Bánh trứng kiến ở vùng núi Tam Đảo (tỉnh Vĩnh Phúc) được dùng làm lễ vật dâng cúng ông bà tổ tiên trong lễ tảo mộ, thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc.
Một chiều cuối Xuân, đầu Hạ, chúng tôi có dịp ghé thăm xã Đạo Trù, huyện Tam Đảo (tỉnh Vĩnh Phúc) được Chủ tịch UBND xã Lý Ngọc Một giới thiệu về nét văn hóa ẩm thực độc đáo, đa dạng của đồng bào dân tộc Sán Dìu nơi đây.
Trong đó, chúng tôi đặc biệt chú ý tới món bánh ngon được làm từ trứng của loài kiến, mỗi năm được người dân làm duy nhất một lần vào dịp Tết Thanh minh.
Để chúng tôi được tận mắt chứng kiến các công đoạn làm loại bánh trứng kiến, ông Một dẫn chúng tôi đến nhà bà Dương Thị Sáu ở thôn Đồng Giếng.
Tại đây, bà Sáu cùng các bà Trần Thị Tư, Trần Thị Lý ở cùng thôn đang thực hiện các công đoạn làm món bánh đặc sản truyền thống để chuẩn bị cho ngày Tết Thanh minh diễn ra vào hôm sau.
Những người phụ nữ dân tộc Sán Dìu ở xã Đạo Trù, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc tất bật làm món bánh trứng kiến vào dịp Tết Thanh minh. Ảnh: Kim Ly.
Bà Sáu đem theo một chiếc sàng cùng với dao quắm đi tìm tổ kiến trên những cành cây cao. Thấy một vài tổ kiến to tròn như quả mít, bà Sáu trèo lên cây, bám thật chắc, dùng dao chặt cả cành rồi đem xuống.
Bà Sáu đập dọa để kiến chui ra, sau đó, phạt rách tổ kiến, dốc trứng kiến vào chiếc sàng. Những quả trứng kiến tròn mẩy, màu trắng ngà, bé bằng hạt gạo rơi ra, bà Sáu sàng nhẹ tay để lọc ra những quả trứng lành lặn đem về nhà.
Bà Sáu vừa nhanh tay sàng trứng vừa nói với chúng tôi: “Món đặc sản bánh truyền thống này năm nào chúng tôi cũng làm. Lúc bé ở nhà được bố mẹ làm cho ăn, đến khi trưởng thành thì học cách tự làm rồi truyền lại cho con cháu.
Bánh trứng kiến gói xong được phụ nữ dân tộc Sán Dìu ở xã Đạo Trù, huyện Tam Đảo (tỉnh Vĩnh Phúc) đem hấp cách thủy trong khoảng 20 phút. Ảnh: Kim Ly.
Cách chế biến loại bánh trứng kiến khá đơn giản, song điều đặc biệt là món ăn này chỉ được làm duy nhất một lần trong năm vào dịp Tết Thanh minh, bởi đây là thời điểm kiến sinh sản nhiều, trứng rất to và mẩy.
Mặc dù mọi người rất cẩn thận khi lấy tổ kiến song không tránh khỏi việc bị kiến đốt sưng tay chân, mặt mũi, những không vì thế mà bỏ cuộc.
Gia đình nào cũng mong chờ đến dịp này để được thưởng thức món bánh trứng kiến do những người phụ nữ trong gia đình tự tay chế biến. Nhiều người rủ nhau lên rừng lấy trứng kiến, lá ngõa về nhà rồi cùng nhau làm bánh rất vui vẻ”.
Trứng kiến được đem xào qua với hạt nêm dùng để làm nhân bánh. Phần vỏ bánh được làm từ bột gạo nếp nhung có độ dẻo thơm đặc biệt.
Lá ngõa (lá vả, lá cây vả) để làm bánh gồm 2 loại, một lá bánh tẻ có kích thước nhỏ gói bên trong và chiếc lá to, già hơn bọc bên ngoài bánh. Lá ngõa hái về được đem rửa sạch, bỏ phần gân lá để khi gói bánh dễ dàng hơn.
Bà Sáu trải đều bột gạo nếp lên chiếc lá ngõa nhỏ, sau đó, rải lên trên một lớp trứng kiến và gập đôi chiếc lá lại, nắn thành hình vuông và gói thêm bên ngoài một chiếc lá ngõa to hơn.
Bánh trứng kiến có sự dẻo thơm của gạo nếp, vị béo ngậy của trứng kiến và vị bùi của lá ngõa (lá vả). Ảnh: Kim Ly.
Gói xong, bà Sáu bắc nồi lên bếp củi để hấp bánh. Bánh trứng kiến hấp khoảng 20 phút là chín, đem ra để nguội rồi dùng kéo cắt ra làm đôi, bày lên đĩa. Khi ăn, mọi người sẽ ăn cả phần lá ngõa bên trong và không cần chấm thêm bất kỳ gia vị nào.
Thưởng thức những chiếc bánh nóng hổi vừa được hấp chín, thực khách sẽ cảm nhận được sự dẻo thơm của gạo nếp, vị béo ngậy của trứng kiến và vị bùi của lá ngõa cùng hòa quyện trong miếng bánh.
Theo bà Sáu, bánh càng để nguội ăn càng ngon. Bánh chín có thể để được 2 - 3 ngày mà không cần bảo quản trong tủ lạnh. Bánh trứng kiến là loại bánh thơm ngon đặc biệt, song không phải ai cũng có thể thưởng thức loại bánh này.
Nhiều người có cơ địa dị ứng với nhộng côn trùng khi ăn phải trứng kiến sẽ bị nổi nốt ngứa. Do đó, nếu thưởng thức món bánh này lần đầu, thực khách nên ăn ít để theo dõi phản ứng của cơ thể, nếu có biểu hiện lạ thì không nên ăn tiếp để tránh ảnh hưởng tới sức khỏe.
Không chỉ là món ăn truyền thống của đồng bào dân tộc Sán Dìu, rất nhiều thực khách ở xa yêu thích món bánh trứng kiến cũng mong chờ tới dịp Tết Thanh minh để được thưởng thức món đặc sản này. Năm nào, nhà bà Sáu cũng có khách đặt hàng trăm chiếc bánh trứng kiến.
Ngoài làm bánh trứng kiến để phục vụ gia đình, bà Sáu còn làm bánh để bán cho khách, vừa để tăng thêm thu nhập cho gia đình, vừa góp phần giới thiệu, quảng bá văn hóa ẩm thực của đồng bào dân tộc mình tới du khách gần xa.
Chủ tịch UBND xã Đạo Trù, huyện Tam Đảo, (tỉnh Vĩnh Phúc) Lý Ngọc Một cho biết: “Người Sán Dìu ở địa phương có tục đi tảo mộ vào ngày Tết Thanh minh. Bà con làm món bánh trứng kiến đem ra đồng thắp hương tảo mộ để tỏ lòng thành kính, biết ơn ông bà, tổ tiên, cầu mong tổ tiên phù hộ cho con cháu mạnh khỏe, bình an.
Sau khi tảo mộ, các thành viên về nhà lập mâm cơm trên bàn thờ cúng gia tiên, rồi cùng nhau ăn uống sum vầy. Mâm cơm gia đình nào cũng có món bánh trứng kiến. Đây là món ăn truyền thống của người dân tộc Sán Dìu được lưu truyền cho đến ngày nay.
Chính quyền địa phương luôn khuyến khích bà con giữ gìn những món ăn truyền thống cũng như nét văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc Sán Dìu cho thế hệ mai sau".