Theo đó, ĐHĐCĐ TPBank 2024 đã thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2024 với mục tiêu kinh doanh theo hướng đa dạng nguồn thu, nâng cao chất lượng tài sản, nhằm đưa lợi nhuận trước thuế riêng lẻ đạt 7.500 tỷ đồng, tăng 34% so với năm trước.
Để đạt được mục tiêu trên, tổng tài sản dự kiến tăng 9,36% lên 390.000 tỷ đồng. Dư nợ cho vay tăng 15,75% lên 251.821 tỷ đồng, huy động vốn tăng 3,31% lên 327.000 tỷ đồng.
Với gia tốc và năng lực đáp ứng khách hàng trên nền tảng số, TPBank cũng đặt mục tiêu tăng trưởng mạnh cơ sở khách hàng, đạt mốc 15 triệu trong năm 2024.
Hiện thực hóa mục tiêu 2024, ngay tại báo cáo tài chính quý I/2024, kết quả kinh doanh của TPBank đạt hơn 1.800 tỷ đồng, tăng 5,5% so với cùng kỳ năm trước. Tổng thu nhập hoạt động tăng 28% so với cùng kỳ năm 2023, đạt gần 4.700 tỷ đồng.
Chia sẻ với cổ đông tại đại hội về kết quả kinh doanh, ông Nguyễn Hưng, Tổng Giám đốc TPBank cho biết, TPBank gần như đã chốt hết những gánh nặng trong năm 2023 khi tập trung tăng cường trích lập dự phòng. Như vậy, sang năm nay 2024, những gánh nặng này sẽ không còn ảnh hưởng đến kết quả lợi nhuận của ngân hàng.
"Mục tiêu lợi nhuận năm 2024 đến thời điểm này khá khả quan. Trong 3 tháng đầu năm, lợi nhuận TPBank đạt 1.829 tỷ đồng và dự kiến hết tháng 4 đạt hơn 2.500 tỷ. Tỷ lệ nợ xấu cũng đang giảm dần", ông Hưng nói.
Năm nay, TPBank đặt mục tiêu tỷ lệ nợ xấu dưới 2,5%. Tuy nhiên theo ông Nguyễn Hưng đây là mục tiêu thận trọng, ngân hàng sẽ cố gắng đảm bảo dưới 2% vì nợ xấu thấp, dự phòng thấp sẽ giúp ngân hàng đảm bảo lợi nhuận. Dự kiến trích lập dự phòng rủi ro năm 2024 quanh mức 2.000 tỷ đồng.
Một trong những điểm đáng chú ý và bất ngờ tại ĐHĐCĐ của TPBank là việc thông qua phương án chi trả cổ tức năm 2023 (thực hiện trong năm 2024) với tỷ lệ 25% bằng tiền mặt và cổ phiếu. Nguồn chi trả lấy từ lợi nhuận chưa phân phối, sau khi trích lập các quỹ theo Báo cáo tài chính đã kiểm toán. Trong đó, tỷ lệ chia cổ tức bằng tiền mặt là 5% và 20% bằng cổ phiếu.
Trước câu hỏi của cổ đông về việc vì sao ban điều hành TPBank "bất ngờ" đưa ra kế hoạch chi cổ tức 25% bằng tiền và cổ phiếu, trong khi đó tại tài liệu gửi tới cổ đông trước đó không đề cập tới vấn đề này, Chủ tịch HĐQT Đỗ Minh Phú cho biết, trước khi lập tài liệu ĐHĐCĐ này thì ban điều hành TPBank chưa có quan điểm chia cổ tức bằng tiền mặt.
Tuy nhiên, sau khi xem xét tổng thể toàn diện, HĐQT cố gắng đi đến mục tiêu, mỗi một năm, bắt đầu từ năm 2023, TPBank cố gắng sau khi chia lợi nhuận mà ngân hàng có cho các cổ đông, không thuần túy hoàn toàn bằng cổ phiếu như 14 năm trước đây.
"Năm 2023, cổ tức của TPBank chia với tỷ lệ khá cao. Chúng tôi muốn phấn đấu từ năm 2024, các cổ đông được chia cổ phiếu thưởng và đồng thời phải có cổ tức bằng tiền mặt. Chính vì vậy, sau khi có phiên họp xem xét đánh giá toàn diện và trong phiên họp ngày hôm qua, HĐQT đã quyết định bổ sung phương án cổ tức như trình đại hội ngày hôm nay. Chúng tôi cho rằng, đã có 20% cổ phiếu thưởng, nếu có thêm 5% cổ phiếu bằng tiền mặt, cũng là sự khích lệ và tiền tươi thóc thật các cổ đông cũng phấn khởi hơn", Chủ tịch HĐQT TPBank lý giải.
Ông Phú cũng cho hay, bắt đầu từ năm tiếp theo, TPBank cố gắng đi theo hướng, một phần cổ tức bằng tiền mặt và một phần cổ tức bằng cổ phiếu. Tỷ lệ cụ thể bao nhiêu, thời điểm nào sẽ do đại hội đồng cổ đông quyết định.
Tại phần thảo luận, cổ đông TPBank cũng bày tỏ quan tâm liên quan dư nợ nhóm khách hàng Novaland và Hưng Thịnh tại ngân hàng là bao nhiêu?. Chất lượng nợ vay và tài sản đảm bảo của khoản vay là gì?
Chủ tịch Đỗ Minh Phúc cho biết, hiện dư nợ của nhóm khách hàng này là không lớn.
Làm rõ thêm, CEO TPBank nêu rõ: Khách hàng Novaland có khoản trái phiếu và một khoản nợ vay vào các dự án tương đối tốt (Như dự án Manhattan), dự án có khả năng thu hồi nợ cao. Còn lại chủ yếu là khoản vay cá nhân mua dự án, tổng số khách hàng cá nhân vay mua dự án Novaland khoảng trên dưới 3.000 tỷ.
"Chúng tôi đang phối hợp với Novaland, thậm chí đang xem xét tài trợ thêm để Novaland có thể tiếp tục triển khai thêm các dự án đang dang dở, tiếp tục bán các căn hộ còn lại hoặc hoàn thiện các căn để bàn giao cho khách hàng. Nói chung các khoản nợ này chưa có rủi ro với TPBank", ông Hưng thông tin.
Về dư nợ nhóm Hưng Thịnh, Tổng Giám đốc TPBank cho biết, ngân hàng đã xử lý xong, các khoản nợ lớn được các đối tác khác của Hưng Thịnh mua lại.
"Cho đến giờ, chúng tôi cũng thấy hơi tiếc. Lúc khách hàng không trả được nợ thì lo nhưng lúc khách hàng trả xong nợ thị tiếc. Tuy nhiên, đây cũng việc cơ hội cho khách hàng và đối tác của mình", ông nói thêm.