 lô tương đương 2.000 lượng. Bước giá dự thầu là 10.000 đồng/ lượng. Mỗi thành viên dự thầu chỉ được đăng ký một mức giá tối thiểu bằng hoặc cao hơn giá sàn do Ngân hàng Nhà nước công bố.

Giá

Mức giá tham chiếu để tính giá đặt cọc trong phiên đấu thầu ngày 22/4 là 81,80 triệu đồng/lượng.

Đại diện một doanh nghiệp vàng đã từng tham gia nhiều phiên đấu thầu vàng trước đây của Ngân hàng Nhà nước năm 2013 cho biết, doanh nghiệp này cũng đã sẵn sàng nguồn lực tài chính để tham gia đấu thầu lần này. Ông kỳ vọng, đấu thầu vàng đợt này sẽ giúp hạ nhiệt thị trường khi thị trường có thêm nguồn cung, giúp thị trường ổn định và đặc biệt, chênh lệch giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới sẽ co hẹp, về mức phù hợp. Hiện tại, chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới đã có xu hướng giảm, từ mức 20 triệu đồng/lượng về 11 triệu đồng/lượng và đang được kéo về dưới 10 triệu đồng/lượng.

Một doanh nghiệp khác dự báo, không phải tất cả các doanh nghiệp vàng sẽ tham gia phiên đấu thầu này, bởi tùy theo cung – cầu của doanh nghiệp. Hơn nữa, mức giá tham chiếu đặt cọc 81,80 triệu đồng/ lượng được Ngân hàng Nhà nước công bố gần bằng mức giá mua vào từ thị trường, trong khi ở đây là mua sỉ, tối thiểu là 1.400 lượng.

"Các công ty vàng sẽ phải tính toán rằng mua giá đó thì bán cho ai. Thông thường phải có đầu ra các công ty mới dám mua", vị này cho hay và nhấn mạnh, sẽ có nhiều doanh nghiệp đứng ngoài quan sát trong lần đấu giá này.

Một chuyên gia trong lĩnh vực này cũng cho hay, hiện tại giá vàng trên thế giới biến động mạnh, trong khi đó giá vàng trong nước phụ thuộc vào biến động của giá vàng thế giới. Do đó, sẽ có những doanh nghiệp ngại "bỏ cục tiền, ôm rủi ro".

Đấu thầu vàng từng bị "ế"

Thực tế, năm 2013 Ngân hàng Nhà nước đã tổ chức 76 phiên đấu thầu bán vàng miếng, với tổng khối lượng trúng thầu là 1.819.900 lượng trên tổng số 1.932.000 lượng chào thầu. Trong số này có hơn 30 tấn vàng được các tổ chức tín dụng mua vào để tất toán trạng thái vàng, chỉ có gần 40 tấn vàng còn lại là bán ra thị trường.

Trong đó, từng có phiên đấu thầu bị "ế". Đó là trong phiên ngày 28/3/2013 với 21 ngân hàng và doanh nghiệp đăng ký, nhưng chỉ 17 đơn vị chính thức tham gia phiên đấu thầu. Điều đáng nói, chỉ có 2 đơn vị trúng thấu với khối lượng 2.000 lượng, giá trúng thầu bằng mức giá sàn mà Ngân hàng Nhà nước đưa ra. Mỗi đơn vị trúng thầu 1.000 lượng. Như vậy, ở phiên đấu thầu đầu tiên này Ngân hàng Nhà nước "ế" 24.000 lượng vàng.

Nhiều công ty vàng thời điểm đó giải thích lý do không tham gia đấu thầu là vì mức giá sàn mà Ngân hàng Nhà nước đưa ra quá cao, chưa hợp lý, trái hẳn với dự đoán của doanh nghiệp.

Khảo sát lúc 7h30 sáng nay, giá vàng trong nước đứng phiên so với hôm qua. Giá vàng SJC đã thu hẹp chênh lệnh với thế giới trước khi Ngân hàng Nhà nước mở phiên đấu thầu 16.800 lượng vàng miếng SJC vào hôm nay.

Cụ thể, giá vàng miếng SJC tại trên thị trường đứng quanh mức 82 – 84 triệu đồng/lượng (mua – bán), đi ngang cả chiều mua và chiều bán so với chốt phiên trước đó. Chênh lệch mua – bán ở mức 2 triệu đồng/lượng.

Giá vàng SJC tại Tập đoàn Doji trên thị trường Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, mua - bán quanh mức 81,65 – 83,65 triệu đồng/lượng, đi ngang chiều mua và tăng 200.000 đồng/lượng chiều bán so với chốt phiên trước đó. Chênh lệch mua – bán ở mức 2 triệu đồng/lượng.

Giá vàng SJC tại Công ty Bảo Tín Minh Châu đứng tại mức 81,9 – 83,9 triệu đồng/lượng, giảm 250.000 đồng/lượng chiều mua và giảm 200.000 đồng/lượng chiều bán so với chốt phiên trước đó. Chênh lệch mua – bán ở mức 2 triệu đồng/lượng.