Dân Việt

Nóng: Lo thiếu điện, Bộ Công Thương huy động thêm hàng tỷ kWh điện trước... "giờ G"

An Linh 23/04/2024 16:44 GMT+7
Trong Quyết định số 924/QĐ-BCT về kế hoạch cung ứng điện năm 2024 và các tháng cao điểm từ tháng 4 đến tháng 7/2024 vừa được Bộ trưởng Bộ Công Thương ký ban hành, tổng nguồn điện đã tăng hơn 4,3 tỷ kWh so với kế hoạch đặt ra trước đó.

Tăng phát điện, tăng nhập khẩu điện trước nguy cơ thiếu điện

Đáng chú ý, đánh giá trên dữ liệu đầu vào nhu cầu điện tăng mạnh, trước lo ngại sản lượng điện tăng lên khi mùa nắng nóng cận kề, nguy cơ thiếu điện miền Bắc là hiện hữu, Bộ Công Thương đã điều chỉnh tổng điện năng sản xuất của các nhà máy điện và nhập khẩu của toàn quốc năm 2024 lên 310,6 tỷ kWh, tăng hơn 4,3 tỷ kWh điện/năm so với kế hoạch được đưa ra tại Quyết định số 3110/QĐ- BCT.

Trong đó tổng lượng điện mùa khô là 150,916 tỷ kWh, tăng 2,4 tỷ kWh điện và mùa mưa là 159,684 tỷ kWh, tăng 2 tỷ kWh điện so với Quyết định 3110/QĐ-BCT.

Nóng: Lo thiếu điện, Bộ Công Thương huy động thêm hàng tỷ kWh điện trước... "giờ G"- Ảnh 1.

Bộ Công Thương điều chỉnh kế hoạch cung ứng điện trước lo ngại thiếu điện có thể lặp lại trong năm 2024 (Ảnh: EVN).

Theo Bộ Công Thương, trong quý I năm 2024, nền kinh tế có dấu hiệu phục hồi mạnh dẫn đến nhu cầu phụ tải điện tăng cao. Số liệu của EVN cho biết, tổng sản lượng điện thương phẩm toàn EVN đạt 62,66 tỷ kWh trong quý I, tăng trưởng 11,42% so với cùng kỳ 2023.

Trong đó, hàng loạt công ty điện lực lớn có mức tăng trưởng cao và rất cao trên 2 con số. Cụ thể, Công ty điện lực thành phố Hồ Chí Minh tăng 12,80%, Công ty Điện lực thành phố Hà Nội tăng 10,64%, Công ty Điện lực miền Bắc tăng 9,87%, Công ty Điện lực miền Nam tăng 13,02%, Công ty Điện lực miền Trung tăng 13,11%.

Một số tỉnh thành phố điện cấp cho công nghiệp tăng cao như: Quảng Ninh (tăng khoảng 44,65%), Tây Ninh (tăng khoảng 27,09%), Bình Định (tăng khoảng 24,28%).... Điện cấp cho kinh doanh dịch vụ cũng có mức tăng trưởng cao ở một số địa phương như: Khánh Hoà (38,87%), Quảng Nam (33,11%), Đà Nẵng (28,5%), Kiên Giang (23,89%)…

Bộ Công Thương khẳng định, báo cáo tình hình kinh tế-xã hội quý I năm 2024 của Tổng cục Thống kê cho thấy, điện cho quản lý tiêu dùng có xu hướng tăng cao với mức tăng trưởng khoảng 13,71% với nguyên nhân chủ yếu do nắng nóng từ đầu tháng 3 và kéo dài.

Trước đó, năm 2023, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ban hành Kế hoạch cung cấp điện và vận hành hệ thống điện quốc gia năm 2024 (Quyết định 3110/QĐ-BCT), trong đó có kế hoạch cung ứng điện các tháng cao điểm mùa khô (các tháng 4, 5, 6, 7) trong năm 2024.

Tuy nhiên, để bám sát tình hình thực tiễn, trên cơ sở báo cáo cập nhật của EVN, ngày 19 tháng 4 năm 2024, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 924/QĐ-BCT phê duyệt điều chỉnh Kế hoạch cung cấp điện và vận hành hệ thống điện quốc gia năm 2024 và Kế hoạch cung ứng điện các tháng cao điểm mùa khô (các tháng 4, 5, 6, 7) trong năm 2024.

Về điện dự phòng, tại Quyết định số 924/QĐ-BCT, Bộ Công Thương đã điều chỉnh điện dự phòng năm 2024 và mùa khô (tháng 4 đến tháng 7/2024) lên 111,468 tỷ kWh (tăng 2,3 tỷ kWh/năm so với kế hoạch dự phòng trước đó tại Quyết định 3376/QĐ-BCT).

Theo Bộ Công Thương, quan điểm chỉ đạo của Bộ Công Thương xuyên suốt trong công tác đảm bảo cung ứng điện giai đoạn cao điểm mùa khô năm 2024 là yêu cầu các đơn vị xây dựng kế hoạch cung cấp điện, cung cấp nhiên liệu (than, khí, dầu) chủ động, có dự phòng ứng phó với các tình huống cực đoan có thể xảy ra, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng đứt gãy nguồn cung năng lượng do nguyên nhân chủ quan.

Bên cạnh việc tiếp tục yêu cầu các Tập đoàn, Tổng công ty và các đơn vị có liên quan thực hiện nghiêm các nhiệm vụ được giao từ đầu năm, Bộ Công Thương đã và đang chỉ đạo các đơn vị tập trung thực hiện các giải pháp đảm bảo cung ứng điện cho giai đoạn cao điểm mùa khô cũng như các tháng còn lại trong năm 2024 cụ thể như sau:

Đối với EVN: Bộ Công Thương yêu cầu doanh nghiệp này công bố cập nhật Kế hoạch cung ứng điện các tháng cao điểm mùa khô và cả năm 2024 cho chủ đầu tư các nhà máy điện và các đơn vị liên quan để các đơn vị chủ động lập kế hoạch chuẩn bị dự phòng phù hợp cho sản xuất điện.

"Hàng tháng (đặc biệt là giai đoạn cao điểm mùa khô), EVN phải thực hiện rà soát, cập nhật số liệu, thực hiện tính toán cập nhật Kế hoạch cung cấp điện và vận hành hệ thống điện quốc gia cho các tháng còn lại trong năm 2024", Bộ trưởng Bộ Công Thương yêu cầu.

Trong trường hợp có biến động lớn về phụ tải hay nguồn điện, EVN phải báo cáo Bộ Công Thương để có điều chỉnh phù hợp. Đặc biệt EVN phải theo dõi, giám sát chặt chẽ công tác vận hành thiết bị của nhà máy điện, không để xảy ra sự cố chủ quan, hạn chế tối đa các sự cố tổ máy.

Đối với PVN, TKV, Tổng công ty Đông Bắc, Bộ Công Thương yêu cầu phối hợp chặt chẽ với các chủ đầu tư nhà máy nhiệt điện đảm bảo cung ứng nhiên liệu (than, khí, dầu) đầy đủ, liên tục, có dự phòng phù hợp cho sản xuất điện.

Trước đó, tại buổi họp với Thường trực Chính phủ tại trụ sở Chính phủ ngày 20/4, Bộ Công Thương cho biết nhu cầu tiêu thụ điện trong thời gian mùa khô (tháng 5 đến tháng 7) được dự báo tăng trưởng rất cao (lên đến 13%, cao hơn nhiều so với kế hoạch khoảng 9,6%), riêng miền Bắc dự kiến tăng kỷ lục 17% so với cùng kỳ năm 2023.

Trong bối cảnh diễn biến thủy văn 3 tháng đầu năm không thuận lợi, để thực hiện mục tiêu tiết kiệm tối đa nước hồ thủy điện, các nguồn nhiệt điện, nhất là nhiệt điện than đã được huy động cao để đáp ứng nhu cầu phụ tải; đồng thời tăng cường truyền tải điện từ miền Nam, miền Trung ra miền Bắc.

Mặc dù nhu cầu điện tăng cao hơn so với dự báo, tuy nhiên, hệ thống điện quốc gia đã đáp ứng nhu cầu sử dụng điện thực tế 3 tháng đầu năm, đặc biệt là các dịp nghỉ Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán Giáp Thìn. Quý I/2024, sản lượng điện luỹ kế đạt 69,34 tỷ kWh, tăng 11,77% so cùng kỳ năm 2023; sản lượng điện bình quân ngày đạt 762 triệu kWh, tăng 10,4% so cùng kỳ năm 2023.