Tối 27/4, lần đầu tiên UBND tỉnh Ninh Thuận khai trương tuyến phố đi bộ và tổ chức trưng bày giới thiệu hàng trăm sản phẩm OCOP, sản phẩm nông sản nổi tiếng của tỉnh đến đông đảo người dân và du khách.
Theo ghi nhận của PV Dân Việt, có gần 40 gian hàng sản phẩm OCOP được giới thiệu bày bán dọc phố đi bộ đường 16 tháng 4 ở trung tâm TP. Phan Rang – Tháp Chàm (Ninh Thuận).
Các sản phẩm OCOP đến từ các cơ sở chế biến, doanh nghiệp, hộ sản xuất kinh doanh của 7 huyện thành phố trên địa bàn toàn tỉnh Ninh Thuận với nhiều sản phẩm độc đáo đã khẳng định được thương hiệu như nho, táo, nha đam, rượu nho, mật nho…
Ngoài ra, còn có các sản phẩm mới như: Các sản phẩm chế biến từ muối, nước mắm, yến sào cao cấp…đã tạo nên sự phong phú và đa dạng cho sản phẩm OCOP Ninh Thuận để người dân lựa chọn.
Chị Nguyễn Hoàng Khánh Như, du khách TP.HCM vui vẻ cho biết, đây là lần thứ 2 chị trở lại Ninh Thuận để du lịch và là lần đầu tiên được thưởng thức vang nho Ninh Thuận ở tuyến phố đi bộ.
"Tôi rất ấn tượng với các sản phẩm từ nông sản của Ninh Thuận như nho, táo và đặc biệt là vang nho. Tôi đã từng thưởng thức những sản phẩm này qua các kênh phân phối khác nhau nhưng khi thưởng thức ngay chính nơi trồng nho thì quả thực rất ngon, ngọt và thơm hơn rất nhiều. Đặc biệt là khi chúng tôi biết quy trình sản xuất và chế biến theo hữu cơ nên tôi yên tâm sử dụng, đặt mua để mang về làm quà...", chị Như cho hay.
Thông qua hoạt động lần này nhằm tạo cơ hội để các đơn vị, cơ sở kinh doanh, công ty và các địa phương giao lưu, trao đổi học tập kinh nghiệm lẫn nhau trong quá trình sản xuất kinh doanh và tiêu thụ sản phẩm. Qua đó, làm cầu nối giúp nông dân và nhà sản xuất giới thiệu và tiếp cận thị trường, tiêu thụ hàng hóa nói chung và nông sản đặc thù Ninh Thuận nói riêng.
Theo Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Ninh Thuận (Cơ quan thường trực Chương trình OCOP), những sản phẩm từ chương trình OCOP có chất lượng cao không chỉ giúp gia tăng giá trị sản xuất nông nghiệp, kinh tế nông thôn mà còn thúc đẩy nâng tầm thương hiệu đặc sản của địa phương. Đồng thời, tạo chuỗi liên kết bền vững, nâng cao giá trị cho người sản xuất, sản phẩm có chất lượng an toàn đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.
Đến nay, tỉnh Ninh Thuận đã phát triển được 182 sản phẩm OCOP gắn với sản phẩm đặc thù ở địa phương. Trong đó có 30 sản phẩm đạt tiêu chuẩn hạng 4 sao và 152 sản phẩm đạt tiêu chuẩn hạng 3 sao như măng tây, nho, táo, hành tỏi, nha đam…
Theo UBND tỉnh Ninh Thuận, Phố đi bộ ở TP. Phan Rang - Tháp Chàm có tổng vốn đầu tư thực hiện đề án phố đi bộ ở TP Phan Rang – Tháp Chàm hơn 51 tỷ đồng. Trong đó vốn ngân sách đầu tư hơn 26 tỷ đồng (giai đoạn 1 thí điểm từ năm 2024-2025 hơn 7,5 tỷ đồng; giai đoạn 2 từ năm 2026-2030 hơn 18,5 tỷ đồng). Còn lại là nguồn vốn xã hội hóa 25,4 tỷ đồng.
Các hoạt động trong tuyến phố đi bộ diễn ra từ 18 - 23 giờ vào các ngày thứ sáu, thứ bảy hằng tuần. Đồng thời, tăng cường phục vụ vào các ngày lễ, Tết, các sự kiện chính trị trọng đại của địa phương và đất nước.
Theo ông Nguyễn Long Biên – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận, việc xây dựng tuyến phố đi bộ sẽ góp phần xây dựng một số sản phẩm du lịch mới mang tính đặc trưng và có sức hấp dẫn cao nhằm phục vụ người dân và du khách về đêm.
Đồng thời phố đi bộ sẽ thúc đẩy quảng bá và giới thiệu những nét đặc trưng văn hóa truyền thống của người dân Ninh Thuận, thế mạnh của TP. Phan Rang - Tháp Chàm đến du khách trong và ngoài nước, từng bước xây dựng Tp. Phan Rang - Tháp Chàm giàu đẹp, văn minh, phấn đấu trở thành thành phố du lịch…