Dân Việt

Vì sao cần khuyến khích giáo viên nam trong giáo dục mầm non?

Theo Trần Xuân Tiến 04/05/2024 15:40 GMT+7
Lối nghĩ nam giới không phù hợp để trở thành giáo viên mầm non cần được xóa bỏ, nhằm xây dựng một môi trường giáo dục toàn diện cho trẻ ở những năm đầ

Việc dư luận bàn thảo sôi nổi trên mạng xã hội, và phần nhiều là thái độ lo ngại về thông tin Trường Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng) công bố chính sách thưởng 5 triệu đồng cho nam sinh chọn học ngành Giáo dục mầm non cho thấy những định kiến giới đối với giáo dục vẫn còn ăn sâu trong suy nghĩ nhiều người.

Vì sao cần khuyến khích giáo viên nam trong giáo dục mầm non?- Ảnh 1.

Nếu thiếu vắng hình ảnh người cha trong gia đình, thì sự có mặt của giáo viên nam sẽ giúp trẻ trải nghiệm, phát triển nhận thức một cách đầy đủ về giới tính trong xã hội. (Nguồn: Báo Lao động)

Đây đồng thời cũng là một thách thức phân biệt giới tính, áp lực tâm lý mà chính các nam thí sinh phải vượt qua, khi lựa chọn theo ngành Giáo dục mầm non, bên cạnh các thách thức về đào tạo chuyên môn khác.

Thế nên, các nam thí sinh cần hiểu rõ những lợi thế nghề nghiệp của mình, và những lý do về sự phù hợp, tính hợp lý khi theo học ngành Giáo dục mầm non.

Chủ trương khuyến khích thí sinh nam chọn ngành Giáo dục mầm non là một nỗ lực rất đáng trân trọng của Trường Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng) trong việc xây dựng sự đa dạng, cân bằng giới tính trong lĩnh vực giáo dục nói chung, và ở cấp độ giáo dục mầm non nói riêng.

Từ góc nhìn khoa học, trẻ ở độ tuổi những năm đầu đời cần một môi trường học tập đa dạng, phong phú, sáng tạo, tích cực thể hiện qua sự quan tâm, chăm sóc, yêu thương và giáo dục, từ cả nam giáo viên cũng như nữ giáo viên.

Thầy giáo có thể mang đến góc nhìn, cách thức giảng dạy, quản lý điều hành lớp một cách khác biệt so với cô giáo, từ đó làm đầy đặn trải nghiệm học tập của trẻ, giúp trẻ có thể phát triển toàn diện các kỹ năng xã hội, nhân sinh quan và hành vi ứng xử.

Hơn thế, sự xuất hiện của thầy giáo trong môi trường giáo dục mầm non không chỉ giúp tạo ra sự cân bằng giữa các phong cách giáo dục, mà còn cung cấp cho trẻ các mô hình nam tích cực, giúp trẻ hình thành nhận thức một cách đầy đủ về vai trò của nam giới trong đời sống xã hội.

Có giáo viên nam trong lớp học, sẽ giúp trẻ có cơ hội tiếp xúc, quan sát, học hỏi từ các hình mẫu nam giới một cách tự nhiên. Chẳng hạn như đối với các hoạt động sinh hoạt ngoài trời hoặc trong các tình huống khẩn cấp, thầy giáo có thể mang lại cảm giác ổn định, an ninh, an toàn cho trẻ.

Đặc biệt là với trường hợp những gia đình không có sự hiện diện của người cha (chẳng hạn như tình huống trẻ chỉ sống cùng mẹ đơn thân, hoặc bố mẹ ly dị và trẻ ở với mẹ) thì việc có nam giới (với vai trò thầy giáo) giao tiếp, tương tác, chăm sóc và giáo dục trẻ trong môi trường học tập sẽ thúc đẩy sự phát triển tích cực, cân bằng cho trẻ.

Thiếu vắng hình ảnh người cha trong gia đình, thì sự có mặt của giáo viên nam sẽ giúp trẻ trải nghiệm, phát triển nhận thức một cách đầy đủ về giới tính trong xã hội.

Nỗ lực khuyến khích các thí sinh nam chọn học ngành Giáo dục mầm non không chỉ giúp thay đổi nhận thức, quan điểm của xã hội về vị trí của nam giới trong việc chăm sóc, giáo dục trẻ mầm non mà còn đóng góp vào sự phát triển đa dạng, bền vững của ngành Giáo dục.

Những rào cản về định kiến, phân biệt giới tính trong lĩnh vực giáo dục cần được xóa bỏ.

Tất nhiên, có thể phần nào hiểu được những băn khoăn của các phụ huynh khi giao con nhỏ cho người thầy sẽ cảm thấy lạ lẫm so với khi giao phó cho người cô. Thế nhưng, trong việc chăm sóc, giáo dục trẻ có rất nhiều công đoạn và các hoạt động khác nhau.

Ở trường mầm non cũng có nhiều vị trí việc làm khác nhau. Giáo viên nam sẽ chỉ tham gia vào những hoạt động giáo dục, quản lý phù hợp, không làm ảnh hưởng đến tâm sinh lý của trẻ và đảm bảo tránh những trường hợp tế nhị không mong muốn.

Trước đó, trong Đề án tuyển sinh năm 2024 vừa công bố, Trường Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng) thông tin sẽ thưởng 5 triệu đồng cho nam sinh đăng ký ngành Giáo dục mầm non.

ThS. Nguyễn Vinh San (Trưởng Phòng Công tác sinh viên, Trường Đại học Sư phạm - Đại học Đà Nẵng) cho biết, đây là chính sách nhà trường đề ra nhằm khuyến khích thí sinh nam theo học ngành này do nhiều năm trở lại đây không có một nam sinh viên nào.