Nắng nóng gay gắt không một chút gợn gió ở vùng sông nước Vàm Cỏ Đông - nơi có hàng ngàn ha chanh ở ba huyện Bến Lức, Đức Huệ, Đức Hòa (Long An) đang trổ bông chờ cho trái nghịch vụ.
Chúng tôi theo chủ vườn đi sâu vào khu vực trồng chanh thuộc ấp 2, xã Thạnh Thạnh Lợi, huyện Bến Lức, tận mắt chứng kiến các con mương dọc theo vườn chanh khô cằn nứt nẻ.
CLIP: Khu vườn chanh của một hộ dân xã Thạnh Lợi, huyện Bến Lức, Long An cây chết khô, mương cạn nước. Clip: Thiên Long
"Hơn tháng nay vườn nhà tôi tưới nhờ giếng bơm, nước cứ xả thẳng xuống mương thật nhiều rồi thuê nhân công tưới, giữ cho cây không bị héo.
Nếu cho nước sông vào mương để tưới là chanh sẽ rụng lá, rụng bông có khi chết luôn cây. Hiện nay chanh giá hơn 20.000 đồng/kg nhưng trái chẳng có bao nhiêu để hái", anh Nguyễn Văn Tý (38 tuổi, ngụ ấp 2, xã Thạnh Lợi, huyện Bến Lức, Long An) nói.
Theo ông Nguyễn Văn Pha (61 tuổi, ngụ xã Thạnh Lợi), nắng nóng, khô hạn kéo dài thêm vài tuần nữa là cây ăn trái sẽ chết hàng loạt.
Ở địa phương này, người dân có giếng khoan để lấy nước phục vụ sinh hoạt, tưới cây chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Chủ nhân vườn chanh nói thêm, cả khu vực sinh sống chỉ xài nước nhà máy cung cấp, giá hơn 10.000 đồng/m3, nếu đem ra tưới vườn chanh cả 1 ha thì trả tiền làm sao chịu nổi và nước cũng không đủ nguồn cung cấp cho xóm.
Vùng đất trồng chanh, đu đủ và một số cây ăn trái khác của xã Bình Hòa Nam, huyện Đức Huệ nhiều cây chanh có tàn cao đang dần chết héo, có cây đã khô cành.
Chị Phan Thị Thúy (35 tuổi, ngụ ấp 2, xã Thanh Lợi) có nhiều năm trồng, chăm sóc cây ăn trái ở khu đất rộng của gia đình bày tỏ vui mừng khi nghe chính quyền thông tin đã xả nước từ hồ Dầu Tiếng (Tây Ninh) hòa vào nước sông Vàm Cỏ Đông để giảm độ mặn, nhà vườn lấy nước đưa vào mương tưới tiêu.
Các mương trữ nước ngọt tưới cho những vườn chanh ven sông Vàm Cỏ Đông thuộc xã Bình Hòa Na, huyện Đức Huệ, tỉnh Long An trơ đáy. Ảnh: Thiên Long.
"Chanh, đu đủ sắp "chết khô" hết rồi. Khi tôi chạy ra sông lấy mẫu nước gần nhà đem tới tiệm mua bán vật tư nông nghiệp nhờ kiểm tra độ mặn, kết quả cho chỉ số trên 1,5.
Với độ mặn cao như vậy thì chưa thể cho nước vào mương mà phải chở xuống thấp hơn nữa", chị Thúy nói.
Theo Giám đốc Sở NNPTNN Long An Nguyễn Thanh Truyền, sau khi có văn bản đề nghị của UBND tỉnh, ngày 23/4 hồ Dầu Tiếng chính thức xả nước hòa vào sông Vàm Cỏ Đông.
Việc xả nước hòa vào sông Vàm Cỏ Đông góp phần làm giảm độ mặn phục vụ cho nông dân sản xuất, tưới cây ăn trái các huyện Đức Huệ, Đức Hòa, Bến Lức, Thủ Thừa…
Đơn vị chuyên môn thường xuyên đo độ mặn trong những ngày qua để thông báo cho người dân biết lấy nước tưới tiêu.
Đã 5 ngày xả nước nhưng nhà vườn vẫn chờ, chưa dám tưới cây vì độ mặn còn cao.
Long An đón hơn 7 triệu mét khối nước về sông Vàm Cỏ giúp đẩy mặn, giữ ngọt cho cây trái. Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Miền Nam đề nghị tỉnh Long An tăng cường tổ chức thực hiện lấy nước, tích trữ nước trong nội đồng và sử dụng nước hiệu quả trong thời gian xả nước về sông Vàm Cỏ Đông qua K1+500 kênh tiêu Phước Hội Bến Đình để tạo nguồn, đẩy mặn, giữ ngọt phục vụ sản xuất đợt 1 năm 2024, đồng thời tưới cây ăn quả một số địa phương từ ngày 23/4.