Năm 2016, UBND tỉnh Hà Tĩnh phê duyệt dự án tôn tạo Di tích lịch sử - văn hóa đền thờ và quảng trường Mai Hắc Đế với tổng số vốn hơn 105 tỷ đồng. Trong đó phần tu bổ, tôn tạo di tích có sẵn là hơn 52 tỷ đồng, phần xây mới tượng đài và quảng trường là hơn 43 tỷ đồng, còn lại 9 tỷ đồng dành cho các chi phí khác.
Theo thiết kế, công trình Quảng trường và tượng đài Mai Hắc Đế có kinh phí hơn 43 tỷ đồng được xây dựng tại cánh đồng giáp ranh giữa xã Thịnh Lộc và thị trấn Lộc Hà (huyện Lộc Hà) trên diện tích 4,5 ha.
Phần tượng đài đúc bằng đồng liền khối, cao 10,8m, đế bê tông cốt thép ốp tấm đá xanh. Xung quanh là đường giao thông kết nối, hệ thống thoát nước. Dự án do UBND huyện Lộc Hà làm chủ đầu tư, được dự kiến hoàn thành sau một năm khởi công.
Sau 8 năm thực hiện công trình vẫn dở dang chưa bàn giao và có dấu hiệu của sự hoang hóa, xuống cấp. Tại quảng trường Mai Hắc Đế chưa có tường bao, đường vào nhếch nhác với cát sỏi và cây dại. Hệ thống đèn chiếu sáng xuống cấp, bị vỡ bóng, cột đèn hoen gỉ. Hệ thống cây xanh, hoa cảnh trong khuôn viên tượng đài không được chăm sóc đã gãy đổ, chết khô.
Chưa bàn giao nhưng quảng trường Mai Hắc Đế, huyện Lộc Hà, (tỉnh Hà Tĩnh) đã xuống cấp. Ảnh: PV
Hệ thống mương nước hư hỏng, bê tông nứt gãy. Vật liệu xây dựng, các tấm bê tông đúc sẵn nằm ngổn ngang, bị cây cỏ mọc xung quanh. Nhiều người dân địa phương cho biết, vị trí quảng trường nằm giữa đồng ruộng, xa khu dân cư và chưa hoàn thiện nên ít người đến vui chơi. Nơi đây như bị bỏ hoang, thành nơi chăn thả bò của người dân địa phương.
Ông Nguyễn Xuân Thành, trú ở thôn Nam Sơn, xã Thịnh Lộc, cho biết: "Người dân mong muốn quê hương vua Mai có một công trình để tưởng nhớ, ghi công lao của ông. Tuy nhiên, công trình xây dựng trong nhiều năm mà bỏ dở, phơi nắng mưa gây lãng phí lớn.
Chúng tôi mong muốn công trình nhanh chóng được hoàn thành để có nơi sinh hoạt cộng đồng cho bà con. Công trình bỏ hoang khiến nhiều thanh niên bất hảo thường xuyên tụ tập không tốt cho an ninh trật tự. Thấy quảng trường thi công dang dở, nhiều hạng mục nay đã xuống cấp chúng tôi cảm thấy rất xót".
Chung quan điểm trên, bà Trần Thị Hồng, trú tại xã Thịnh Lộc nói: "Thấy công trình chưa hoàn thành, không ai trông coi nên người dân thường xuyên tới đây để chăn thả bò. Phần đất này trước canh tác lạc năng suất rất cao, tôi là nông dân nên thấy đất bị bỏ hoang không sử dụng nên tiếc".
Đại diện lãnh đạo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Lộc Hà nói: "Do thiếu vốn đầu tư nên sau 8 năm, công trình chưa thể hoàn thiện. Trong khi đó một số hạng mục đã hư hỏng, xuống cấp, thậm chí trở nên hoang hóa. Các hạng mục còn lại phải chờ đầu tư giai đoạn 2, sau đó mới có thể nghiệm thu, bàn giao đưa vào sử dụng toàn bộ dự án được".