Dân Việt

Sau bánh chưng 7 tấn, xuất hiện chả mực "khủng" ở Hạ Long nặng 200kg

Phạm Hồng Hạnh 23/04/2024 20:34 GMT+7
Thông thường, 1kg chả mực sẽ bao gồm 18 miếng chả mực có trọng lượng khoảng 40-50g/miếng. Vì vậy, việc làm một chiếc chả mực có trọng lượng 200kg, đường kính 2,5m là một thách thức không nhỏ.

Chả mực được xem là "đại sứ ẩm thực" của Quảng Ninh. Vừa qua, một công ty hải sản ở phường Cao Xanh, thành phố Hạ Long, Quảng Ninh gây xôn xao dư luận khi làm chiếc chả mực "khổng lồ" có trọng lượng 200kg, đường kính 2,5m.

Sáng 23/4, chia sẻ với phóng viên, anh Lưu Văn Mạnh (41 tuổi) đại diện công ty nói trên cho hay, chiếc chả mực được làm vào ngày 20/4. Đây là lần làm thử để chuẩn bị cho sự kiện Lễ hội bia và Chả mực Hạ Long (trong khuôn khổ Carnaval Hạ Long 2024) diễn ra trong 5 ngày từ 27/4 đến 1/5 tại Hạ Long.

Sau bánh chưng 7 tấn, xuất hiện chả mực "khủng" ở Hạ Long nặng 200kg- Ảnh 1.

Chiếc chả mực 200kg gây xôn xao dư luận (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

"Vào ngày 27/4, chúng tôi sẽ làm một chiếc tương tự để trưng bày tại Lễ hội bia và Chả mực, đồng thời cùng ban tổ chức lễ hội xác lập kỷ lục chả mực lớn nhất Việt Nam. Vì muốn sản phẩm chả mực làm vào ngày 27/4 thành công và ngon nhất nên chúng tôi đã làm thử trước một lần", anh Mạnh nói.

Theo anh Mạnh, anh nhận ý tưởng làm chiếc chả mực "khổng lồ" này từ Ban tổ chức.

Trước đó, Hải Phòng đã làm chả mực 110kg. Vì vậy, nhân dịp này, anh Mạnh muốn "phá kỷ lục" cũ về chả mực, làm chiếc lớn hơn.

Thông thường, 1kg chả mực sẽ bao gồm 18-19 miếng chả mực có trọng lượng khoảng 40-50g/miếng. Vì vậy, việc làm một chiếc chả mực có trọng lượng 200kg, đường kính 2,5m là một thách thức không nhỏ.

Sau bánh chưng 7 tấn, xuất hiện chả mực "khủng" ở Hạ Long nặng 200kg- Ảnh 2.

Chả mực được chiên trong một chiếc chảo lớn (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Để làm được chiếc "siêu" chả mực, công ty của anh Mạnh đã dành khoảng một tháng để chuẩn bị. Họ tiến hành nghiên cứu, lắp đặt hệ thống bếp gas, chảo dầu và chuẩn bị nguồn nguyên liệu mực tươi ngon.

Sáng ngày 20/4, cơ sở này đã dùng hơn 200kg mực mai, giã tay từ 2h sáng. Sau khi giã xong, họ đắp chả lên một khuôn inox hình tròn.

Chảo để rán có hình vuông, kích thước 3,5m x 3,5m, cao 50cm. Khi rán phải dùng 16 bếp gas, hơn 2.000 lít dầu ăn. Để lật chả trong khi rán, đầu bếp phải dùng bộ trục cẩu ở phía trên.

Để đảm bảo chả mực được chín đều, các đầu bếp phải căn chỉnh nhiệt độ của dầu, đồng thời thay phiên nhau tưới dầu liên tục đều lên bề mặt.

Khoảng 15 nhân công đã làm việc liên tục trong hơn 7 tiếng đồng hồ để hoàn thành chiếc chả mực này.

Theo anh Mạnh, chiếc chả mực sau khi làm được chia phát miễn phí cho người dân, du khách. Hương vị của chả mực 200kg vẫn thơm ngon như miếng chả mực nhỏ, không bị ảnh hưởng khi làm với khối lượng nguyên liệu lớn. Chả mực giòn, dai chín phồng, màu hơi vàng và có hương thơm đặc trưng.

"Với chiếc chả mực này chúng tôi muốn quảng bá đặc sản địa phương và khẳng định thương hiệu chả mực Hạ Long", anh Mạnh nói.

Tiết lộ về chiếc chả mực đặc biệt ngày 27/4 tới đây, vị đại diện công ty này cho hay, họ sẽ làm theo đúng công thức truyền thống với loại mực tươi ngon.

Chiếc chả mực sau khi làm xong sẽ được bọc kín, vận chuyển bằng xe cẩu, trưng bày tại lễ hội trong khoảng vài ba tiếng đồng hồ sau đó cắt ra cho du khách thưởng thức miễn phí.

"Chúng tôi đang chuẩn bị tích cực và rất háo hức chờ đợi ngày xác lập kỷ lục Việt Nam với chiếc chả mực 200kg.  Kỷ lục này vừa khẳng định vị thế của chả mực Hạ Long, vừa tạo thêm niềm hứng khởi cho người dân, du khách tại Lễ hội bia và Chả mực Hạ Long diễn ra từ 17h ngày 27/4 đến hết ngày 1/5, tại khu vực phố cổ công viên Đại Dương, phường Bãi Cháy", anh Mạnh nói.

Trước đó, nhân lễ hội truyền thống đền Quốc Mẫu Âu Cơ, chùa Hoàng Xá, xã Hùng Cường (thành phố Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên), người dân nơi đây đã cùng nhau làm chiếc bánh chưng 7 tấn và bánh dày 3 tấn để dâng cúng Quốc Mẫu và các vị Vua Hùng.

Sau bánh chưng 7 tấn, xuất hiện chả mực "khủng" ở Hạ Long nặng 200kg- Ảnh 3.

Bánh chưng 7 tấn tại Hưng Yên (Ảnh: H. T).

Theo đại diện Ban tổ chức lễ hội, chiếc bánh chưng 7 tấn được làm từ 4 tấn gạo nếp, 2,5 tấn đỗ xanh, muối, dầu ăn, 1,5 vạn chiếc lá dong, 5 tạ lá chuối. Người dân thậm chí đã phải dùng xe tải chở củi đến để phục vụ cho việc làm bánh.

Để gói được chiếc bánh chưng này, ban tổ chức đã chuẩn bị chiếc khuôn có kích thước 4m x 4m x 1,2m được làm bằng inox; nồi luộc có kích thước lớn 4,5m x 4,5m x 1,8m được làm bằng sắt.

Chiếc bánh được luộc liên tục trong vòng 4 ngày. Bếp luộc bánh được xây bằng gạch và có nhiều cửa tiếp củi. Bánh sau khi vớt ra được để nguội rồi bảo quản lạnh để đảm bảo không ôi thiu dù thời tiết nóng bức.