Ngày 17 và 18-4 (tức 9 và 10 tháng 3 âm lịch), nhân dân 8 thôn của 2 xã Cao Đức và Vạn Ninh (Gia Bình) lại tổ chức rước kiệu, long đình… từ làng mình về đền thờ Cao Lỗ Vương để tế lễ mở hội, tưởng nhớ người có công chế tạo nỏ thần giúp vua An Dương Vương và xây dựng thành Cổ Loa, góp phần chống giặc ngoại xâm, bảo vệ đất nước.
Đến đền thờ Cao Lỗ Vương nằm ven bờ Nam sông Đuống, hướng mặt về Lục Đầu giang, bao quanh là sông nước mênh mang, cây cối xanh tốt thuộc thôn Đại Trung (xã Cao Đức).
Ông Nguyễn Văn Diện, 74 tuổi, xã Định Sơn, huyện Cẩm Giàng (Hải Dương) chia sẻ: Gần ngày hội Cao Lỗ Vương tôi cùng các bạn đến đây vừa để dâng hương tri ân công đức của tướng quân Cao Lỗ vừa để tham quan, tìm hiểu về truyền thống văn hóa, vùng đất, con người nơi đây. Đền thờ và hệ thống di tích liên quan không chỉ có ý nghĩa lịch sử mà còn nằm ở những vị trí rất đẹp, con người nơi đây chất phác, nghĩa tình để lại nhiều ấn tượng trong mỗi du khách…
Theo những sử liệu, thần tích còn lưu truyền, Cao Lỗ Vương sinh ra tại Sỹ Lộ trang, nay thuộc xã Cao Đức, ngay từ nhỏ ông đã thông minh, hiếu học, khi trưởng thành văn võ hơn người, thường theo An Dương Vương đi đánh giặc.
Ông được An Dương Vương giao việc chế tạo nỏ thần. Nhờ có nỏ thần mà An Dương Vương đánh lui được mọi quân xâm lược. Về sau, An Dương Vương nghe theo gian thần xử ông tội chết. Thi hài ông được đưa về quê an táng, nhân dân dựng đền thờ ông.
Các đời vua đều có sắc phong cho người được thờ, cùng với gia phả đền còn bảo lưu 21 đạo sắc phong cho biết rõ về người được thờ; sắc cổ nhất có niên đại Cảnh Hưng 4 (năm 1796), sắc muộn nhất có niên đại Khải Định 9 (năm 1924).
Lăng mộ Cao Lỗ Vương ở huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh. Cao Lỗ Vương giúp An Dương Vương chế tạo nỏ thần, xây thành Cổ Loa, góp phần đánh thắng giặc.
Theo tục truyền, hàng năm đến ngày 10 tháng 3 (âm lịch), nhân dân 8 làng thôn vùng Đại Than là: Đại Trung, Đông Trung, Bình Than, Tiểu Than, Văn Than, Phù Than, Kênh Phố, Mỹ Lộc cùng thờ Cao Lỗ Vương tổ chức lễ hội.
Ngay từ sáng mồng 9, đền Cao Lỗ Vương được mở cửa để đại diện các làng đến làm lễ mục dục. Sáng mồng 10, các làng rước kiệu, long đình từ làng mình về đền tế lễ Cao Lỗ Vương rồi xin rước bài vị của ngài về làng mình để tế lễ mở hội.
Trong những ngày lễ hội của các làng thờ Cao Lỗ Vương, sau phần lễ là phần hội với nhiều tục trò diễn lại sự tích của Thần như: Thôn Đại Trung có trò “múa mo múa mộc” tượng trưng cho Cao Lỗ Vương khi đánh giặc.
Thôn Tiểu Than có trò “múa bông đánh bệt” diễn lại sự tích Cao Lỗ Vương bị chết oan được mãnh hổ mang xác ông về quê hương để nhân dân chôn cất; tục “võ vật” thì thôn nào cũng có, bởi xưa vùng Đại Than là đất thượng võ…
Lễ hội Cao Lỗ Vương năm nay được tổ chức theo quy mô cấp xã, từ sáng mồng 8 tháng 3 (âm lịch) các cụ hàng tổng làm lễ mở cửa đền; ngày mồng 9 làm nghi thức tế lễ viếng yết lăng mộ tướng quân Cao Lỗ Vương.
Ngày mồng 10 tháng 3 (âm lịch) các thôn làm nghi thức rước lễ về đền làm lễ, làm nghi lễ tế hàng tổng, tổ chức dâng hương, khai mạc lễ hội. Phần hội với nhiều hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể dục, thể thao phong phú như: Thi kéo co của 8 thôn, bịt mắt bắt vịt trên cạn, bịt mắt bắt lợn tại khuôn viên đền; giao lưu văn nghệ quần chúng của các thôn trong xã; biểu diễn dưỡng sinh của CLB người cao tuổi…
Năm nay, tại sân đền diễn ra trình diễn nghệ thuật dân gian truyền thống: Hát Tuồng, Chèo, Ca trù, múa rối nước; trưng bày giới thiệu làng nghề truyền thống và sản phẩm OCOP Bắc Ninh…
Ông Lại Đình Tế, Phó Chủ tịch UBND xã Cao Đức, Trưởng Ban tổ chức lễ hội Cao Lỗ Vương năm 2024 cho biết: Xã thành lập Ban tổ chức lễ hội, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên, bảo đảm lễ hội diễn ra an toàn, văn minh, phát huy giá trị di tích, góp phần giáo dục truyền thống, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc; nâng cao đời sống văn hoá tinh thần cho nhân dân, khơi dậy truyền thống lịch sử văn hoá, tăng cường khối đoàn kết trong cộng đồng dân cư làm động lực xây dựng gia đình văn hóa, làng văn hoá, xã văn hoá…