"Tuổi thơ là mùi nước mắm"
Miền ven biển Duy Nghĩa – Duy Hải có hàng chục hộ làm nước mắm, nhưng Cơ sở sản xuất nước mắm nhĩ Cửa Đại của anh Đinh Công Đức là có quy mô lớn nhất vùng.
Anh Đinh Công Đức, xã Duy Nghĩa (huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam) khởi nghiệp với nghề làm nước mắm nhĩ truyền thống từ năm 2016. Ảnh: T.N.
Trong hương nước mắm nhĩ thơm lừng, anh Đức chia sẻ với chúng tôi về cơ duyên gắn bó với nghề làm nước mắm truyền thống.
Anh Đức tâm sự: "Ngày xưa gia đình tôi rất khó khăn, ba đi biển và mất sớm, mẹ muối mắm và gánh mắm đi bán rong để nuôi 7 anh em ăn học. Chính vì vậy, từ nhỏ tôi đã biết phụ mẹ làm nước mắm, buôn bán để kiếm sống, có tiền ăn học.
Năm cuối là sinh viên Trường Đại học Ngoại ngữ Đà Nẵng, tôi đi làm thêm tại một cơ sở nước mắm có tiếng và có cơ duyên được ông chủ truyền nghề.
Dành cả tâm huyết để học hỏi nghề làm mắm truyền thống, tôi nhận ra đây mới chính là niềm đam mê của bản thân và là mong muốn của ba tôi lúc sinh thời. Do đó, tôi quyết định từ chối những lời mời làm việc tại thành phố Đà Nẵng để trở về quê khởi nghiệp".
Khởi nghiệp từ khi còn là sinh viên, anh Đức dốc hết vốn liếng và vay mượn người thân để đầu tư hơn 500 triệu đồng xây nhà xưởng rộng 2.000m2, mua nguyên liệu....
Nhà nằm gần bến cá An Lương, khi tàu vừa cập bến là anh đưa cá về muối ngay để đảm bảo độ tươi ngon.
Đặc biệt, anh chỉ làm mắm từ loại cá cơm than đầu mùa được khai thác ở vùng biển Cửa Đại – Cù Lao Chàm. Từ tháng Giêng đến tháng 4 hằng năm là vụ cá cơm than ngon nhất, vì thế để duy trì sản xuất, anh Đức mua và muối trữ hơn 60 tấn cá.
Cá cơm than và muối hạt Đề Gi được trộn theo tỷ lệ 3:1, ủ chượp trong 8-12 tháng là có thể làm mắm nêm hoặc lọc lấy mắm nhĩ.
Theo anh Đức, sở dĩ anh chỉ làm nước mắm từ cá cơm than là do qua quá trình kết tinh ủ lọc, nước mắm cá cơm có vị mặn mà, hậu vị ngọt thanh, thơm nồng, màu đỏ đẹp, độ đạm cao.
Nếu làm mắm từ cá nục, cá giò thì hậu vị khá chát hoặc đắng, có thể gây ngứa họng. Vì thế, khi thu mua cá cơm than để làm mắm, anh lựa chọn rất kỹ càng những con cá cơm tươi xanh, không trộn lẫn những loại cá khác hay tôm mực.
Để thu được những giọt nước mắm nhĩ tinh túy, anh phải lọc hỗn hợp nguyên liệu qua phễu tre được bọc 3-4 lớp vải lót mịn, nhằm tối ưu dưỡng chất và mùi vị, loại bỏ cặn bã, xác cá. Từ đó thu được những giọt mắm nhĩ có màu cánh gián, thơm ngon, mặn mà, hậu vị ngọt.
Thu lãi 300 triệu đồng/năm
Anh Đức chia sẻ: "Khởi nghiệp với nghề truyền thống tôi gặp không ít khó khăn về nguồn vốn, mẹ lại không ủng hộ tôi từ bỏ công sức bao năm đèn sách.
Đặc biệt, khi xưởng mắm đi vào hoạt động ổn định thì bất ngờ cơn bão năm 2017 thổi bay mái che hai bể mắm, làm thiệt hại hơn 200 triệu đồng.
Bên cạnh đó, đứng trước sự cạnh tranh khốc liệt trên thị trường, nước mắm mang thương hiệu mắm nhĩ Cửa Đại gặp khó về đầu ra".
Không nản lòng, anh kiên trì học hỏi, lấy chất lượng sản phẩm để thuyết phục người tiêu dùng. Cùng với đó, anh không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm, quy trình sản xuất tuyệt đối không sử dụng hóa chất để tạo dựng niềm tin với khách hàng, thường xuyên mang nước mắm đi thẩm định chất lượng tại các cơ quan uy tín.
Anh Đức tích cực tham gia các hội chợ, triển lãm, chương trình xúc tiến thương mại để quảng bá sản phẩm; đưa sản phẩm nước mắm nhĩ Cửa Đại lên các sàn thương mại điện tử, nền tảng mạng xã hội facebook, zalo, shopee....
Đặc biệt, tháng 12/2022, sản phẩm nước mắm nhĩ Cửa Đại được UBND tỉnh Quảng Nam công nhận đạt chuẩn OCOP 4 sao.
Đây là cơ hội và cũng là động lực để anh Đức tiếp tục nâng cao chất lượng sản phẩm, phát triển thương hiệu, mở rộng thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước.
Hiện nay, với diện tích xưởng sản xuất hơn 3.000m2, anh muối trữ hơn 1.000 tấn cá, xuất bán 2 tấn sản phẩm mắm các loại mỗi ngày. Riêng nước mắm nhĩ Cửa Đại bán chạy nhất vào dịp Tết, đạt sản lượng hơn 60.000 lít, giá dao động từ 90.000-160.000 đồng/lít (tùy loại).
Sản phẩm nước mắm nhĩ Cửa Đại xuất bán đi nhiều địa phương trong tỉnh, Đà Nẵng, TP.Hồ Chí Minh, Hà Nội... và xuất khẩu sang Lào.
Từ đó, anh thu lãi khoảng 300 triệu đồng mỗi năm, tạo việc làm thường xuyên cho 6 lao động địa phương với thu nhập từ 9-13 triệu đồng/người/tháng và hàng chục lao động thời vụ.
"Để nước mắm truyền thống có chỗ đứng vững trên thị trường là điều vô cùng khó khăn. Tuy nhiên nếu có quyết tâm sẽ làm được, bởi người tiêu dùng vẫn ưa chuộng dòng sản phẩm sạch, trong đó có nước mắm truyền thống.
Hiện chỉ mới là thành công bước đầu, sắp tới tôi sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng sản phẩm, định hướng xuất khẩu sang các nước Đông Nam Á như Thái Lan, Campuchia..., kết hợp thực hiện các tour du lịch cộng đồng, phục vụ khách du lịch trải nghiệm nghề truyền thống", anh Đức bộc bạch.