Trung ương Hội Nông dân Việt Nam hỗ trợ HTX Sông Giá ở Hải Phòng xây dựng mô hình nông nghiệp công nghệ cao

Thu Hà Thứ tư, ngày 13/03/2024 16:03 PM (GMT+7)
Được sự hỗ trợ của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, HTX Đầu tư phát triển Sông Giá ở xã Kênh Giang, huyện Thủy Nguyên, TP Hải Phòng đã xây dựng mô hình trồng trồng dưa công nghệ cao theo chuỗi giá trị với dây chuyền sản xuất phân bón vi sinh hữu cơ hiệu quả.
Bình luận 0

Trồng dưa công nghệ cao đạt tiêu chuẩn sản phẩm OCOP 4 sao

Trao đổi với PV Báo điện tử Dân Việt, chị Đỗ Thị Thúy Hà – Giám đốc HTX Đầu tư phát triển Sông Giá (HTX Sông Giá) ở xã Kênh Giang, huyện Thủy Nguyên, TP Hải Phòng cho biết: HTX Sông Giá đang đầu tư mô hình nông nghiệp công nghệ cao trồng dưa, trồng hoa cây cảnh, nuôi trùn quế, sản xuất phân bón với tổng diện tích 17.000m2.

Trong đó, HTX có 7.000m2 để tập trung sản xuất các sản phẩm rau, quả nhà lưới. Đây là mô hình trồng rau, củ, quả theo phương pháp hữu cơ, sử dụng nhà lưới với hệ thống tưới nhỏ giọt phục vụ xuất khẩu được đầu tư bài bản bậc nhất tại Hải Phòng.

Trung ương Hội Nông dân Việt Nam hỗ trợ HTX Sông Giá ở Hải Phòng xây dựng mô hình nông nghiệp công nghệ cao- Ảnh 1.

Đại diện lãnh đạo Ban Kinh tế Trung ương Hội Nông dân Việt Nam; Hội Nông dân TP Hải Phòng, Hội Nông dân huyện Thủy Nguyên gắn biển bàn giao mô hình hỗ trợ công nghệ cao tại HTX Sông Giá, xã Kênh Giang, huyện Thủy Nguyên.

Giám đốc HTX Sông Giá cho biết: Để tạo ra những sản phẩm chất lượng, chinh phục thị trường, HTX Sông Giá đã chọn hướng đi mới "Nông nghiệp công nghệ cao", trồng rau, hoa, quả sạch sử dụng các chế phẩm sinh học để quản lý sâu bệnh, bảo vệ môi trường và tạo công ăn việc làm cho người lao động tại địa phương.

Hiện tại, HTX đang trồng các loại dưa như: Dưa lưới, dưa kim hoàng hậu, Bạch ngọc đường, Kim ngọc đường ... Trong đó, sản phẩm dưa kim hoàng hậu của HTX Sông Giá đã được công nhận là sản phẩm OCOP 4 sao của TP Hải Phòng.

"Đối với khu trồng củ, quả, HTX có 5 nhà màng; trong đó có 4 nhà màng trồng dưa lưới; 1 nhà màng trồng dưa chuột. Mô hình HTX Sông Giá hoạt động theo quy trình canh tác khép kín, hiện đại, ứng dụng công nghệ tiên tiến nên luôn chủ động về nhiệt độ, độ ẩm để phòng ngừa sâu bệnh hại hiệu quả, xung quanh có lưới chắn côn trùng và hệ thống màng lưu động có thể đóng, mở tùy điều kiện thời tiết"- Giám đốc HTX Sông Giá cho biết thêm.

Trung ương Hội Nông dân Việt Nam hỗ trợ HTX Sông Giá ở Hải Phòng xây dựng mô hình nông nghiệp công nghệ cao- Ảnh 2.

Mô hình trồng dưa công nghệ cao của HTX Sông Giá, xã Kênh Giang, huyện Thủy Nguyên, TP Hải Phòng. Ảnh: Đinh Mười

Để dưa có mẫu mã đẹp, thơm, ngọt và an toàn, HTX Sông Giá đã áp dụng những công nghệ tiên tiến nhất của Israel như hệ thống tưới nước, bón phân tự động.

Một năm, HTX trồng 4 vụ dưa. Bình quân mỗi nhà màng trồng dưa lưới cho thu hoạch gần 2 tấn dưa/nhà màng/vụ; nhà màng trồng dưa chuột cho thu hoạch 1,5 tấn dưa/nhà màng/vụ. Tổng sản lượng dưa HTX thu hoạch được sau 1 vụ đạt trên 10 tấn. Sản phẩm dưa lưới được bán tại vườn với giá trung bình 60.000 đồng/kg.

Hội Nông dân Việt Nam hỗ trợ HTX dây chuyền sản xuất phân bón hữu cơ

Bên cạnh diện tích trồng dưa công nghệ cao, trang trại nuôi trùn quế của HTX có tổng diện tích 5.000m2 trong đó trại nuôi trùn với diện tích gần 2.000m2, còn lại là khu vực sản xuất các chế phẩm từ phân trùn...

Giám đốc HTX Sông Giá cho biết: "Ngay sau khi thành lập HTX, ban lãnh đạo HTX đã nghĩ ngay đến việc phải xây dựng một khu nuôi trùn quế tập trung. Mục đích nuôi trùn quế của HTX hiện nay chủ yếu tập trung vào việc thu hoạch phân trùn để sản xuất các sản phẩm phục vụ hoạt động trồng cây ăn quả ngắn ngày trong nhà lưới và khu vực ươm hoa, cây cảnh của HTX".

Chị Hà cho biết: Nguồn thức ăn chính cho trùn quế của HTX Sông Giá là các chất hữu cơ như bèo tây (thu hoạch từ sông Giá), sản phẩm thải nhà bếp (rau, củ, quả hỏng...), chất thải của gia súc (lợn, bò...). Việc tận dụng được những nguồn thức ăn đó góp phần to lớn trong việc bảo vệ môi trường.

Cùng với nuôi trùn quế, HTX từng bước nghiên cứu, sản xuất các chế phẩm sinh học từ trùn quế cung cấp ra thị trường. Chị Hà phấn khởi cho biết: Trong quá trình xây dựng và phát triển mô hình nông nghiệp hữu cơ công nghệ cao, HTX nhận được sự hỗ trợ, đồng hành rất lớn từ các cấp Hội Nông dân Việt Nam.

Trung ương Hội Nông dân Việt Nam hỗ trợ HTX Sông Giá ở Hải Phòng xây dựng mô hình nông nghiệp công nghệ cao- Ảnh 3.

Cán bộ kỹ thuật của HTX Sông Giá ở xã Kênh Giang, huyện Thủy Nguyên, TP Hải Phòng điều khiển hệ thống dây chuyền sản xuất phân bón vi sinh do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam hỗ trợ xây dựng. Ảnh: T.H

Đặc biệt, năm 2023 vừa qua, HTX đã được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam hỗ trợ xây dựng mô hình điểm về HTX nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị với tổng kinh phí thực hiện dự án là hơn 1,687 tỷ đồng. Trong đó: Kinh phí Trung ương Hội Nông dân Việt Nam hỗ trợ hơn 337 triệu đồng; kinh phí đối ứng của HTX là 1,35 tỷ đồng.

Theo đó, được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam hỗ trợ, HTX Sông Giá đã đầu tư hệ thống dây chuyền hiện đại sản xuất phân bón vi sinh từ trùn quế để phục vụ sản xuất và bảo vệ môi trường.

Hiện nay, HTX Sông Giá đã sản xuất được 4 sản phẩm chính liên quan đến phân trùn quế gồm: Phân viên trùn quế (được sản xuất 100% từ phân trùn, trộn với dịch trùn), dành bón cho hoa lan, cây cảnh cao cấp. Phân viên hữu cơ (được làm ra từ phân trùn trộn với các loại giá thể như đất, trấu, bột vỏ hàu nung...) sau đó cho vào máy ép thành viên. Loại thứ 3 là phân trùn quế bột, loại này cũng được trộn từ phân trùn với các loại giá thể để bón lót, bón thúc cho các vườn cây cảnh, cây ăn quả... Loại thứ 4 là phân bón nước từ dịch trùn quế cao cấp, dùng để pha với nước và tưới cho cây.

Một tháng, trang trại nuôi trùn của HTX thu hoạch được 7 – 8 tấn phân trùn. Sau khi trộn với các loại giá thể như đất, bột hàu, xơ dừa, trấu... sẽ sản xuất ra khoảng 10 tấn phân hữu cơ, 500 lít dịch trùn, 200 kg phân trùn quế cao cấp... Đây đều là những sản phẩm thân thiện với môi trường, tốt cho cây trồng.

