Chiến tranh Pháp - Thanh: Tổn thất 100 triệu lạng bạc, phải bồi thường Pháp 20 triệu lạng bạc

PV Thứ năm, ngày 22/02/2024 10:33 AM (GMT+7)
Kết thúc chiến tranh Pháp - Thanh, nhà Thanh không những bị tổn hại uy tín, tổn thất hạm đội Phúc Kiến, để cảng Phúc Châu bị phá hủy, mà còn kéo theo tổn thất về kinh tế nặng nề lên tới 100 triệu lạng bạc và phải bồi thường Pháp chiến phí 20 triệu lạng bạc.
Bình luận 0

Chiến tranh Pháp - Thanh

Với việc Hồng Kông rơi vào tay người Anh từ sau Chiến tranh nha phiến, con đường giao thương mà Pháp lựa chọn là thông qua phía bắc Việt Nam đến các tỉnh phía tây nam Trung Quốc. Nhưng Trung Quốc thời nhà Thanh không chịu từ bỏ quyền kiểm soát và chi phối Việt Nam. Căng thẳng Pháp-Thanh đẩy lên cao trào sau khi quân Thanh đánh úp lực lượng Pháp trong trận Bắc Lệ, cách Lạng Sơn gần 30 km vào tháng 6/1884.

Sau hai thất bại trong 2 cuộc Chiến tranh nha phiến, triều đình nhà Thanh dưới thời Từ Hi Thái Hậu bắt đầu quan tâm tới việc hiện đại hóa quân sự. Nhà Thanh khi đó sở hữu hạm đội Nam Dương với quy mô khá hùng hậu nhất. Lực lượng chủ lực của hạm đội được đặt ở Thượng Hải, trong đó tàu tuần dương Kaiji được đánh giá mạnh nhất trong khu vực. Tổng cộng cả hạm đội có 20 tàu chiến, trong đó có 5 tàu vỏ sắt và 2 tàu vỏ thép lượng giãn nước 2.200 tấn. Thiết giáp hạm Jinou trong hạm đội còn được châu Âu gọi là "cơn ác mộng". Đến tháng 7/1884, hạm đội Nam Dương được bổ sung thêm hai tàu tuần dương vỏ thép do Đức đóng mới, khởi hành từ Đức vào tháng 3/1884.

Chiến tranh Pháp - Thanh: Tổn thất 100 triệu lạng bạc, phải bồi thường Pháp 20 triệu lạng bạc - Ảnh 1.

Quân Thanh do Phùng Tử Tài chỉ huy phản công chiếm ải Nam Quan. Ảnh tư liệu.

Tháng 8/1884, hạm đội hùng hậu của Pháp bao gồm 7 tàu chiến và 2 tàu phóng lôi nổ súng tấn công các tàu Trung Quốc cách Phúc Châu vài km. Trận đánh diễn ra chỉ vỏn vẹn 30 phút, các tàu chiến Pháp đánh chìm 9 tàu chiến của nhà Thanh, bao gồm cả tàu được vũ trang hạng nặng.

Ngày hôm sau, tàu chiến Pháp pháo kích và phá hủy công xưởng quân Thanh. Tới ngày 25 tháng 8, hạm đội Pháp hướng ra biển, trên đường đi họ bắn phá và dễ dàng tiêu diệt tất cả các pháo lũy của nhà Thanh bố trí dọc theo bờ sông. Trong suốt quãng thời gian diễn ra chiến dịch, hải quân Pháp chỉ để một tàu tuần dương ở ngoài khơi Thượng Hải, giám sát hoạt động của hạm đội Nam Dương. Trên thực tế, hạm đội mạnh nhất của nhà Thanh khi đó án binh bất động, thậm chí không chặn đường tàu tuần dương Pháp khi nó rút khỏi khu vực.

Sau trận Phúc Châu, hải quân Pháp tiếp tục tiến lên phía bắc, phong tỏa eo biển Đài Loan. Để phá vòng vây của quân Pháp, nhà Thanh điều hạm đội Nam Dương khởi hành từ Thượng Hải. Nhưng vì mâu thuẫn nội bộ trong chính quyền Thanh Triều mà lực lượng chặn đánh hải quân Pháp chỉ có 5 tàu chiến, bao gồm 3 tàu tuần dương. Tới mãi tận giữa tháng 2 năm 1885, hạm đội quân Thanh mới đến vịnh Thạch Phổ và chạm trán hạm đội Pháp. Hạm đội Pháp với ưu thế vượt trội về hỏa lực khiến các tàu chiến quân Thanh rút lui. Hai tàu nhỏ hơn không chạy kịp bị tàu chiến Pháp đánh chìm. 3 tàu tuần dương còn lại chạy về được đến Ninh Ba, tỉnh Chiết Giang thì bị hải quân Pháp phong tỏa và không có bất kỳ một đóng góp quân sự gì cho tới khi chiến tranh kết thúc. Trận đánh này cũng kết thúc xung đột Pháp-Thanh trên biển.

Tuy thất bại trên biển, nhưng trên bộ, quân Thanh giành được một chiến thắng lớn ở Trận Lạng Sơn (1885). Quân Thanh dưới sự lãnh đạo của vị tướng dũng cảm, giàu kinh nghiệm là Phùng Tử Tài đã đánh thắng quân Pháp. Trong trận Lạng Sơn, Phùng Tử Tài dẫn đầu quân lính giết được nhiều quân địch, trải qua cuộc chiến đấu ác liệt, giành đại thắng ở trấn Nam Quan, thừa thắng đánh Lạng Sơn, tình thế cuộc đấu tranh chống Pháp có nhiều thuận lợi. 

Dọc đường chạy tháo thân, quân Pháp đã vứt cả súng đại bác, hòm đạn, quẳng cả đồ đạc, hành lý xuống sông, đốt giấy tờ sổ sách, đập vỡ cả máy điện tín. Thanh Sử Cảo quyển 527 chép: "Ngày 9 tháng 1 năm Quang Tự thứ 11 (1885), quân Pháp đánh Trấn Nam quan, bắn vỡ cửa quan rồi đi. Ngày 13 tháng 2 chiếm lại Lạng Sơn, quân Pháp đều tháo chạy. Phùng Tử Tài tiến quân đánh Lạp Mộc, đánh ép vào Lang Giáp, Vương Hiếu Kỳ tiến quân tới Quý Môn quan, đánh cho quân Pháp tháo chạy ồ ạt.

Quân Pháp đại bại khiến Chính phủ Jules Ferry ở Paris bị đổ, nhưng cuối cùng triều Thanh bạc nhược đã ký kết hiệp ước nhằm chấm dứt chiến tranh. Kể từ ngày 9 tháng 6 năm 1885 (ngày ký Hiệp ước Thiên Tân mới), nhà Thanh chính thức thừa nhận quyền đô hộ của thực dân Pháp ở Việt Nam. Nhà Thanh không những bị tổn hại uy tín, tổn thất hạm đội Phúc Kiến, để cảng Phúc Châu bị phá hủy, kéo theo tổn thất về kinh tế nặng nề lên tới 100 triệu lạng bạc và phải bồi thường Pháp chiến phí 20 triệu lạng bạc. Vậy là nhà Thanh đang trên đà thắng bỗng nhiên phải chịu thua thiệt.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem