Tại tọa đàm kinh tế Việt Nam và Thế giới với chủ đề "Nhận diện kinh tế quý I/2024: Mở lối cho kinh tế cả năm" diễn ra mới đây, giới chuyên gia Việt Nam và quốc tế chia sẻ nhiều thông tin về tình hình kinh tế Việt Nam trong 3 tháng đầu năm. Đồng thời, gợi mở chính sách, hướng phù hợp cho Việt Nam trong bối cảnh khó khăn, thách thức đang diễn ra ngày càng lớn trên toàn cầu.
Theo ông Nguyễn Vũ Michael, CEO Boeing Việt Nam, trong năm 2023 và 2024 có hai chuyến viếng thăm lớn của hơn 50 doanh nghiệp, đại doanh nghiệp của Mỹ sang Việt Nam để thăm dò và tìm hiểu cơ hội đầu tư, hợp tác tại Việt Nam.
Đây là điểm nhấn, dấu ấn lớn về ngoại giao kinh tế và sức hút của Việt Nam trong mắt các nhà đầu tư lớn của Mỹ, đại doanh nghiệp. Điều đọng lại của họ là cảm nhận thấy những thay đổi đáng kể của đất nước, tuy nhiên những chuyến viếng thăm mới chỉ dừng lại, chưa có nhiều thay đổi, chuyển biến lớn.
Ông Nguyễn Vũ Michael cho rằng, cơ hội hợp tác và đầu tư giữa doanh nghiệp Mỹ và Việt Nam sáng sủa khi Việt Nam và Mỹ nâng cấp quan hệ lên mức cao nhất: Đối tác Chiến lược toàn diện. Tuy nhiên, để hiện thực hóa nó là chặng đường dài, doanh nghiệp Mỹ mới chỉ sang Việt Nam để tìm hiểu cơ hội hợp tác và Việt Nam cần tận dụng cơ hội để bắt tay, cùng hợp tác với doanh nghiệp Mỹ.
Ông Nguyễn Vũ Michael trăn trở khi họ đến và đi mà chưa có nhiều thỏa thuận hợp tác cụ thể cho chặng đường phía trước.
Đại diện Boeing tại Việt Nam cho rằng, các phái đoàn doanh nghiệp Mỹ sang Việt Nam tháng 3/2024 vừa qua là phái đoàn doanh nghiệp lớn nhất của Mỹ tới Việt Nam kể từ khi hai nước nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện.
"Các chuyên gia bên Mỹ nhận định Việt Nam có khoảng 2 năm để nắm bắt cơ hội từ dấu ấn ngoại giao tốt đẹp giữa hai quốc gia. Vì vậy, cần phải nhanh hơn nữa trong nắm bắt cơ hội vì thời gian còn lại không nhiều, Nguyễn Vũ Michael nói.
Đại diện Boeing Việt Nam cho rằng, các doanh nghiệp Mỹ không nhất thiết phải làm việc với doanh nghiệp lớn của Việt Nam mà họ có thể làm việc và hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa để nắm bắt cơ hội, trở thành đối tác với các tập đoàn đa quốc gia.
"Chúng tôi mở rộng chuỗi cung ứng tại Việt Nam và không quan trọng đối tác là FDI hay doanh nghiệp nội địa, quan trọng là làm sao đào tạo nguồn nhân lực Việt Nam mạnh hơn", CEO Boeing Việt Nam nói.
Cũng tại Tọa đàm, TS Nguyễn Đình Cung, chuyên gia kinh tế, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) lo ngại một số yếu tố bất định trong nội tại nền kinh tế đặc biệt là chi phí tiền lương, nguyên liệu đều gia tăng nhưng giá bán hàng không tăng.
Đặc biệt là đầu tư xã hội vẫn chưa quay lại, đầu tư tư nhân chỉ bằng 1/3-1/4 của thời kỳ trước: "Đầu tư nước ngoài cao nhất 38 tỷ USD vào năm 2019, nhưng năm 2023 chỉ 36 tỷ USD, tôi tin rằng vượt con số này không phải đơn giản", ông Cung nêu.
Theo TS Cung, muốn thay đổi nền kinh tế, phát triển đột phá thì từ năm nay đến 2030 phải tăng trưởng ít nhất bình quân 8%/năm, điều mà nền kinh tế Việt Nam chưa bao giờ đạt được.
"Trước không đạt được thì giờ càng khó đạt được. Vì vậy, muốn có được phải có một cải cách, thay đổi toàn diện thể chế kinh tế chứ không thể "cơi nới" như hiện nay", ông Cung nói.
Vị chuyên gia khẳng định, việc sửa chữa, "cơi nơi" nhiều chính sách lớn từ tín dụng, đất đai... từ cấp Thông tư, Nghị định đến các đạo thể hiện sự yếu kém về tầm nhìn pháp luật, hay sự thất bại của thể chế kinh tế chứ không phải cải cách.