Dân Việt

Diễn đàn đối thoại về vấn đề chăn thả gia súc trong Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Voi Quảng Nam

PV 03/05/2024 11:28 GMT+7
Ngày 25-4 vừa qua, Hội đồng Quản lý đa ngành (MSMC) huyện Nông Sơn (Quảng Nam) đã tổ chức Diễn đàn đối thoại lần thứ hai với chủ đề "Chăn thả gia súc trong Khu bảo tồn (KBT) loài và sinh cảnh Voi Quảng Nam - Các giải pháp giải quyết thực trạng chăn thả gia súc trong KBT, hướng tới sự hài hoà giữa bảo tồn và phát triển".

Đây là hoạt động được hỗ trợ kỹ thuật bởi Hợp phần Bảo tồn đa dạng sinh học thuộc Dự án Quản lý rừng bền vững và Bảo tồn đa dạng sinh học (VFBC) do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ.

Diễn đàn đối thoại về  vấn đề chăn thả  gia súc trong  Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Voi Quảng Nam- Ảnh 1.

Diễn đàn đối thoại lần thứ hai hướng tới việc làm rõ những mâu thuẫn và xung đột giữa tình trạng chăn thả gia súc của các hộ gia đình tại xã Phước Ninh và Quế Lâm trong lâm phận khu bảo tồn với công tác quản lý, bảo vệ, phát triển, sử dụng rừng và bảo tồn đa dạng sinh học; đối thoại đa phương nhằm tìm ra tiếng nói chung, sự đồng thuận và hợp tác toàn diện để giải quyết những mâu thuẫn và xung đột; thảo luận giải pháp hỗ trợ bền vững cho nhóm cộng đồng sống phụ thuộc vào rừng trong vùng đệm Khu bảo tồn Loài và Sinh cảnh Voi Quảng Nam và đề ra lộ trình thực hiện và vai trò tham gia của các bên có liên quan.

Diễn đàn đối thoại về  vấn đề chăn thả  gia súc trong  Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Voi Quảng Nam- Ảnh 2.

Kết luận tại Diễn đàn, các hộ có số lượng gia súc nhỏ dưới 10 con, có đất làm chuồng, trồng cỏ và các hộ dựng trại trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt (BVNN) cần bắt buộc di dời. Phòng Nông nghiệp và Trung tâm Dịch vụ Kỹ thuật nông nghiệp huyện Nông Sơn sẽ hỗ trợ làm chuồng trại, kỹ thuật trồng cỏ và dịch vụ thú y cho các hộ di dời này. Đối với 7 hộ hiện đang chăn thả trong khu vực rừng trồng, cho phép làm chuồng tạm tại vị trí giáp ranh được chỉ định bởi KBT để thu gom hết đàn trâu bò và di dời sang nơi khác, vị trí chăn thả mới sẽ được thảo luận và thống nhất với KBT & UBND xã.

Bên cạnh đó, Ban Quản lý KBT có trách nhiệm chủ trì phối hợp cùng hạt Kiểm Lâm huyện và các xã Phước Ninh, Quế Lâm, các ban ngành có liên quan khác lên phương án thực hiện với tiến độ cụ thể, phối hợp với nhóm Giám sát quản lý và theo dõi chặt chẽ việc thực hiện các kết luận trong Diễn đàn và báo cáo MSMC theo quy định.

Trước đó, việc chăn thả gia súc trái phép trong KBT đã diễn ra từ lâu, gây tác động xấu tới hệ sinh thái rừng, môi trường sống của động vật hoang dã, làm ô nhiễm nguồn nước, suy giảm đa dạng sinh học và tạo tác động xấu đối với sức khoẻ cộng đồng. Tuy nhiên, chăn nuôi gia súc được coi là nguồn thu nhập chính của nhiều hộ gia đình có hoàn cảnh kinh tế đặc biệt khó khăn. Theo báo cáo, tổng đàn gia súc thả rông ước tính khoảng 850 con, là tài sản của hơn 70 hộ gia đình tại xã Phước Ninh và Quế Lâm.

"Diễn đàn đối thoại lần thứ hai là cơ hội để chúng tôi đặt mình vào vị trí của các hộ gia đình sống phụ thuộc vào rừng, từ đó có cái nhìn đa chiều hơn về công tác bảo tồn đa dạng sinh học. Đây được coi là bước đệm để chúng tôi tạo ra các giải pháp mang tính bền vững không chỉ hỗ trợ sinh kế cho bà con sống phụ thuộc vào rừng mà còn góp phần thực hiện sứ mệnh lớn lao - sứ mệnh bảo tồn đa dạng sinh học." - Ông Nguyễn Chí Tùng, PCT UBND huyện Nông Sơn.

Diễn đàn đối thoại về  vấn đề chăn thả  gia súc trong  Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Voi Quảng Nam- Ảnh 3.

Về Hợp phần Bảo tồn Đa dạng Sinh học

Hợp phần Bảo tồn Đa dạng Sinh học (BCA) thuộc Dự án Quản lý Rừng bền vững và Bảo tồn đa dạng sinh học (VFBC) do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ được thực hiện từ tháng 07/2021 - 06/2026. Mục tiêu nhằm duy trì, nâng cao chất lượng rừng và đồng thời duy trì ổn định các quần thể động vật hoang dã ở những tỉnh có giá trị bảo tồn cao. Dự án tập trung triển khai hoạt động tại 14 khu rừng đặc dụng (RĐD) và 7 khu rừng phòng hộ (RPH), phần lớn thuộc cảnh quan Trung Trường Sơn để duy trì độ che phủ rừng và kết nối sinh cảnh nhằm bảo vệ những loài động vật hoang dã, đặc biệt là những loài đặc hữu, nguy cấp.

Hợp phần Bảo tồn Đa dạng Sinh học được thực hiện bởi WWF- Hoa Kỳ và các đối tác khác như: WWF-Việt Nam, Tổ chức Helvetas Việt Nam, Viện Nghiên cứu Động vật Leibniz, Re:wild, Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV), Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) và Fauna & Flora.

Diễn đàn đối thoại về  vấn đề chăn thả  gia súc trong  Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Voi Quảng Nam- Ảnh 4.

Hợp phần Bảo tồn Đa dạng Sinh học bao gồm 4 tiểu hợp phần (THP): THP1: Thúc đẩy sản xuất, kinh doanh thân thiện với bảo tồn cho cộng đồng sống phụ thuộc vào rừng; THP2: Tăng cường quản lý rừng đặc dụng và rừng phòng hộ; THP3: Tăng cường hiệu quả hệ thống thực thi pháp luật đối với tội phạm hủy hoại rừng và động vật hoang dã; THP4: Giảm nhu cầu tiêu thụ thông qua các phương pháp thay đổi hành vi.