Dân Việt

Xung đột ở Ukraine đã đưa chi phí quân sự toàn cầu lên mức cao nhất trong 35 năm qua

Bùi Trang (Theo The New York Times) 28/04/2024 19:10 GMT+7
Chi tiêu quân sự toàn cầu năm 2023 đã chứng kiến mức tăng kỷ lục, lên đến 2,4 nghìn tỷ USD, tăng 6,8% so với năm 2022. Căng thẳng tại khu vực châu Á và Trung Đông cũng được xem là một trong những yếu tố đóng góp vào sự gia tăng này.
Xung đột ở Ukraine đã đưa chi phí quân sự toàn cầu lên mức cao nhất trong 35 năm qua- Ảnh 1.

Chi tiêu quân sự toàn cầu đạt mức cao nhất trong 35 năm trở lại đây (Nguồn: The New York Times)

Theo một phân tích độc lập được công bố vào ngày 22/4, thế giới đã chi nhiều hơn cho chi phí quân sự và vũ khí vào năm 2023 nhiều hơn so với 35 năm qua, một phần là do cuộc xung đột ở Ukraine.

Theo nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế tại Stockholm, chi tiêu quân sự toàn cầu đã đạt mức 2,4 nghìn tỷ USD vào năm ngoái, tăng 6,8% so với năm 2022. Sự leo thang căng thẳng tại khu vực châu Á và Trung Đông cũng được xem là một yếu tố quan trọng góp phần vào sự gia tăng này. Trong khi đó, Mỹ cùng các quốc gia khác đã chi ra tổng cộng 916 tỷ USD cho vũ khí và quân sự, vượt qua 1/3 tổng số này, đóng vai trò là nhà cung cấp vũ khí và chi tiêu quân sự lớn nhất trên thế giới.

Nan Tian - một nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế tại Stockholm, theo dõi chi tiêu quân sự ít nhất kể từ năm 1988 đã nhấn mạnh rằng: "Sự gia tăng chưa từng thấy trong chi tiêu quân sự phản ứng trực tiếp trước sự suy thoái hòa bình và an ninh toàn cầu”. Ông mô tả rằng "bối cảnh an ninh và địa chính trị đang trở nên ngày càng biến động".

Trong năm đầu tiên của cuộc xung đột với Nga, Ukraine đã chi ra 64,8 tỷ USD cho quốc phòng vào năm 2023. Số liệu này chiếm 58% tổng chi tiêu của chính phủ trong năm trước đó và 37% tổng sản phẩm quốc nội của đất nước. Các nhà phân tích nhận thấy chỉ có 7 quốc gia khác chi nhiều chi phí quân sự và quốc phòng hơn Ukraine vào năm 2023.

Một trong số đó là Nga, nơi mà ông Tian ước tính đã chi ra 109 tỷ USD vào năm ngoái - một con số lớn hơn bất kỳ quốc gia nào khác ngoại trừ Mỹ và Trung Quốc. Ông Tian cho biết dự báo này dựa trên số liệu 75 tỷ USD mà Moscow đã công bố vào tháng 9 năm ngoái là chi phí quân sự của họ cho năm 2023 và ông cũng nói thêm rằng chi tiêu quân sự của Nga có thể tăng lên đến 127 tỷ USD trong năm nay, tùy thuộc vào giá trị của đồng rúp.

Ukraine đã đối đầu với Nga với sự hỗ trợ quân sự từ Mỹ và châu Âu. Đến năm 2023, họ đã nhận được vũ khí và vật liệu khác trị giá ít nhất 35 tỷ USD. Theo Viện Kinh tế Thế giới Kiel, ước tính rằng Canada, châu Âu và Hoa Kỳ đã chi hơn 100 tỷ USD trong việc hỗ trợ Ukraine từ tháng 2/2022 nhưng con số này bao gồm cả những cam kết hỗ trợ chưa được thực hiện.

Xung đột ở Ukraine đã đưa chi phí quân sự toàn cầu lên mức cao nhất trong 35 năm qua- Ảnh 2.

Chi tiêu quốc phòng Nga tăng mạnh, đạt mức cao nhất sau sự tan rã của Liên Xô năm 1991 (Nguồn: TASS)

Một số viện trợ của Mỹ cho Ukraine bao gồm tài trợ để củng cố các đồng minh NATO, các căn cứ Mỹ ở châu Âu và các nhà sản xuất vũ khí trong nước đang bổ sung kho dự trữ vũ khí và đạn dược. Ví dụ, trong gói viện trợ trị giá 60 tỷ USD cho Ukraine được Hạ viện thông qua ít nhất 37 tỷ USD dự kiến sẽ được chuyển đến các nhà sản xuất vũ khí của Mỹ. Tổng cộng, chính quyền Biden cho biết họ đã hỗ trợ an ninh cho Ukraine hơn 44 tỷ USD kể từ tháng 2/2022.

Theo báo cáo của viện, chiến tranh cũng đã thúc đẩy các nước châu Âu tăng cường chi tiêu quân sự với mức tăng khoảng 16% trong năm ngoái trên toàn lục địa, lên tới 588 tỷ USD. Trong khi một phần tiền được chuyển đến Ukraine, các nhà lãnh đạo trên khắp châu Âu đã tăng chi tiêu cho lực lượng quốc gia của họ, đặc biệt là ở Đông Âu, nơi chi tiêu quân sự đã tăng 31% trong năm ngoái.

Trong số 32 quốc gia thành viên NATO, dự kiến có ít nhất 20 quốc gia sẽ chi ít nhất 2% GDP cho quốc phòng trong năm nay. Một thập kỷ trước, chỉ có ba quốc gia đạt được tiêu chuẩn này.

Ursula von der Leyen - Chủ tịch Ủy ban châu Âu trong một cuộc họp với các giám đốc điều hành ngành công nghiệp vũ khí tại Brussels tuần trước đã tuyên bố: “Cái giá phải trả cho sự suy giảm an ninh và chiến thắng của Nga lớn hơn nhiều so với bất kỳ khoản tiết kiệm nào mà chúng ta có thể kiếm được hiện nay”.

Bà nhấn mạnh: “Chi phí của việc đối mặt với nhiều mối đe dọa và xung đột mà không có sự chuẩn bị sẽ lớn hơn nhiều so với khả năng của chúng ta”. Đó là lý do tại sao đã đến lúc châu Âu phải tăng cường quốc phòng và an ninh.”