Ẩn sâu trong con hẻm trên đường Huỳnh Tấn Phát, quận 7 là căn phòng trọ của Mỹ Trân (22 tuổi), đang là sinh viên năm cuối. Phòng trọ Trân thuê chỉ vỏn vẹn khoảng hơn 10m2. Trân cho hay mùa nắng năm nay như là một "cực hình".
"Không có máy lạnh, buộc tôi phải mở quạt gió liên tục kéo theo điện tiêu thụ nhiều. Nhưng không mở quạt thì chịu không nổi, nóng lắm...", Trân nói. Cô cho biết, không chỉ tiền điện tăng mà tiền nước cũng tăng theo do tắm nhiều lần trong ngày.
Để tiết kiệm tiền điện, có hôm Trân tìm cách trốn nóng ở văn phòng nơi mình đang thực tập. Cô cho biết tháng vừa rồi phải đóng gần 400.000 đồng tiền điện.
Éo le hơn, phòng trọ của hai mẹ con Bảo Linh (ngụ quận Tân Phú) hứng trọn nắng nóng gay gắt vào buổi trưa và chiều.
"Phòng trọ này ban ngày em không thể lên gác được vì nóng hầm hập đến mức nhức đầu, còn nằm dưới nền gạch thì mát nhưng được một chút thì lại nóng như rang", Linh nói.
Linh hiện đang là sinh viên năm cuối, còn mẹ cô làm công nhân cho một công ty ở Tân Phú. Cuộc sống vất vả, kéo theo tiền điện tăng cao đã tạo thêm nỗi lo cho gia đình Linh.
Mặc dù giá điện khu trọ của Linh được cho là rẻ so với mặt bằng chung, nhưng con số hơn 500.000 đồng tiền điện một tháng đã khiến Linh "đau đầu". So với tháng trước, tiền điện của phòng Linh đã tăng hơn một nửa.
Ngoài giờ lên giảng đường học, đa số thời gian còn lại Linh trụ trong thư viện hoặc ở chỗ công ty thực tập để hưởng ké máy lạnh.
"Bớt được đồng nào hay đồng đó, chứ ở nhà trọ hoài tiền điện cao quá mẹ con em gồng không nổi", Linh nói.
Đối với mẹ con Linh, khoảng thời gian này tiêu chí tiết kiệm điện luôn đặt lên hàng đầu với câu slogan huyền thoại "tắt khi không sử dụng".
Linh cho biết, hiện hai mẹ con cố gắng sử dụng điện, đèn ở mức vừa đủ nhu cầu.
"Khi ở phòng, cứ cách vài tiếng, em lại phải đi lau nhà để nằm cho mát", Linh chia sẻ.
Trao đổi với phóng viên Dân Việt, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực TP.HCM Bùi Trung Kiên chia sẻ, do thời tiết nắng nóng kéo dài, sản lượng điện tiêu thụ của TP.HCM trong những ngày đầu tháng 4/2024 liên tiếp tăng cao và đã vượt đỉnh năm 2023.
Trong những ngày tiếp theo, nhiệt độ tại TP.HCM bình quân khoảng 36 – 38 độ C, nhiệt độ thực tế ngoài trời có lúc lên đến 40 – 41 độ C. Số giờ nắng nóng trong ngày cũng nhiều hơn, vì vậy sản lượng điện tiêu thụ có thể sẽ tiếp tục tăng cao, dự báo có thể tăng 30 – 40% so với tháng trước.
Theo ông Kiên, do thời tiết nắng nóng kéo dài nhiều ngày và thời tiết oi bức trong ngày kéo dài dẫn đến người dân sử dụng thiết bị làm mát tăng cao, đặc biệt là máy lạnh. Việc này đã dẫn đến sản lượng điện tăng vọt.
Ngành điện tiếp tục kêu gọi mọi người, mọi nhà cùng chung tay sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả tại gia đình, tại nơi làm việc như: tắt các thiết bị điện khi ra khỏi phòng, cắt hẳn nguồn điện nếu không sử dụng các thiết bị điện; chỉ sử dụng điều hòa nhiệt độ khi thật cần thiết và sử dụng ở chế độ, mức nhiệt độ phù hợp (chế độ làm lạnh từ 26 độ C trở lên); ưu tiên mua sắm các phương tiện, thiết bị điện hiệu suất cao, có dán nhãn năng lượng đạt mức hiệu suất cao; không sử dụng bóng đèn sợi đốt…