Bạch Dương
Thứ tư, ngày 17/04/2024 20:12 PM (GMT+7)
Ngày 17/4, Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM tổ chức Hội nghị Khoa học kỹ thuật thường niên năm 2024. 302 báo cáo chuyên sâu, cập nhật các tiến bộ mới trong điều trị lâm sàng các bệnh về tim mạch, thần kinh, tiêu hóa, hô hấp, ung thư, bệnh tự miễn… đã được các chuyên gia trong và ngoài nước chia sẻ.
Một trong những kỹ thuật mới, chưa được áp dụng tại Việt Nam đã được giới thiệu tại hội nghị là liệu pháp chùm tia proton (PBT) trong điều trị ung thư biểu mô tế bào gan. Giáo sư Cheng Jen -Yu, Bệnh viện Kaohsiung Chang Gung Memorial, Đài Loan (Trung Quốc) cho biết, liệu pháp chùm tia proton có thể cung cấp khả năng kiểm soát tại chỗ cho nhiều bệnh nhân trước đây không thể điều trị được.
Đó là các khối u lớn được coi là không thể phẫu thuật, các khối u xâm lấn nghiêm trọng vào mạch máu. Liệu pháp chùm tia proton có khả năng "hạ thấp" các khối u để tiến hành phẫu thuật cắt bỏ hoặc ghép gan. Chùm proton còn làm giảm ảnh hưởng đến các phần gan bình thường xung quanh và các cơ quan lân cận.
TS.BS Lê Tuấn Anh, Giám đốc Trung tâm Ung bướu, Bệnh viện Chợ Rẫy cũng cập nhật những tiến bộ mới trong sử dụng thuốc denosumab trong điều trị di căn xương ở bệnh nhân ung thư. Di căn xương xảy ra ở 70% bệnh nhân ung thư giai đoạn muộn, gây ra các biến chứng nghiêm trọng. Vị trí ung thư nguyên phát thường gặp nhất là ung thư phổi (33,5%), vú (12,9%) và tuyến tiền liệt (9,4%). Nghiên cứu cho thấy, việc sử dụng thuốc giúp trì hoãn đáng kể thời gian diễn tiến bệnh, ngăn ngừa biến chứng nghiêm trọng.
Tại hội nghị, PGS.TS.BS Lâm Việt Trung, Phó Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, ung thư đại trực tràng là ung thư đường tiêu hóa thường gặp tại Việt Nam. Trong đó, di căn gan là di căn xa thường gặp nhất, với tỉ lệ di căn gan đồng thời chiếm đến 25% các trường hợp ung thư đại trực tràng.
Phẫu thuật nội soi cắt đại trực tràng và cắt di căn gan đồng thời đã được một số nghiên cứu trên thế giới cho thấy, hiệu quả trong cải thiện kết quả điều trị, tăng tỉ lệ sống còn của bệnh nhân. Mặt khác, giảm chi phí điều trị do chỉ mổ trong một lần. Tại Việt Nam, chưa có nhiều công trình nghiên cứu về vấn đề này.
Theo nghiên cứu của Bệnh viện Chợ Rẫy trong thời gian 13 năm (2010 – 2023) trên 86 ca bệnh cắt đại trực tràng và cắt di căn gan đồng thời, trong đó 23 trường hợp thực hiện bằng phẫu thuật nội soi hoàn toàn, thời gian sống sau 5 năm là 50% và thời gian sống không bệnh sau 5 năm là 32,4%.
Nghiên cứu chỉ ra, phẫu thuật nội soi cắt đại trực tràng và cắt di căn gan đồng thời điều trị ung thư đại trực tràng di căn gan là một phẫu thuật khả thi, an toàn và có kết quả dài hạn về mặt ung thư học chấp nhận được.
Vì vậy, cần có thêm nghiên cứu với số lượng bệnh nhân lớn hơn và đa trung tâm để đánh giá chính xác hơn kết quả của phương pháp phẫu thuật này, mang lại hiệu quả trong điều trị ung thư, kéo dài sự sống cho bệnh nhân.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.