"Khu vực trồng dưa lưới và trồng hoa cây cảnh của HTX đều sử dụng 100% các sản phẩm do HTX sản xuất ra như đất, phân bón từ trùn quế, thuốc trừ sâu bệnh sinh học... Kết quả cho thấy cây phát triển rất tốt, chất lượng quả ngon, sạch. Sản phẩm dưa vàng chủ lực của HTX được Cục quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản vùng I kiểm định theo định kỳ, tất cả các chỉ số liên quan (41 chỉ số) đều đạt chất lượng tốt, có đủ tiêu chuẩn để có thể xuất khẩu. Các sản phẩm HTX trồng và sản xuất ra như phân trùn các loại, hoa quả... đều được khách hàng săn đón" - Giám đốc HTX Sông Giá Đỗ Thị Thúy Hà cho biết.

Nhờ xây dựng thành công mô hình nông nghiệp công nghệ cao liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị đã mang lại hiệu quả kinh tế cao. Bình quân từ trồng dưa HTX Sông Giá có thu nhập 3 tỷ đồng/năm; thu nhập từ trùn quế, phân bón trùn quế mang lại 700 – 800 triệu đồng/năm. 

"Với sự hỗ trợ, đồng hành của các cấp Hội Nông dân Việt Nam, HTX Sông Giá sẽ tuyên truyền, tập huấn và giới thiệu rộng rãi đến bà con nông dân về hiệu quả của mô hình nông nghiệp hữu cơ công nghệ cao, hiệu quả của phân bón vi sinh. HTX mong muốn sẽ đóng góp một phần cho nền kinh tế địa phương, tạo việc làm cho đông đảo người lao động nông thôn. Đặc biệt, qua việc sản xuất nông nghiệp hướng đến kinh tế xanh, sẽ góp phần nâng cao tiêu chí xây dựng nông thôn mới ở địa phương" – chị Hà nói.

Trung ương Hội Nông dân Việt Nam hỗ trợ HTX Sông Giá ở Hải Phòng xây dựng mô hình nông nghiệp công nghệ cao- Ảnh 4.

Hết vụ dưa này, HTX Sông Giá gối vụ dưa khác vào sản xuất trong nhà màng, áp dụng quy trình trồng dưa công nghệ cao, sử dụng phân hữu cơ vi sinh vào sản xuất, nâng cao hiệu quả, chất lượng sản phẩm.

Theo ông Hoàng Văn Tường – Phó Chủ tịch Hội Nông dân TP Hải Phòng cho biết: Hiện nay, diện tích đất sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (nhà lưới, nhà kính) trên địa bàn thành phố còn thấp trong đó việc áp dụng hệ thống dây chuyền tự động còn rất khiêm tốn.

Lãnh đạo Hội Nông dân TP Hải Phòng khẳng định: Việc xây dựng các mô hình HTX nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị là cần thiết, phù hợp với điều kiện thực tiễn hiện nay.

Được sự hỗ trợ của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, mô hình điểm tại HTX Đầu tư phát triển Sông Giá tại xã Kênh Giang, huyện Thủy Nguyên sau một thời gian triển khai đã gặt hái được rất nhiều kết quả.

Mô hình đã mang lại hiệu quả kinh tế cao gấp 1,2 lần so với sản xuất đại trà; năng suất và chất lượng sản phẩm được cải thiện, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm; môi trường sản xuất được bảo vệ; sản phẩm có giá trị gia tăng cao, đáp ứng yêu cầu của thị trường.

"HTX Sông Giá là điển hình, địa chỉ tin cậy để những hội viên, nông dân trên địa bàn thành phố có thể học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm. Vì vậy đây sẽ là tiền đề quan trọng để tạo dựng nên nhiều mô hình ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp của thành phố Hải Phòng trong thời gian tới.

Thời gian tới, Hội Nông dân TP Hải Phòng sẽ phối hợp với Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tổ chức tập huấn, tuyên truyền nhân rộng mô hình về HTX nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị trên địa bàn TP Hải Phòng" - lãnh đạo Hội Nông dân TP Hải Phòng khẳng định.



Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem