Thời gian qua, TP.HCM đã ban hành nhiều chính sách ưu đãi, khuyến khích chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi nông nghiệp đô thị, trong đó có nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (NNUDCNC).
Trung tâm Khuyến nông TP.HCM cho biết dù chỉ chiếm dưới 1% tỷ trọng GRDP nhưng thành phố là nơi đi đầu cả nước trong việc triển khai NNUDCNC.
Qua 5 năm thực hiện chương trình phát triển NNUDCNC giai đoạn 2016-2020, TP.HCM đã đạt được nhiểu kết quả tích cực. Trong đó, việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất đã hình thành nhiều loại hình hiệu quả.
Tỷ trọng giá trị sản xuất NNUDCNC khoảng 48% toàn ngành. Trong đó, diện tích sản xuất rau, quả canh tác rau công nghệ cao khoảng 1.055ha (chiếm 30,7%) với 381 cơ sở là hộ sản xuất.
Diện tích trồng rau hoa, cây kiểng ứng dụng công nghệ cao của các doanh nghiệp và HTX khoảng 690ha (chiếm 36%) với 681 cơ sở sản xuất.
Giải pháp công nghệ chính tại mô hình NNUDCNC trong trồng rau là hệ thống nhà lưới, nhà màng có kiểm soát nhiệt độ, ấm độ; hệ thống tưới kết hợp bón phân bán tự động; trồng rau theo phương pháp thủy canh, trên gia thể; canh lác theo hướng hữu cơ.
Đối với sản xuất hoa lan, cây cảnh, các cá nhân đơn vị sử dụng hệ thống nhà lưới, nhà màng; áp dụng kỹ thuật xứ lý ra hoa và kiểm soát tuổi thọ của hoa. Công nghệ thông tin cũng được ứng dụng trong quản lý sản xuất và giao dịch thương mại. Nhiều giống hoa lan được sản xuất từ các đơn vị nuôi cấy mô.
Các doanh nghiệp nông nghiệp tại TP.HCM cũng đang từng bước ứng dụng công nghệ cao trong canh tác. Như HTX Tuấn Ngọc (TP.Thủ Đức) sản xuất rau thủy canh có ứng dụng IOT; kiểm soát nhiệt độ, ẩm độ, ánh sáng và dinh dưỡng tự động thông qua hệ thống cảm biến.
Hay như Công ty Nông Phát Farm (huyện Hóc Môn) trồng dưa lưới trong nhà màng với quá trình canh tác được theo dõi trên phần mềm điều khiển thông minh, thông qua smartphone và dữ liệu truy xuất nguồn gốc sản phẩm.
Để thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP.HCM lần thứ XI giai đoạn 2020-2025, TS. Lê Thị Thúy Ái - Phó giám đốc Trung tâm Khuyến nông TP.HCM cho biết, ngành nông nghiệp thành phố tập trung phát triển NNUDCNC, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ.
Theo đó, Thành phố đặt ra mục tiêu từ nay đến năm 2030 đẩy mạnh NNUDCNC, tập trung vào công nghệ sinh học, công nghệ thông tin, công nghệ tự động hóa và các công nghệ tiên tiến để tạo ra các sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao về giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản.
TP.HCM nâng tỷ trọng giá trị sản xuất NNUDCNC đến năm 2030 chiếm từ 75%-85% tổng giá trị sản xuất ngành nông nghiệp.
Thành phố có trên 70% hộ nông dân, và trên 80% doanh nghiệp ứng dụng các biện pháp kỹ thuật mang tính công nghệ cao về giống, quy trình canh tác, công nghệ sau thu hoạch; trên 30% HTX sản xuất NNUDCNC.
Để thực hiện có hiệu quả các mục tiêu này, ngành nông nghiệp TP.HCM đề ra nhiều giải pháp nhằm phát triển nhân rộng mô hình NNUDCNC. Trong đó, tiếp tục nghiên cứu, ứng dụng công nghệ cao trong công tác giống cây, giống con và kỷ thuật canh tác lĩnh vực vật nuôi, cây trống và thủy sản.
Tập trung vào sản phẩm nông nghiệp chủ lực của Thành phố như rau, hoa cây kiểng, bò sữa, heo, tôm nước lợ và cá cảnh sản phẩm có tiềm năng; tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ lĩnh vực NNUDCNC.