TS.BS Lưu Ngân Tâm – Trưởng khoa Dinh dưỡng Bệnh viện Chợ Rẫy chia sẻ, thông qua chế độ dinh dưỡng qua tiêu hóa chuyên biệt, khoa Dinh dưỡng phối hợp cùng khoa Ngoại tiêu hóa đã điều trị thành công cho nam bệnh nhân A, (64 tuổi, ngụ tại Phú Yên) bị rò dưỡng trấp sau phẫu thuật cắt thực quản do ung thư mà không cần phải can thiệp kỹ thuật cao hay phẫu thuật lại.
Vài ngày đầu sau phẫu thuật cắt thực quản do ung thư, ông A xuất hiện tràn dịch dưỡng trấp màng phổi với dẫn lưu 2 lít dịch/ngày, được điều trị nội khoa, dinh dưỡng, phục hồi chức năng..., nhưng tình trạng bệnh vẫn không cải thiện.
Bệnh viện đã tổ chức hội chẩn liên chuyên khoa với phác đồ gồm tắt mạch bạch huyết qua can thiệp nội mạch, can thiệp dinh dưỡng chuyên biệt, nội khoa và phục hồi chức năng. Tuy nhiên, phương pháp tắt mạch bạch huyết qua can thiệp nội mạch đã không thể thực hiện được do có bất thường về giải phẫu học của ống ngực và sự thay đổi mạch bạch huyết sau phẫu thuật thực quản, người bệnh được điều trị bảo tồn bằng chế độ dinh dưỡng chuyên biệt, kháng sinh, phục hồi chức năng… Nếu không ổn sẽ xem xét điều trị bằng phẫu thuật.
TS.BS Lưu Ngân Tâm cho biết, sau 1-2 ngày áp dụng chế độ dinh dưỡng tiêu hóa chuyên biệt, dịch dẫn lưu màng phổi giảm từ 2 lít/ngày xuống còn 100mL/ngày. Ngoạn mục hơn, sau 1 tuần áp dụng tích cực phác đồ này, bệnh nhân đã được rút ống dẫn lưu mà không cần can thiệp bằng phẫu thuật.
"Thông qua sự phối hợp chặt chẽ của các khoa lâm sàng, sự hợp tác của bệnh nhân và thân nhân bệnh nhân, chỉ bằng chế độ ăn (qua miệng, ống thông ruột non) không quá 150 ngàn đồng/ngày đã đem đến hiệu quả điều trị tích cực cho bệnh nhân. Nếu can thiệp bằng kỹ thuật cao hay phẫu thuật thì ngoài gánh nặng về chi phí y tế, bản thân người bệnh còn phải đối diện với các rủi ro khi thực hiện" – TS Lưu Ngân Tâm chia sẻ.
Dịch dưỡng trấp (hay nhũ chấp) là dịch trắng đục (như sữa), chứa bạch huyết (tế bào miễn dịch) và chất dinh dưỡng được hấp thu từ thức ăn. Dịch dưỡng trấp bình thường được vận chuyển trong mạch bạch huyết, ống ngực và tham gia vào chức năng miễn dịch và chuyển hóa cho cơ thể.
Rò dưỡng trấp tuy không phải là bệnh hiếm, có thể xuất hiện do ung thư, chấn thương, sau hóa xạ trị ung thư, phẫu thuật… Tuy nhiên, rò dưỡng trấp sau phẫu thuật cắt thực quản do ung thư là bệnh lý hiếm (tỷ lệ 0,4–4%) và tình trạng nặng. Bệnh kéo dài gây ra giảm thể tích, suy dinh dưỡng, suy giảm miễn dịch, nhiễm trùng nặng, làm cho việc điều trị trở nên khó khăn hơn.