Cải hoán nâng công suất, đóng phương tiện "khủng"
Quảng Ngãi hiện là 1 trong những tỉnh thành ven biển có số lượng tàu thuyền thuộc hàng "nhất, nhì" trong nước, với khoảng 4.300 chiếc/tổng công suất gần 1,8 triệu CV. Trong số phương tiện đánh bắt nêu trên, riêng đội tàu có chiều dài từ 15m trở lên (khai thác xa bờ) trên 3.120 chiếc.
Cơ cấu phương thức khai thác thủy sản chủ yếu gồm các nghề lưới kéo, lưới rê, lưới vây, câu, với lực lượng lao động khoảng 38.000 người; sản lượng thủy sản khai thác trong những năm gần đây dao động khoảng 250.000 tấn/năm.
Cùng với những yếu tố khách quan khác như "may mắn", gặp luồng… con số về kết quả khai thác hải sản hàng năm nêu trên của ngư dân Quảng Ngãi là minh chứng rõ nét nhất cho hiệu quả của việc đầu tư đóng mới, cải hoán nâng công suất phương tiện; đầu tư mua sắm, lắp đặt thiết bị hiện đại của ngư dân tỉnh này.
Lão ngư Huỳnh Tín (75 tuổi), ở phường Phổ Thạnh, TX.Đức Phổ nhớ lại, nhiều năm trước đó, cũng như các địa phương ven biển khác của tỉnh, do điều kiện thiên nhiên thuận lợi, lượng hải sản còn nhiều nên khu vực khai thác chủ yếu khá gần bờ, vùng lộng (cách bờ dao động hơn 100 hải lý).
Vì vậy đối với phương tiện, kích cỡ và công suất tàu mà ngư dân đầu tư đóng mới, hay khi cải hoán nâng cấp tính bằng con số gần trăm, hoặc 1 vài trăm CV; còn việc chủ tàu nào đầu tư mua thiết bị máy dò, máy quét trị giá hàng trăm triệu đồng, chưa nói đến tiền tỷ đã là chuyện hiếm.
Tuy nhiên thời gian gần đây, cùng với những yêu cầu và quy định pháp luật trong quá trình thực hiện khai thác ngày nghiêm ngặt hơn thì nguồn hải sản ở vùng biển gần ngày càng cạn kiệt.
Để nâng hiệu quả của mỗi chuyến ra khơi, đòi hỏi ngư dân, chủ tàu phải đầu tư phương tiện công suất lớn, kích thước khủng; đồng thời phải được lắp đặt thiết bị hiện đại, tiên tiến để phục vụ đánh bắt đạt hiệu quả.
Cho nên hình ảnh những con tàu cải hoán, được đóng mới to "lừng lững" dài hàng chục, nhiều chục mét với công suất lên đến 400-600 CV, thậm chí ngót nghét gần cả ngàn CV đã là chuyện bình thường.
Ngư dân Lê Tân, chủ một đôi tàu cá có công suất hơn 800CV, ở phường Phổ Thạnh, TX.Đức Phổ cho biết, chưa tính đến một vật liệu đã chuẩn bị sẵn trước đó, cách đây khoảng hơn 1,5 năm, để đóng mới đôi tàu của gia đình, ngư dân Tân đã chi số tiền hơn 6 tỷ đồng.
Không riêng gì anh Tân, theo thống kê của chính quyền phường Phổ Thạnh đến thời điểm này, trong tổng số 1.200 tàu cá của địa phương, số tham gia đánh bắt xa bờ ước chiếm khoảng 2/3 tổng phương tiện. Vụ mùa đánh bắt năm 2024, phường Phổ Thạnh đặt chỉ tiêu khai thác trên 65.000 tấn hải sản các loại.
Đầu tư nhiều tỷ lắp đặt thiết bị hiện đại
Cùng với cải hoán nâng công suất, đóng tàu to và lắp máy lớn để vươn ra khơi xa, những năm qua ngư dân trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi còn đầu tư hàng tỉ đồng, để mua sắm và lặp đặt nhiều loại thiết bị hiện đại, phục vụ cho hoạt động khai thác hải sản, nâng hiệu quả kinh tế cho mỗi chuyến ra khơi.
Ngư dân Đỗ Tấn Vương, ở Tịnh Kỳ, TP.Quảng Ngãi, thuyền trưởng tàu cá mang số hiệu QNg 91789 Ts cho biết từ trước đến giờ, tàu của gia đình đánh bắt bằng nghề lưới rê.
Thế nhưng một thời gian dài trước đó, dù đã rất cố gắng nhưng do thiết bị đầu tư lắp đặt chỉ là loại bình thường nên hiệu quả của những chuyến ra khơi rất thấp, không ít thời điểm thua lỗ liên miên.
Vì vậy qua nhiều lần suy nghĩ, thuyền trưởng Vương nhận ra, sắm tàu to nhưng thiết bị lạc hậu thì lợi nhuận mang về của mỗi chuyến ra khơi không thể nào cao được. Sau khi bàn bạc với người thân, cách đây hơn 2 năm, thuyền trưởng Vương quyết định chọn và đầu tư lắp đặt máy siêu dò, với trị giá gần 10 tỷ đồng.
Tại thời điểm trên và cho đến bây giờ, thuyền trưởng Vương cho biết, thiết bị máy dò này vẫn là loại "đỉnh" và hiện đại thuộc hàng nhất nhì trong các loại máy dò mà ngư dân trong nước đang dùng.
Không như thiết bị cùng loại có trị giá vài trăm triệu mà nhiều tàu cá đang dùng, tính năng máy dò tiền "chục tỷ" của thuyền trưởng Vương vượt trội gấp nhiều lần, như phát hiện vị trí luồng cá cách xa con tàu lên đến gần 5.000 mét; đồng thời hiển thị thông tin khá chuẩn về trữ lượng và chủng loại của luồng cá; dòng chảy các tầng nước tại khu vực được phát hiện . . .
Với chiếc máy dò hiện đại được lắp đặt nêu trên, theo thuyền trưởng Vương, đã giúp cho hiệu quả trong việc tìm, đánh bắt hải sản trên biển cao hơn gấp 10 lần so với loại thiết bị cùng loại bình thường.
Trong điều kiện đánh bắt ở ngư trường xa như hiện nay, nhiều ngư dân Quảng Ngãi thừa nhận, nếu vẫn đưa tàu ra khơi và đánh bắt theo tư duy cũ; dựa vào kinh nghiệm và đoán mà không đầu tư để lắp đặt trang thiết bị tiên tiến, hiện đại thì cầm chắc thua lỗ, phá sản….
Cũng vì suy nghĩ như vậy cho nên ngư dân Phạm Thắng, thuyền trưởng tàu cá QNg 91757 Ts cho biết, với thiết bị máy dò, máy quét đã lắp đặt trị giá gần 3 tỷ đồng hiện có, dù mỗi chuyến ra khơi thuyền viên đều được chia cảvchục triệu đồng/chuyến/người nhưng thuyền trưởng Thắng không giấu giếm ý định tích luỹ và chọn thời điểm thích hợp để thay đổi thiết bị mới và hiện đại hơn, với trị giá khoảng 5 tỷ đồng.
Cùng với cải hoán, đầu tư đóng mới kích cỡ phương tiện to, lắp máy "khoẻ", sự hỗ trợ của các trang thiết bị máy dò, máy quét hiện đại đã nâng cao hiệu quả kinh tế trong mỗi chuyến ra khơi, khuyến khích nhiều ngư dân đánh bắt xa bờ ở Quảng Ngãi đầu tư lắp đặt.
Thắt chặt việc tuân thủ quy định, đưa sự chuyên nghiệp vào nguồn
Song song với khuyến khích, tạo điều kiện, hỗ trợ cho các chủ tàu thuyền cải hoán nâng công suất phương tiện, đóng mới tàu có công suất lớn…công tác chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (chống khai thác IUU) trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi cũng đã được các cấp, ngành chức năng và địa phương thực hiện tích cực, nghiêm khắc.
Cùng với đa dạng hoá hình thức, tăng cường tuyên truyền cho ngư dân nghiêm túc chấp hành các quy định pháp luật trong quá trình hành nghề khai thác trên biển, công tác giám sát của lực lượng chức năng ngày càng được siết chặt.
Theo đó những trường hợp cố tình vi phạm, tái phạm đã bị cơ quan thẩm quyền xử lý nặng, đơn cử là trường hợp 2 chủ 2 tàu cá QNg 92626 TS và QNg 92627 TS, ở xã Nghĩa An, TP.Quảng Ngãi, đã bị xử phạt tổng số tiền hơn 3,1 tỷ đồng vào tháng 11/2023 vừa qua.
Cụ thể, đối với chủ tàu cá QNg 92627 TS bị xử phạt hơn 2,2 tỷ đồng, vì 6 vi phạm sử dụng tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 24m trở lên, không có giấy phép khai thác thủy sản trong vùng biển Việt Nam; không ghi nhật ký khai thác thủy sản; chủ tàu cá không mua bảo hiểm thuyền viên; không có sổ danh bạ thuyền viên…
Chủ tàu cá QNg 92626TS bị xử phạt 866 triệu đồng, do 7 vi phạm không có nhật ký khai thác thủy sản; giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật tàu cá hết hạn; chủ tàu cá không mua bảo hiểm thuyền viên; không có sổ danh bạ thuyền viên; thuyền trưởng không có văn bằng hoặc chứng chỉ theo quy định…
Nhờ sự nỗ lực nêu trên từ các cấp ngành chức năng của tỉnh, hoạt động khai thác hải sản trên biển của tàu cá đánh xa bờ ở Quảng Ngãi đã đạt nhiều kết quả, tính chuyên nghiệp ngày càng tăng. Một trong những kết quả nổi bật đó là thực hiện lắp đặt thiết bị giám sát hành trình.
Theo đại diện Sở NNPTNT tỉnh, đến thời điểm này, Quảng Ngãi là 1 trong những địa phương nằm "tốp đầu" thực hiện lắp đặt thiết bị giám sát hành trình cho tàu cá trong số các tỉnh, thành ven biển của cả nước, với số lượng gần 3.000 chiếc, chiếm tỷ lệ hơn 99%.