Đây là loài thứ 53 của giống Thạch sùng ngón được ghi nhận ở Việt Nam, lần đầu tiên ghi nhận tại Lào Cai. Các nhà khoa học đặt tên cho loài mới là thằn lằn chân ngón lực, có kích thước khoảng gần 90 mm; trên lưng, gáy và đầu có các đốm nâu sẫm. Phân tích DNA cho thấy loài mới này có ít nhất 9% sự khác biệt di truyền so với các loài thằn lằn chân ngón khác.
Nhóm nghiên cứu tiếp tục đánh giá tình trạng quần thể, ghi nhận bổ sung vùng phân bố của loài này và nghiên cứu về đặc điểm sinh học, sinh thái, để phân hạng trong Sách Đỏ Việt Nam hay Danh mục đỏ thế giới, đề xuất những giải pháp bảo tồn loài một cách hiệu quả.
Chia sẻ trên VnEpress, GS.TS Nguyễn Quảng Trường, đại diện nhóm nghiên cứu cho biết, loài thằn lằn ngón được phát hiện trong quá trình khảo sát thực địa động vật hoang dã tại rừng núi đá vôi của tỉnh Lào Cai. Loài mới được xác định dựa vào những khác biệt về đặc điểm hình thái và di truyền so với các loài khác trong giống Cyrtodactylus ở Việt Nam và trên thế giới.
Ông cho biết, tập tính của các loài thằn lằn chân ngón hoạt động vào ban đêm, thường bám trên vách đá hoặc trên cây. Do đó các nhà khoa học tiến hành chuyến khảo sát vào đêm tối trong rừng để thu thập mẫu vật phục vụ phân tích, nghiên cứu.
Các con thằn lằn chân ngón Luc thường sống ở khu rừng núi đá vôi thứ sinh gồm các loại cây gỗ cứng vừa và nhỏ, xen lẫn với cây bụi và dây leo.