Bí mật ít biết vụ ném bom nguyên tử ở Nagasaki năm 1945
Thành phố Nagasaki của Nhật Bản bị ném bom nguyên tử ngày 9/8/1945 đã trở thành một sự kiện quan trọng trong Thế chiến 2. Sự việc này ẩn chứa nhiều sự thật hãi hùng khiến công chúng không khỏi bàng hoàng, khiếp sợ.
Vào ngày 9/8/1945, máy bay B-29 của Mỹ ném quả bom nguyên tử thứ hai xuống thành phố Nagasaki của Nhật Bản khiến khoảng 70.000 người thiệt mạng ngay lập tức. Thế nhưng, ít ai biết được rằng Nagasaki không phải là điểm đến ban đầu.
Trên thực tế, theo kế hoạch ban đầu, máy bay B-29 mang theo quả bom hạt nhân "Fat Man" có sức công phá tới 21 kiloton hướng tới thành phố Kokura của Nhật Bản.
"Fat Man" mang lõi khoảng 6,4 kg plutonium. Nó được thả xuống vào lúc 11h1 phút và phát nổ 47 giây sau ở độ cao 436m so với mặt đất.
Do thời tiết xấu nên tổ bay từ bỏ mục tiêu ban đầu và chuyển hướng máy bay B-29 sang ném bom thành phố Nagasaki.
Vì vậy, Nagasaki trong nháy mắt trở thành "vùng đất chết chóc" với con số thương vong lớn cũng như nhiều nhà cửa, xe cộ, đường xá... bị phá hủy.
Nhiều người may mắn sống sót sau khi Nagasaki bị ném bom hạt nhân bị suy giảm sức khỏe trầm trọng với ký ức kinh hoàng ám ảnh suốt phần đời còn lại.
Thậm chí, các chuyên gia cho rằng, thương vong ở Nagasaki có thể khủng khiếp hơn nhiều nếu như thời tiết nhiều mây mù không khiến tổ bay B-29 thả bom hạt nhân chệch khỏi khu vực trung tâm đông dân của thành phố này.
5 ngày sau khi quả bom nguyên tử "Fat Man" được thả xuống Nagasaki, Nhật hoàng Hirohito tuyên bố đầu hàng quân đồng minh vô điều kiện. Theo đó, Chiến tranh thế giới 2 đi đến hồi kết.
Sau khi Nhật Bản bị ném bom nguyên tử, chính quyền Mỹ cho hay việc sử dụng vũ khí nguy hiểm này là cần thiết để kết thúc Chiến tranh thế giới 2 cũng như cứu hàng triệu người trên thế giới.
Thế nhưng, một số chuyên gia, nhà nghiên cứu cho rằng, trước khi bị ném bom hạt nhân, Nhật Bản đã sẵn sàng đầu hàng quân đồng minh. Dù biết điều này, Mỹ vẫn quyết định sử dụng bom hạt nhân nhằm phô trương sức mạnh quân sự. Đây chỉ là giả thuyết chưa được chứng minh nhưng nó vẫn khiến nhiều người quan tâm, thảo luận.